Đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội
Đào tạo nghề theo nhu cầu của người học, gắn với giải quyết việc làm hoặc tăng thu nhập từ nghề đã học là điểm nhấn ấn tượng của đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trong 5 năm qua (2011 - 2015).
Đào tạo theo nhu cầu
Năm 2011, đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đã đem lại luồng gió mới cho công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nhờ vậy, nông dân chân lấm thay bùn ở các làng quê có cơ hội được đi học nghề theo đúng nhu cầu. Dĩ nhiên, bà con nông dân rất thực tế, xưa nay họ làm nghề theo kinh nghiệm, không theo một chuẩn mực kỹ thuật nào. Những con người một đời làm ra hạt lúa, củ khoai, chăn nuôi heo, gà… bắt đầu đi học cách trồng lúa, trồng rau màu, nuôi gà nuôi heo theo những phương pháp an toàn, chất lượng, hiệu quả cao. Người nông dân đi học không phải theo kiểu mang vở đến lớp ghi chép, mà họ học ngay tại đồng ruộng, với những người hướng dẫn là những người thợ dày dạn kinh nghiệm. Học theo kiểu “cầm tay chỉ việc” như thế, người dân mới thực sự hứng thú và học có chất lượng. Đi học miễn phí, đối tượng thuộc diện chính sách còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại...
Qua những phiên giao dịch việc làm, người lao động và doanh nghiệp được kết nối.Ảnh: D.L |
Kể từ năm 2011 đến nay, dù công tác đào tạo nghề cho LĐNT có thay đổi cách quản lý từ tỉnh đưa về huyện, nhưng vẫn không thay đổi cách “giảng dạy” cho bà con nông dân. Và thực tế cho thấy, 5 năm qua đã có hơn 138 nghìn LĐNT trong tỉnh được đi học nghề về nông nghiệp và phi nông nghiệp theo nhu cầu. Trong số đó, có hơn 28 nghìn người đã tốt nghiệp các khóa đào tạo, hơn 21.500 người có việc làm sau học nghề theo nhiều hình thức được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tự tạo việc làm mới hoặc vẫn làm theo việc cũ nhưng năng suất cao hơn, lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp… tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều LĐNT khác. Như ở Cẩm Châu, Cẩm Thanh (TP.Hội An) có 136/170 người học nghề nấu ăn đã có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập bằng việc lập các nhóm nấu ăn dịch vụ, đi làm ở nhà hàng. Hay các xã Tam Thái, Tam Đàn (Phú Ninh) đào tạo nghề may công nghiệp cho 172 phụ nữ nông thôn và được doanh nghiệp nhận vào làm việc với nguồn thu nhập ổn định từ 2,5 triệu đồng/tháng trở lên. Hoặc Hợp tác xã Bình Minh (Đại Lộc) đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động bằng nghề đan ghế nhựa trên khung sắt…
Ưu tiên giải quyết việc làm
Giải quyết việc làm cho người lao động luôn là vấn đề được ưu tiên, khi tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội ngày càng nhiều. Ông Trần Đình Quế - Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Hiện nay, các trường nghề trong tỉnh luôn tự nỗ lực để kết nối cùng doanh nghiệp, đào tạo thợ theo địa chỉ, cho ra lò đội ngũ thợ mà xã hội cần chứ không phải theo nghề nhà trường có sẵn. Dù công cuộc tuyển sinh vẫn còn nhiều khó khăn do tâm lý, ý thức học nghề của phần lớn người tham gia học nghề chưa cao, nhưng các trường nghề khi đào tạo luôn ưu tiên hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho người học bằng cách kết nối cùng doanh nghiệp”. Các trường nghề đã đào tạo hơn 128 nghìn thợ cho xã hội, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt gần 45% tính đến cuối năm 2015. Theo các trường dạy nghề, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đều duy trì ở mức 70 - 85%, riêng các khóa được đào tạo theo địa chỉ, trên 90% người học có việc làm tại doanh nghiệp.
Trong 5 năm qua (2011 - 2015), giải quyết việc làm cho người lao động luôn là vấn đề nóng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động và việc làm. Trong bối cảnh chung, tỉnh đã nỗ lực giúp người lao động bằng nhiều cách làm. Tỉnh đã có nhiều cơ chế ưu đãi nhằm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Nam, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động; kết nối để đưa người lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài với thu nhập cao hơn; tăng cường các hoạt động trợ giúp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bằng các phiên giao dịch việc làm hàng tháng và thường xuyên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; cho vay vốn từ nguồn quỹ giải quyết việc làm quốc gia và tỉnh để người lao động tự giải quyết việc làm… Nhờ vậy, có hơn 198 nghìn lao động đã được giải quyết việc làm, cho vay được hơn 29,5 tỷ đồng. Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Giải quyết việc làm cho người lao động và nâng cao trình độ tay nghề của người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập luôn là vấn đề cần kíp. Vì thế, các trường nghề không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề mà còn chú trọng các nghề trọng điểm của khu vực, quốc gia… Liên kết với doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng là một hướng đi được xác định nhằm tạo ra đội ngũ thợ chất lượng, giải quyết được việc làm. Xã hội hóa công tác dạy nghề là phương thức huy động được nguồn lực xã hội trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
DIỄM LỆ