Xem thường quyền lợi người lao động

DIỄM LỆ 28/12/2015 08:44

Xưởng may dành cho 400 công nhân giờ chỉ còn hơn 60 người gắng gượng làm việc, chủ doanh nghiệp bỏ đi không hẹn ngày về. Đó là tình cảnh đang diễn ra tại Công ty TNHH MTV May thêu Song Châu (xã Điện Quang, Điện Bàn).

Đoàn thanh tra làm việc tại Công ty TNHH MTV May thêu Song Châu. Ảnh: D.L
Đoàn thanh tra làm việc tại Công ty TNHH MTV May thêu Song Châu. Ảnh: D.L

“Tiến thoái lưỡng nan”

Sự xuất hiện của đoàn thanh tra Sở LĐ-TB&XH tại Công ty TNHH MTV May thêu Song Châu vào cuối tuần qua được người lao động (NLĐ) tại đây quan tâm, trông chờ. Nhiều ánh mắt dõi theo từng bước chân của đoàn thanh tra mang theo những nỗi niềm khó tả. Nhiều người đã bật khóc, bởi họ đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Tết đã cận kề, bỏ đi không đặng, ở lại chẳng xong. Chị Lê Thị Hoa nghẹn ngào: “Năm nay nữa là gần 4 năm tôi gắn bó với công ty này, từ thời của chủ cũ chuyển sang cho Song Châu. Thời chủ cũ thì lương chúng tôi nhận đủ, bảo hiểm được đóng đàng hoàng. Nhưng từ tháng 9.2014 chuyển sang Song Châu đến giờ, tiền lương có nhưng hay trễ, tháng 11.2015 mới được ứng 1 triệu đồng, tháng 12.2015 thì chưa có”. Tiếp lời của chị Hoa, chị Trần Thị Kim Loan nói: “Mấy năm rồi làm ở đây mà đâu có thấy được cái thẻ bảo hiểm ra sao, tiền lương của chúng tôi thì tháng nào cũng bị trích hơn 200 nghìn đồng để đóng bảo hiểm, nhưng bà Phùng Thị Liên Châu là chủ doanh nghiệp giữ lại hết, không đóng cho chúng tôi. Còn hơn nửa lương tháng 11 và tháng 12.2015 thì nghe người quản đốc nói làm hết lô hàng này ông giải quyết, biết có hay không?”

Khi chúng tôi đang trò chuyện cùng NLĐ ở tổ cắt, những người khác ở tổ may tạm ngưng công việc, chờ chúng tôi qua để được nói lên những điều lâu nay không biết tỏ cùng ai. Vừa bước chân đến khu vực may, không ai bảo ai, họ rời vị trí làm việc để hỏi về đủ thứ vấn đề. Chị Hồ Thị Vân bức xúc: “Giờ lương cũng chẳng có mà nhận, thử hỏi như thế thì quyền lợi của NLĐ ai bảo vệ đây? Cuối năm, tết đến nên chúng tôi phải bu bám để lấy mấy đồng tiền lương, vì lời hứa của quản đốc nên ráng làm việc. Quản đốc hứa làm hết lô hàng này xuất cho đối tác sẽ trả lương công nhân, tin ông nên chúng tôi ráng làm, dù tăng ca cũng chấp nhận. Nhưng tôi chẳng rõ lời hứa ấy có được thực hiện không nữa, rồi chúng tôi phải làm sao khi ông bán được hàng mà ôm tiền chạy luôn?”.

Vợ chồng anh Trần Công Đa và chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã hơn 3 năm gắn bó với công ty này, giờ công ty nợ lương cả 2 vợ chồng, rồi các khoản bảo hiểm cũng không được đóng, khiến những tháng vừa qua hai vợ chồng anh Đa không đủ tiền nuôi con ăn học. Chị Tuyết tâm sự: “Tôi bị bướu cổ, đã 3 lần mổ rồi, nhưng đâu có thẻ bảo hiểm của công ty mà xoay xở. Khi làm hơn một năm mà thấy nói hoài công ty không đóng bảo hiểm, vợ chồng tôi phải về nhà mua bảo hiểm y tế hộ gia đình, chứ không lỡ đau ốm lấy gì lo”. Còn chị Nguyễn Thị Hồng thì đi không được, ở cũng chẳng xong, bởi lỡ vào làm ở Song Châu sau khi đã đi làm ở các nơi khác, cộng dồn bảo hiểm xã hội thì chị đã đóng được 14 năm. Giờ sổ bảo hiểm xã hội phía công ty giữ, không đóng cho chị, chị nghỉ làm thì bị cho là nghỉ ngang sẽ không được giải quyết chế độ, mà đi làm thì cứ cầm chừng, chẳng biết đến khi nào được giải quyết quyền lợi, được đóng bảo hiểm. Đứng xung quanh chúng tôi là những người đã sinh con và những người sắp sinh, bao nhiêu năm đi làm, đến khi sinh con đầu lòng, họ không thể được hưởng chế độ thai sản bởi công ty nợ bảo hiểm xã hội.

Dấu hiệu chủ doanh nghiệp bỏ trốn

Khi đoàn thanh tra đến làm việc, bà Phùng Thị Liên Châu là chủ Công ty TNHH MTV May thêu Song Châu đã đi từ nửa tháng trước, theo lời của NLĐ. Làm việc với đoàn là ông Nguyễn Văn Lớn - Quản đốc xưởng may của công ty. Tuy nhiên, ông Lớn không được ủy quyền trong buổi làm việc đó. Ông nói rằng mình không hề biết có đoàn thanh tra tới trong ngày hôm nay, nhưng công ty không còn ai nên ông phải ngồi làm việc. Trong khi đó, thông báo thanh tra đã được gửi tới công ty trước thời điểm thanh tra được 1 tuần, được giao tận tay và phòng nhân sự đã ký nhận, nhưng ông là người duy nhất có trách nhiệm lại không nhận được thông báo (?!). Ông Lớn nói rằng bà Châu đã đi trị liệu hơn nửa tháng qua, nhưng vẫn liên lạc với ông qua điện thoại để chỉ đạo việc gia công hàng hóa, xuất hàng cho đối tác. Tuy nhiên, đến ngày 18.12 thì ông Lớn không liên lạc được với bà Châu nữa.

Về việc nợ lương, bảo hiểm của công nhân, ông Lớn cho rằng mình không biết và không chịu trách nhiệm. Trước mắt, ông được bà Châu ủy quyền để xuất bán và nhận tiền lô hàng mà công nhân đang gia công, khi nhận được tiền, ông sẽ chi trả hơn 350 triệu đồng lương còn nợ của tháng 11, và trả lương tháng 12 cho công nhân. Tuy nhiên, khi ông Nguyễn Thành Khả - Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, Trưởng đoàn thanh tra yêu cầu ông Lớn phải có bản cam kết cùng đại diện NLĐ về việc trả lương, phòng trường hợp ông xuất bán hàng mà không trả lương cho NLĐ, thì ông Lớn kiên quyết không ký cam kết. Lúc đang làm việc với đoàn thanh tra, ông viện cớ nghe điện thoại, bỏ ra ngoài và về phòng làm việc đóng cửa nằm. Người của đoàn thanh tra cùng ông Nguyễn Đức Kỵ - Phó Trưởng Công an xã Điện Quang phải đến phòng gõ cửa, kêu ông lên tiếp tục làm việc với đoàn. Được biết, thị xã Điện Bàn đã nhiều lần làm việc với công ty nhưng những cam kết của chủ doanh nghiệp này vẫn không được thực hiện.

Theo thông tin từ Bảo hiểm Xã hội Điện Bàn, Công ty TNHH MTV May thêu Song Châu bắt đầu thông báo đóng các khoản bảo hiểm cho NLĐ từ tháng 9.2014 đến nay, và mới chỉ trích đóng 3 lần, tính đến ngày 22.12.2015 đã nợ hơn 1,135 tỷ đồng. Bảo hiểm Xã hội Điện Bàn đã kiện công ty này ra tòa, Tòa án nhân dân Điện Bàn đã 2 lần mời bà Phùng Thị Liên Châu đến giải quyết vụ việc nhưng bà không đến. Theo kế hoạch, hôm nay 28.12, Tòa án nhân dân Điện Bàn sẽ đưa vụ kiện này ra giải quyết, dù bà Châu có đến hay không, nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Về phía đoàn thanh tra, ông Khả cho biết sau cuộc làm việc này, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, bằng mọi biện pháp bảo vệ quyền lợi của NLĐ.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