Công đoàn khởi kiện đơn vị nợ bảo hiểm xã hội: Nhiều vấn đề phát sinh
Từ ngày 1.7.2016, Công đoàn có quyền khởi kiện và tham gia tố tụng các vụ án lao động, trong đó có quyền khởi kiện đơn vị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng việc thực thi hóa vấn đề trên là bài toán khó, cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía.
Nợ khó đòi
TAND Tối cao vừa ban hành Văn bản số 105 hướng dẫn thi hành Luật BHXH 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016. Theo văn bản này, kể từ ngày 1.1.2016, TAND các cấp không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền nợ BHXH đối với người sử dụng lao động. Với những vụ án đã được thụ lý trước ngày 1.1.2016 mà chưa được giải quyết thì TAND ra quyết định đình chỉ, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tại Quảng Nam, có 54 hồ sơ mà cơ quan BHXH các cấp đang khởi kiện chưa được giải quyết trên toàn tỉnh được TAND trả lại. Theo số liệu từ cơ quan BHXH tỉnh, toàn tỉnh còn 43 đơn vị nợ kéo dài, khó thu hiện không còn địa chỉ hoạt động, không còn giao dịch, nợ 4,7 tỷ đồng của 742 lao động. Có 76 đơn vị đã và đang phá sản, giải thể, nợ hơn 3,9 tỷ đồng. BHXH các cấp đã khởi kiện một số đơn vị sử dụng lao động nhưng chưa giải quyết được như: Công ty CP Đồng Xanh (Nhà máy cồn ethanol Đại Tân - Đại Lộc) nợ hơn 4 tỷ đồng trên 4 năm; Công ty TNHH Haba (Điện Bàn) nợ 478 triệu đồng đã 96 tháng; Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Bảo Tiêu (Điện Bàn) nợ 277 triệu đồng đã 70 tháng; Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam nợ 1,8 tỷ đồng trên 45 tháng…
Quyền lợi của người lao động cần được đảm bảo khi thực thi một quy định mới.Ảnh: D.LỆ |
Kể từ khi Luật BHXH cho phép cơ quan BHXH được quyền khởi kiện các đơn vị nợ BHXH ra tòa, có thể nói tình hình nợ đọng BHXH có chuyển biến khả quan hơn. Các đơn vị sử dụng lao động đã tôn trọng người lao động hơn khi không để nợ dây dưa kéo dài, có đơn vị khi bị khởi kiện đã tiến hành ngay các biện pháp trả nợ, cam kết trả nợ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Dù vậy, vẫn còn nhiều đơn vị nợ nhưng cố tình chây ì, dù cơ quan BHXH đã có động thái quyết liệt khởi kiện, nhưng đến khi thi hành án lại gặp khó khăn vì các đơn vị nợ không có tài sản để thi hành án hay chủ bỏ trốn, khiến cho quyền lợi của hàng nghìn người lao động bị ảnh hưởng.
Nhiều phát sinh
Theo quy định mới, Luật BHXH chấm dứt quyền khởi kiện của cơ quan BHXH và chuyển sang tổ chức công đoàn. Ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: “Nay cơ quan BHXH không khởi kiện nữa chắc chắn việc thu hồi nợ sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Cơ quan BHXH sẽ tạo điều kiện hết sức để tổ chức công đoàn thực thi quyền khởi kiện. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng sẽ rất phức tạp, vì công đoàn không nắm toàn bộ quá trình tham gia cũng như nợ của đơn vị sử dụng lao động. Rồi ai sẽ đại diện cho người lao động đứng ra chịu trách nhiệm trước tòa. Khi khởi kiện thì sẽ tốn kém nhưng hiện nay việc thực hiện các vụ kiện liên quan quyền lợi BHXH không có phần trích lại kinh phí…”.
Về phía công đoàn, ông Lưu Văn Thương - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh, nêu quan điểm: “Điểm mới trong Luật BHXH nêu trên góp phần tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thực hiện tốt hơn chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn”. Ông Thương dẫn ra những lý do: đến nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể về việc lập hồ sơ, trình tự khởi kiện, ủy quyền của người lao động như thế nào. Đội ngũ cán bộ chuyên trách công đoàn hiện nay quá ít so với yêu cầu thực tiễn, hầu hết chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng luật sư để tranh tụng tại tòa, chưa có kinh nghiệm trong các vụ kiện. Việc theo dõi chốt số nợ, thời gian nợ, tình hình hoạt động cụ thể của doanh nghiệp, nội dung và quy trình ủy quyền của người lao động như thế nào, số lượng các vụ kiện trước đây bao nhiêu; tỷ lệ vụ thắng - thua kiện; bao nhiêu vụ chưa được thụ lý, xét xử...? Điều kiện phục vụ kèm theo để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ này chưa có quy định về cơ chế cụ thể nên rất khó thực hiện.
Ngoài ra, tổ chức công đoàn chưa vào cuộc nhưng TAND Tối cao đã có công văn yêu cầu tòa các cấp không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH ngay từ đầu năm 2016, đồng thời trả lại hồ sơ chưa xử lý trước ngày 1.1.2016 là quá sớm, gây bị động, khó khăn cho cả hai cơ quan BHXH và Liên đoàn Lao động. Như vậy, quyền lợi của người lao động sẽ bị thiệt thòi. Ông Thương cho hay: “Việc quy định của luật thì chúng ta phải thực hiện, tuy nhiên, để đạt được yêu cầu đòi hỏi phải có thời gian, sự phối hợp chặt chẽ, cụ thể, đầy trách nhiệm giữa công đoàn, cơ quan BHXH, TAND nhằm chống thất thu BHXH và đặc biệt để người lao động không bị mất quyền lợi của mình”.
DIỄM LỆ