Gia tăng mức đóng, mở rộng đối tượng
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016. Luật BHXH lần này có nhiều nội dung bổ sung nhằm điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp hơn với xu thế hiện nay, trong đó việc mở rộng đối tượng và gia tăng mức đóng BHXH bắt buộc được nhiều người quan tâm.
Tăng trách nhiệm và quyền lợi
Luật BHXH (sửa đổi) mở rộng đối tượng và gia tăng mức đóng BHXH bắt buộc. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Lại - Giám đốc BHXH tỉnh.
P.V:Nội dung cụ thể của việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là gì, thưa ông?
Ông Phạm Văn Lại: Ngày 20.11.2014, Luật BHXH (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, gồm 9 chương, 125 điều, quy định chế độ, chính sách BHXH; quyền và trách nhiệm của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHXH, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan BHXH; quỹ BHXH; thủ tục thực hiện BHXH và quản lý nhà nước về BHXH.
Luật BHXH (sửa đổi) lần này mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm NLĐ có hợp đồng lao động 1 - 3 tháng. NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp, được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (tham gia BHXH bắt buộc 2 chế độ).
Công ty may phải tiết giảm chi phí, tăng năng suất để bù đắp vào quỹ lương, đóng BHXH. Ảnh: D.LỆ |
P.V: Với quy định NLĐ từ 1 - 3 tháng cũng phải tham gia, cơ quan BHXH sẽ quản lý nhóm đối tượng này như thế nào cho hiệu quả vì nhóm này không dễ quản lý nếu doanh nghiệp cố tình lách luật?
Ông Phạm Văn Lại: Theo Luật BHXH (sửa đổi), NLĐ có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, theo đó đơn vị sử dụng lao động phải có trách nhiệm đăng ký tham gia BHXH theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan BHXH có chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoặc phối hợp với Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, Thanh tra tỉnh, cơ quan thuế, liên đoàn lao động… để thanh tra, kiểm tra xử lý theo quy định. Đặc biệt, để quản lý NLĐ thuộc nhóm này, sự phối hợp với cơ quan thuế là điều rất cần thiết, vì doanh nghiệp có thể cố tình giảm số lượng NLĐ để không tham gia BHXH, nhưng không bao giờ giảm khi khai bên thuế.
P.V:Một thay đổi lớn nữa trong Luật BHXH (sửa đổi) là tăng tiền đóng BHXH, cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Lại: Đây là thay đổi quan trọng nhất trong Luật BHXH 2014. Hiện tại, NLĐ đóng BHXH bắt buộc trên nền tiền lương cơ bản. Đối với người hưởng lương từ ngân sách là mức lương cơ sở nhân với hệ số. Với NLĐ trong doanh nghiệp là mức lương thỏa thuận với chủ sử dụng ghi trong hợp đồng nhưng không thấp hơn lương tối thiểu vùng. Từ ngày 1.1.2016 đến hết năm 2017, mức đóng dựa trên tiền lương cộng phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. Từ ngày 1.1.2018 trở đi, đóng trên lương cùng phụ cấp và các khoản bổ sung ghi trong hợp đồng lao động. Theo quy định, NLĐ đóng 8%, còn lại 18% sẽ do người sử dụng lao động đóng, tổng cộng 26% đóng vào quỹ BHXH. Theo đó, từ ngày 1.1.2016 đến 31.12.2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.
Phụ cấp được xác định là các khoản cố định, ít biến động, gồm tiền để bù đắp điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ. Một số loại phụ cấp được tính đóng BHXH gồm: phụ cấp chức vụ, chức danh; trách nhiệm; nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; thâm niên; khu vực; lưu động; thu hút; và phụ cấp có tính chất tương tự.
P.V: Với quy định mở rộng đối tượng và tăng mức đóng như thế, NLĐ được lợi ích gì?
Ông Phạm Văn Lại: Với quy định mới này rất có lợi cho NLĐ, gia tăng trách nhiệm của doanh nghiệp. Trước đây, khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động đối với NLĐ rất hay lách luật để khỏi đóng BHXH bằng cách ký kết liên tục từ 1 - 3 tháng, khi kiểm tra thì các cơ quan chức năng mới biết. Bây giờ, doanh nghiệp thử việc xong, dù có ký kết theo hình thức 1 - 3 tháng thì cũng phải đóng BHXH cho NLĐ. Như thế, quyền lợi của NLĐ rõ ràng đã được pháp luật bảo vệ ngay từ đầu. Khi đóng BHXH, NLĐ đuợc hưởng nhiều chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Đối với việc gia tăng mức đóng, khi NLĐ nghỉ hưu được hưởng 75% và hưởng tiếp chế độ bảo hiểm y tế mà không phải đóng thêm, đó là điều quan trọng. Bởi khi về già, điều này là cần thiết. Luật BHXH (sửa đổi) hướng đến đảm bảo quyền lợi lâu dài cho NLĐ, đảm bảo được chính sách an sinh xã hội bền vững.
