Cẩn trọng trong tìm việc làm

ĐỨC NHI 13/08/2015 08:28

Một số công ty đa cấp nắm bắt được tâm lý số đông sinh viên mong muốn sớm tìm được việc làm sau khi ra trường nên “mồi chài” tham gia bằng nhiều cách, gây bất tiện và tốn kém cho người xin việc.

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, với mong muốn sớm tìm được một việc làm, nên Nguyễn Thị A. (trú tại tổ 12, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) vui mừng khi nhận được thông tin từ người bạn là có người thân đang làm tại công ty phát triển thủy sản ở TP.Huế và ngỏ lời sẽ nhờ người đó giúp đỡ cho A. xin vào công ty này. Sau vài ngày, người bạn đó đưa cho A. số điện thoại người thân đang làm tại công ty nói trên. Khi A. gọi điện để tìm hiểu công việc, bên kia đầu dây là giọng một phụ nữ tự giới thiệu tên là Quyên (quê ở Quảng Nam) và tự xưng là nhân viên công ty phát triển thủy sản, chị ta nói qua loa về công việc rồi hẹn ngày đến phỏng vấn. Tin vào người bạn của mình, A. ra Huế đúng ngày hẹn phỏng vấn. Nhưng khi đến Huế thì A. hết sức ngạc nhiên vì công việc không như thỏa thuận ban đầu. Từ vị trí được giới thiệu là nhân viên phòng thông tin truyền thông của một công ty phát triển thủy sản thì A. được nhận làm nhân viên bán hàng đa cấp cho một công ty ở đây. Qua tìm hiểu thì đây là công ty nhập khẩu, phân phối độc quyền các sản phẩm thực phẩm chức năng và mỹ phẩm của Hoa Kỳ tại Việt Nam, có trụ sở chính đặt tại TP.Hồ Chí Minh.

Để giải thích cho hành vi “kỳ cục” này, công ty bán hàng đa cấp đưa ra lý do là “dòng thông tin kín”. A. kể lại, nhân viên công ty giải thích rằng đây là quy định bắt buộc vì nhiều công ty đa cấp trước đây khiến cho mọi người có định kiến về bán hàng đa cấp, vì vậy nếu nói trực tiếp thì mọi người sẽ không tham gia. Để có thêm một người mới gia nhập vào mạng lưới bán hàng, họ sẽ giả vờ giới thiệu một nơi làm việc đúng với chuyên ngành đến những người cần việc. Khi lấy được lòng tin từ phía đối phương, bên phía công ty sẽ hẹn ngày để phỏng vấn. Gọi là buổi phỏng vấn xin việc nhưng thực chất là đến đó để nghe trình bày và giới thiệu về công ty bán hàng đa cấp. Tại buổi “phỏng vấn”, nhân viên của công ty giải thích để mọi người hiểu đúng về đa cấp, sau đó giới thiệu công ty, sản phẩm và đồng thời không quên nhắc nhở các thành viên mới về tương lai “không thể tốt đẹp hơn” nếu chọn đi theo con đường này. Vấn đề tham gia hay không thì tùy vào từng người, nếu đồng ý sẽ tiến đến ký kết hợp đồng. Bạn A. cho biết: “Khi biết được sự thật, mình rất tức giận. Biết mình không tiếp nhận công viêc, nhiều thành viên đã dùng mọi cách để thuyết phục rồi vẽ ra nhiều viễn cảnh, nhưng mình vẫn một mực từ chối. Không cần biết công ty đó có làm ăn đàng hoàng hay không nhưng kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” như thế này khiến mình càng dị ứng khi nghe nhắc đến 2 từ đa cấp. Bao nhiêu công sức, tiền bạc cùng niềm hy vọng được mình gửi gắm trong chuyến đi ra Huế nhưng rồi phải ngậm ngùi quay về mà không biết giải thích với ba mẹ ra sao”.

Từ tình huống này, các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay một số công ty bán hàng đa cấp sử dụng những chiêu trò để tuyển nhân viên như: tự ý mạo danh một công ty bất kỳ nào đó để đăng tải thông tin tuyển dụng thuộc nhiều vị trí khác nhau trên những trang web tìm kiếm việc làm; thông qua những thành viên trong mạng lưới bán hàng đa cấp, những thành viên này sẽ cho “dòng thông tin kín” đến bạn bè hoặc người quen. Vì vậy, mọi người cần phải hết sức cẩn trọng trong quá trình tìm kiếm việc làm, tìm hiểu và xác minh thật kỹ dù thông tin đó được bạn bè, người quen cung cấp.

ĐỨC NHI

ĐỨC NHI