Đẩy mạnh đào tạo nghề
Xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm có vai trò quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, TP.Tam Kỳ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực.
Hội LHPN là một trong những đơn vị tham gia tích cực trong công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm cho chị em hội viên. Hàng năm, các cấp hội từ thành phố đến các xã, phường đã tổ chức khảo sát nắm bắt số lượng lao động nữ trong độ tuổi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các chị em về nhu cầu việc làm, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2011 - 2015”, trong 5 năm qua, hội đã phối hợp với các phòng ban của thành phố mở 76 lớp hướng dẫn dạy nghề nấu ăn, đào tạo nghề mây tre đan, kỹ thuật nuôi tôm nước lợ, trồng hoa cây cảnh, nuôi dế, nuôi nhông, trồng nấm… cho hơn 8.200 lượt hội viên. Bên cạnh đó, tổ chức hơn 120 buổi tuyên truyền cho 2.300 lượt hội viên về chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, phương pháp chọn giống cây trồng, trồng rau theo hướng sinh học an toàn. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho các hội viên phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN TP.Tam Kỳ nói: “Với phương châm dạy nghề phải gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, hội đã liên hệ với chủ các cơ sở sản xuất nhỏ tại địa phương tạo điều kiện để chị em được làm việc tại các cơ sở gần nhà. Ngoài dạy nghề, giải quyết việc làm thông qua các nghề thủ công, hội còn giúp vốn để chị em đầu tư cho sản xuất tại gia đình, tự tạo việc làm, tăng thu nhập”.
Lớp dạy nghề mây tre đan. Ảnh: V.LY |
Cùng với các ban, ngành đoàn thể của thành phố, các địa phương cũng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm cho người dân. Nhiều mô hình, tổ hợp tác kinh tế, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ở các địa phương ra đời đã góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn như tổ hợp tác làm bánh tráng ở Tam Ngọc, nghề làm bún Phương Hòa (Hòa Thuận), xưởng cưa gỗ, làng rèn Hồng Lư (Hòa Hương), tổ hợp tác công nghiệp, thương mại và dịch vụ Quảng Phú, tổ hợp tác trồng nén An Phú. Ông Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch UBND phường An Phú cho biết: “Với việc đẩy mạnh phát triển nhiều mô hình, tổ hợp tác kinh tế không những giải quyết vấn đề lao động nông nhàn mà còn khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Qua đó, tạo sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh đa dạng các ngành nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương”.
Theo kết quả điều tra lao động việc làm, Tam Kỳ có gần 75.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 52,5% dân số. Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Tam Kỳ đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và tỉnh để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn góp phần tháo gỡ nút thắt trong vấn đề an sinh xã hội của địa phương. Theo đó, thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lao động nông thôn. Qua đó, định hướng việc chọn nghề cho lao động nông thôn thiết thực, phù hợp với tình hình, lợi thế của địa phương. Từ năm 2012 đến nay, từ nguồn kinh phí phân bổ của Trung ương và tỉnh, Tam Kỳ đã tổ chức mở 29 lớp với 922 lao động, trong đó: nghề nông nghiệp đã mở 22 lớp với 683 học viên; nghề phi nông nghiệp đã mở 7 lớp với 239 học viên, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố năm 2014 là 59%. Cũng thông qua các đề án dạy nghề đã góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, có hàng trăm hộ thoát nghèo, hàng nghìn lao động trong độ tuổi có việc làm mới. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của thành phố ngày càng được đẩy mạnh với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các khu công nghiệp Trường Xuân, Thuận Yên với nhiều nhóm ngành nghề đa dạng đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Đào - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ khẳng định: “Tiếp tục tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề miễn phí gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động là định hướng mà TP.Tam Kỳ đang hướng tới trong những năm tiếp theo nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo nghề, góp phần thoát nghèo bền vững.”
VÕ LY