P.V:Vậy những nội dung này đã được cơ quan BHXH tỉnh tuyên tuyền đến NLĐ như thế nào?
Ông Phạm Văn Lại: Để chuẩn bị cho năm 2016 này, chúng tôi đã thực hiện việc tuyên truyền xuyên suốt trong năm 2015. Chúng tôi tuyên truyền tận cơ sở, về đến các xã để tuyên truyền cho nhân dân hiểu. BHXH tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan lồng ghép trong các buổi tuyên truyền của các ngành như phụ nữ, LĐ-TB&XH, liên đoàn lao động… Đối với các doanh nghiệp, BHXH tỉnh và các huyện, thành phố đã mời chủ doanh nghiệp, cán bộ phụ trách BHXH ở các doanh nghiệp để tuyên truyền nội dung mới. Đồng thời, những tài liệu tuyên truyền về Luật BHXH (sửa đổi) được phát tận tay cho doanh nghiệp, để họ tiến hành tuyên truyền cho NLĐ trong các buổi sinh hoạt, hội nghị NLĐ, trên hệ thống loa nội bộ hằng ngày…
P.V:Xin cảm ơn ông!
Tiết kiệm chi phí để đóng BHXH
Mở rộng đối tượng và gia tăng mức đóng BHXH ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp (DN). Tuy vậy, với phương châm người lao động (NLĐ) là vốn quý, góp phần quan trọng và sự phồn thịnh của DN, đại bộ phận DN trong tỉnh đã chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng để thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tiết kiệm để thích ứng
Đối với các DN may sử dụng đông lao động, việc mở rộng đối tượng và gia tăng mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đồng nghĩa với việc gia tăng chi phí của mỗi DN. Nhưng ngành may mà ít lao động thì năng suất sẽ không cao, nên mỗi DN đều có những cách tiết kiệm, hay những biện pháp đảm bảo cho đời sống của NLĐ trên mọi phương diện. Như Công ty TNHH Tuấn Đạt (Cụm công nghiệp Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) với 3 xưởng may (kể cả xưởng may ở Tiên Phước), hiện có đến 3.200 lao động. Để đảm bảo đời sống của từng ấy con người, lãnh đạo công ty luôn phải tìm kiếm những đơn đặt hàng giá tốt, luôn luôn có hàng cho công nhân sản xuất. Đời sống NLĐ đảm bảo thì DN mới ăn nên làm ra, và việc đóng BHXH cho NLĐ theo mức mới là một nội dung không làm cho DN này ảnh hưởng nhiều. Ông Trần Hữu Doãn - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: “Từ trước đến nay chúng tôi ký kết hợp đồng lao động không thực hiện theo kiểu từ 1 - 3 tháng, sau thời gian thử việc là ký 1 năm hoặc dài hạn, vì thế bổ sung nhóm này thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến công ty. Còn việc gia tăng mức đóng tuy có làm chi phí của công ty tăng lên, nhưng chúng tôi có thể đảm đương được. Tăng năng suất lao động là điều chúng tôi luôn hướng công nhân của mình thực hiện, nhằm tiết giảm chi phí, tiết kiệm cho DN và bù đắp vào đảm bảo đời sống của NLĐ”.
Mở rộng đối tượng và tăng mức đóng sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ảnh: D.LỆ |
Công ty TNHH Dacotex Hải Âu Xanh (Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Núi Thành) hiện có 600 lao động, được phân định hai trình độ công nhân lao động có tay nghề và công nhân lao động không có tay nghề. Dựa trên sự phân định này, công ty thực hiện đóng BHXH cho NLĐ theo mức cũ đối với công nhân có tay nghề là 2.688.000 đồng, công nhân không có tay nghề là 2.520.000 đồng, tức cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định. Bà Ngô Thị Ánh Nguyệt - Quản đốc xưởng may của công ty, cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng lại thang bảng lương cho phù hợp với mức lương tối thiểu vùng đã tăng từ ngày 1.1.2016 ở khu vực DN. Trên cơ sở bảng lương mới này, với từng vị trí công việc, chúng tôi sẽ nhân thêm phần trăm của từng trình độ tay nghề, tính các loại phụ cấp theo quy định để tính đóng BHXH cho NLĐ. Chúng tôi ước tính chi phí đóng BHXH tăng hàng tháng là 12,6% so với mức trước kia”.
