Giấu bằng đi làm công nhân

CHIÊU THỤC ANH 17/05/2016 08:15

Miệt mài bốn, năm năm tại giảng đường đại học, cuối cùng phải xếp tủ tấm bằng tốt nghiệp cử nhân, kỹ sư... để đi làm công nhân là câu chuyện của không ít bạn trẻ đất Quảng đang mưu sinh ở TP. Đà Nẵng.

Nguyễn Hoàng T. mới nhận bằng kiến trúc sư (SN 1991), quê xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc. Hoàng T. ra trường đã hơn năm nay và hiện theo anh họ đi làm thợ đá với tiền công 150.000 đồng/ngày. Nhìn chàng kiến trúc sư thư sinh, mảnh dẻ vác đá lên cầu thang và ngồi mài đá, đầu tóc bạc thếch vì bụi đá, người biết chuyện không khỏi xót xa. T. nói rằng cũng đã nộp hồ sơ xin việc vài văn phòng kiến trúc nhưng chưa thấy gọi phỏng vấn. Trong lúc chờ việc mà về quê thì “vừa sợ ba má buồn vì công nuôi ăn học mấy năm nay giờ thất nghiệp phải về nhà”. “Mỗi lần ba má hỏi chuyện đều chỉ nói là đang thử việc văn phòng, chưa chính thức nên tiền lương đủ tiêu, chưa dư để gửi về ba má nuôi em được” - T. buồn bã, nói. Trong khi đó, Phan Trọng Đ. (SN 1989) quê xã Tam An, huyện Phú Ninh hiện là nhân viên kỹ thuật của Công ty viễn thông FPT Đà Nẵng, cử nhân khoa Điện tử - viễn thông Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Công việc của Đ. là phụ trách mạng lưới viễn thông của nhà mạng FPT khu vực Hòa Minh - Liên Chiểu. “Bằng cấp đại học nhưng ngày nào cũng phải leo lên leo xuống trụ điện, nguy hiểm rình rập, áp lực chỉ tiêu mà lương cao nhất cũng chỉ có 5,5 triệu đồng” - Đ. cho biết. Vợ Đ. hiện là công nhân Công ty Mabuchi, lương tháng 9 triệu đồng, hai vợ chồng góp lại cũng đủ sống. “Vợ em tốt nghiệp ngành quản lý tài chính công, đại học kinh tế mà đi làm công nhân Công ty Mabuchi, lương cũng cao. Em mấy lần nộp đơn vào công ty vợ, giấu hẳn bằng đi mà đâu có được nhận” – Đ. nói.

Vài năm trở lại đây, công việc dành cho đối tượng là cử nhân, kỹ sư ở TP. Đà Nẵng không nhiều như trước. Nếu có, thu nhập ở mức 4 - 5 triệu đồng, chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu của một người nhập cư. Trong khi đó, ở vị trí công nhân nhưng làm việc tại các công ty điện tử có yếu tố nước ngoài, thu nhập thường gấp đôi so với cử nhân làm việc bên ngoài. “Chính vì thế, các bạn trẻ nộp đơn xin vào làm tại công ty tôi khá nhiều. Tuy nhiên, phía nhân sự thường loại các hồ sơ có bằng cấp đại học vì cho rằng, với những bạn có bằng cấp, họ chỉ làm việc tạm thời trong lúc chờ xin việc khác. Điều này không đảm bảo năng suất ổn định cho công ty nên vì thế không có nhiều hồ sơ xin việc có kèm bằng đại học. Thực tế khá nhiều bạn tốt nghiệp đại học nhưng đang làm công nhân tại công ty chúng tôi” - chị Nguyễn Thị Thu Vân, nhân viên phòng hành chính, vật tư, Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng, nói.

Những ngày đi tìm hiểu thực tế của những cử nhân, kỹ sư làm công nhân tại Đà Nẵng, tôi gần như tìm ra mẫu số chung của tình trạng này chính là việc các bạn trẻ khi chọn nghề đều không xác định được sở thích, đam mê với công việc mà mình lựa chọn. Không những thế, sự lựa chọn cảm tính với ngành nghề trong tương lai cũng như tư tưởng phải thi đậu đại học rồi ra trường tính sau là nguyên nhân khiến cử nhân hụt hẫng trong thực tế tìm việc. “Tình trạng trên cũng phản ánh một điều hết sức đau lòng là việc lãng phí quá lớn nguồn lực, tiền bạc và con người bị đổ vào một hành trình mà chủ đích không hề được xác định ngay khi bắt đầu” - anh Lê Quang Nhật, doanh nhân Quảng Nam tại TP. Hồ Chí Minh nói.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH