Tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và người lao động
(QNO) - Việc không nắm bắt rõ Luật Lao động là một trong những nguyên nhân chính trong sự việc liên tục người lao động (NLĐ) phản ứng gay gắt trước những thay đổi về quyết định, chính sách của đơn vị chủ quản ảnh hưởng đến quyền lợi của họ thời gian qua.
Đình công gay gắt
Vụ việc đầu tiên xảy ra vào ngày 13.8, gần 100 công nhân (CN) tại phân xưởng may Duy Sơn của Công ty TNHH MTV Sơn Hà - Duy Xuyên ngừng việc để yêu cầu giám đốc doanh nghiệp giải quyết về định mức lao động cao, kéo dài thời gian giao kết hợp đồng lao động, làm thêm giờ vượt mức quy định, chất lượng bữa ăn giữa ca không đảm bảo… Chỉ 5 ngày sau, khoảng 40 công nhân Công ty TNHH YS VINA (ở KCN Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) đến Sở LĐ-TB&XH phản ánh và yêu cầu can thiệp giải quyết về việc công ty buộc người lao động nghỉ việc không hưởng lương trong 3 ngày thứ Bảy của tháng 8.2015 và trừ tiền chuyên cần của công nhân khi nghỉ phép có sự đồng ý của giám đốc công ty.
Đại diện Công ty TNHH Sơn Hà - Duy Xuyên đối thoại với công nhân hôm 14.8. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
Đến ngày 25.9, một số nhân viên, lái xe của hãng Taxi Hoàng Anh chi nhánh Quảng Nam “vây” văn phòng để yêu cầu giải quyết chế độ và giải thích lý do cho nghỉ việc mà không thông báo trước, thu lại đồng phục trong khi nhân viên tự bỏ tiền ra mua khi mới vào làm việc, các chế độ bảo hiểm. Mới đây nhất là vào ngày 2.11, 11 tài xế, quản lý xe tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức phản ứng trước việc đơn vị chủ quản là Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam không cấp lệnh chạy mà không thông báo trước. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên là trước đó, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam nâng mức khoán từ 400 ngàn đồng/ngày/xe lên 500 ngàn đồng/ngày/xe nhưng không đạt được sự thống nhất chung giữa các bên.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các cơ quan, ban ngành địa phương vào cuộc khắc phục. Đối với vụ việc tại Công ty TNHH MTV Sơn Hà, Sở LĐ-TB&XH đã hướng dẫn Phòng LĐ-TB&XH huyện Duy Xuyên phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tham mưu UBND huyện trực tiếp làm việc với lãnh đạo và tập thể lao động để giải quyết các vướng mắc. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và các ngành chức năng có liên quan thuộc tỉnh và TP.Tam Kỳ trực tiếp làm việc với lãnh đạo và Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH YS VINA để hướng dẫn quy định của pháp luật và đề nghị công ty giải quyết những yêu cầu chính đáng của người lao động. Riêng 2 trường hợp còn lại, các bên đã tự thỏa thuận và các doanh nghiệp đã kịp thời trở lại hoạt động bình thường.
Nâng cao nhận thức pháp luật lao động
Trong diễn biến các sự vụ trên, phần lớn nguyên nhân xuất phát từ NLĐ còn mơ hồ về pháp luật lao động. Vào thời điểm đó, công nhân L.T.H. của Công ty TNHH MTV Sơn Hà thành thật: “Khi ký hợp đồng, em không đọc chi hết. Có hôm mệt, em nghỉ gần nửa buổi rồi mới gọi điện xin phép quản đốc. Còn chuyện đình công, thật ra không liên quan đến em, nhưng thấy nhiều người đình công quá nên em cũng hùa theo”.
Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho rằng tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến người sử dụng lao động và NLĐ rất quan trọng. “Mục đích của công tác này nhằm giúp người sử dụng lao động và NLĐ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; hạn chế và không để xảy ra đình công, ngừng việc do tranh chấp lao động về quyền và lợi ích giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động” - ông Triều nói.
Năm 2015, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai mở 34 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Bộ Luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 với trên 4.000 NLĐ, người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn của các doanh nghiệp tham gia. |
Trong khi NLĐ còn chưa rõ đâu là quyền lợi, trách nhiệm của mình thì nhiều đơn vị chủ quản đột ngột thay đổi chính sách, quyết định dẫn đến phản ứng gay gắt của họ. Chẳng hạn như việc tuyến xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức ngừng chạy bất ngờ hồi đầu tháng 11, anh Lê Phạm Hồng Sơn, quản lý kiêm lái xe cho biết: “Bất cứ sự thay đổi nào cũng cần phải thông báo trước, chưa kể việc nâng mức khoán từ 400 ngàn đồng/ngày/xe lên 500 ngàn đồng/ngày/xe không phải anh em chúng tôi không đồng ý, mà mong muốn công ty giãn thời gian ra vì chúng tôi vừa bị đổi chủ nên còn nhiều khó khăn”.
Về vấn đề này, ông Triều cho rằng doanh nghiệp cần phải tổ chức lấy ý kiến của NLĐ một cách đầy đủ và thống nhất trước khi đi vào thực hiện. Ít nhất là cho NLĐ biết trước 15 ngày trước khi áp dụng thử định mức lao động mới. Định mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động. Nếu doanh nghiệp chấp hành đúng quy định của pháp luật lao động, trong đó có nội dung như nêu ở trên thì sẽ hạn chế được tối đa tranh chấp lao động xảy ra tại doanh nghiệp.
XUÂN KHÁNH