Với mức gia tăng chi phí này, bà Nguyệt cho rằng cũng là một nỗi lo lớn của công ty, nhưng công ty phải tìm mọi cách để thích ứng và tồn tại, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Cuối năm 2015, công ty đã tổ chức hội nghị NLĐ, và tuyên truyền về những nội dung đổi mới của luật BHXH, về mức lương mới, về cách tính đóng BHXH mới. Trong hội nghị này, công ty cũng đã tuyên truyền để NLĐ hiểu và góp sức cùng công ty trong việc tiết giảm những chi phí không cần thiết, trên tinh thần hết sức tiết kiệm để có thể tăng lương. Bà Nguyệt nói: “Bằng mọi giá phải cải tiến năng suất lao động, vì đối tác không dễ tăng giá đơn hàng, nên mình phải rút gọn công đoạn thừa, không cần thiết, tiết kiệm giờ làm việc. Công nhân cũng cần chia sẻ với DN, có trách nhiệm với công việc làm của mỗi người để giảm chi phí đến mức tối đa, bù vào các khoản cần thiết khác. Cái gì có thể tiết kiệm được thì tiết kiệm, chứ lương công nhân thì nhất định năm sau phải cao hơn năm trước, và như thế thì mức đóng BHXH cũng cao hơn”.
DN nhà nước khó khăn
Đối với các DN nhà nước hoặc cổ phần hóa có vốn của Nhà nước, từ ngày 1.1.2016 phải thực hiện trả lương cho NLĐ theo quy định mới, không tính theo bậc, ngạch nhà nước như trước mà hoạt động theo cơ chế của DN, với mức lương thấp nhất không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định. Vì thế, gia tăng quỹ tiền lương là một điều hiển nhiên. Khi quỹ tiền lương gia tăng, cùng với mức đóng BHXH mới thì gánh nặng đè lên vai DN khu vực này không hề nhỏ.
Đối với Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Quảng Nam, khi đóng BHXH theo thang bảng lương mới được công ty xây dựng, chi phí mỗi năm sẽ gia tăng từ 3 - 4 tỷ đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí của DN và ảnh hưởng đến tổng quỹ lương của NLĐ. Ở Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, trước đây việc đóng BHXH cho NLĐ dựa trên hệ số lương cơ bản nhân cho mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng. Nhưng theo thang bậc lương mới được xây dựng thì NLĐ sẽ được đóng BHXH bằng mức lương thực nhận cùng phụ cấp, nghĩa là việc trả lương và việc đóng BHXH là như nhau, vì vậy chi phí của công ty gia tăng. Dù chưa biết rõ chi phí sẽ tăng bao nhiêu, do thang bảng lương của công ty đang được trình chủ sở hữu xem xét, nhưng theo ước tính của công ty thì mức tăng này khiến công ty phải bằng mọi giá xoay xở, tiết kiệm đủ các khoản để bù đắp vào lương, BHXH.
Bà Huỳnh Thị Tuyến - Trưởng phòng Tài chính, Kế toán trưởng của Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết: “Công ty bằng mọi giá phải tiết kiệm để bù đắp vào lương, vào chi phí đóng BHXH cho NLĐ theo luật định. Nhưng ở đây xuất hiện một điều bất hợp lý đối với vị trí quản lý trong DN nhà nước. NLĐ thì theo quy định mới, nhưng quản lý vẫn phải theo quy định cũ của Chính phủ, tức đóng BHXH theo hệ số lương nhân cho mức lương cơ sở, thêm các khoản phụ cấp. Như thế người quản lý sẽ có mức đóng BHXH thấp hơn NLĐ trong DN, vậy khi về hưu sẽ hưởng lương hưu thấp hơn NLĐ. Đã là DN, dù là nhà nước hay ngoài nhà nước, thì người quản lý cũng hoạt động theo cơ sở của DN, vì thế cần phải tính đóng BHXH giống như mức lương được hưởng, sẽ đảm bảo quyền lợi của các chức danh quản lý hơn”.
Vui - lo lẫn lộn
Là đối tượng chính được điều chỉnh trong Luật BHXH (sửa đổi), người lao động đang trong tâm trạng vui lẫn lo âu. Vui vì chính sách đã quan tâm đến NLĐ nhiều hơn, nhưng lo vì khi cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng phải cắt thêm một khoản để đóng BHXH.
Chị Mai Thị Chúc (Công ty TNHH Dacotex Hải Âu Xanh, Khu công nghiệp Bắc Chu Lai: Cố gắng cùng doanh nghiệp
“Chúng tôi đã được nghe công ty tuyên truyền về luật BHXH mới, nghe được tăng mức đóng để sau này được hưởng quyền lợi cao hơn, đó cũng là điều đáng mừng. Nhưng nghe công ty nói phải cắt giảm nhiều chi phí, nghĩa là công nhân phải vào cuộc cùng với công ty, cố gắng cùng công ty để lương có thể tăng. Chúng tôi sẽ làm theo hướng dẫn của công ty để tăng năng suất lao động, nhưng công ty cũng phải hiểu rằng chúng tôi đi làm chỉ mong lương mỗi ngày một tăng, công việc ổn định thì sẽ gắn bó với công ty. Năm nay, công ty có đơn hàng mới, mở rộng thị trường, hy vọng công việc của công nhân sẽ tốt hơn, đó là điều rất vui. Công ty đã nỗ lực để người lao động không thất nghiệp thì chúng tôi cũng sẽ cố gắng chia sẻ, giúp công ty làm ăn tốt hơn”.
Người lao động nên vào cuộc cùng doanh nghiệp để đảm bảo đời sống cho chính mình. Ảnh: D.LỆ |
Chị Nguyễn Thị Bê (Công ty CP Nhựa miền Trung, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc: Sợ công ty gặp khó khăn
“Trước khi ra đời công ty nhựa này, công ty đã trải qua quá nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn bám trụ với công ty. Lúc khó khăn, công nhân còn làm thì công ty vẫn cố gắng trả lương, đóng BHXH đầy đủ cho công nhân. Vì thế mà tôi không bỏ công ty ra đi, nay công ty hoạt động tốt trở lại là điều vui rồi. Công nhân thì được mở rộng quyền lợi tham gia BHXH đương nhiên là mừng, bởi làm lâu dài đủ tuổi nghỉ hưu có lương hưu thì khỏe tuổi già. Nhưng tôi vẫn lo lắm, lo là công ty làm ăn tốt thì không sao, nhưng công ty mà vì tăng lương, tăng chi phí này kia lỡ không gánh vác nổi thì chúng tôi cũng lao đao theo. Nhưng nghe lãnh đạo công ty nói đơn hàng có cho công nhân sản xuất, công ty lo được thì chúng tôi tạm yên tâm phần nào”.
Anh Lê Trường Một (Công ty Giày Rieker Việt Nam, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc: Thu nhập sẽ giảm thêm một phần
“Trước đây, BHXH chỉ tính trên mức lương tối thiểu vùng thôi, nhưng từ giờ sẽ tính thêm các khoản phụ cấp nữa, nghĩa là mỗi tháng ngoài lương, các khoản phụ cấp của tôi sẽ bị tính đóng BHXH. Như thế thì phụ cấp cũng bị cắt thêm một phần, không được nhận đủ như trước nữa. Với công nhân, lương ba cọc ba đồng, không đủ lo chi phí ăn ở, sinh hoạt, nhất là người có gia đình, con cái đi học. Vì thế mà mất thêm một đồng thì tụi tui cũng tiếc một đồng, chỉ mong nhận được đủ để trang trải cuộc sống. Nhưng nghe tuyên truyền khi hưởng chế độ hưu sẽ cao hơn thì cũng mừng, có điều biết có làm đủ đến thời gian nghỉ hưu hay không?”
Anh Phạm Phú Đông (Công ty CP Kính nổi Chu Lai):Lương hưu nghe xa vời quá!
“Nói thiệt là lương hưu sẽ tăng nghe cũng thích đó, nhưng xa vời quá! Làm công nhân mà, được ngày nào hay ngày đó, biết có đến được tuổi hưu không. Nhưng pháp luật quy định rồi, có muốn hay không thì tiền lương hàng tháng cũng bị trích đóng. Thì đóng cao hưởng cao, thấp hưởng thấp thôi. Công nhân bao nhiêu gánh nặng, lương tăng không nhiều mà mọi chi phí khác đều tăng chóng mặt, khiến công nhân rất tằn tiện khi chi tiêu, thế mà vẫn không đủ. Mỗi đồng lương tăng thêm cũng là quý, nhưng mới nghe tăng lương đó chừ nghe tăng phí đóng BHXH vì tính cả phụ cấp, tôi nghe cũng lo lắm. Chỉ mong lãnh đạo công ty hiểu, cố gắng tạo công ăn việc làm ổn định cho công nhân được nhờ”.
DIỄM LỆ