Giảm tình trạng lao động trẻ em ở Tam Kỳ

HOÀNG BIN - QUANG SƠN 19/06/2015 13:19

Những năm qua, bằng nỗ lực của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể và gia đình, tình trạng trẻ em lao động sớm ở các địa phương vùng đông Tam Kỳ đã giảm thiểu đáng kể.

Em Bùi Văn L. nghỉ bán vé số để dành thời gian cho việc học và phụ việc nhà giúp gia đình.
Em Bùi Văn L. nghỉ bán vé số để dành thời gian cho việc học và phụ việc nhà giúp gia đình.

Ở xã biển Tam Thanh, những năm trước đây, có gần 30 trẻ em bán hàng rong trong khu vực bãi tắm Tam Thanh.  Cuộc sống khó khăn nên ngoài giờ học, nhiều em phải phụ giúp ba mẹ bằng nghề đi bán dạo ngoài bãi biển. Ước mơ rất đỗi bình thường của các em được đánh đổi bằng những giờ lang thang ngoài bãi biển, kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, những năm qua, địa phương đã nỗ lực giảm thiểu tình trạng trẻ em bán hàng rong trên địa bàn, từ gần 30 em đến nay chỉ còn lại 1 trường hợp. Đây là trường hợp có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Trong thời gian tới, địa phương sẽ luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần, để giải quyết dứt điểm vấn đề trẻ em bán hàng rong trên địa bàn.

Đối với xã Tam Phú, theo thống kê vào năm 2011, toàn xã có 28 trường hợp trẻ em lao động sớm. Kỳ nghỉ hè bắt đầu cũng là lúc các em rong ruổi mưu sinh bằng đủ thứ nghề như bán báo, bán vé số, bán dạo, đánh giày… Em Bùi Văn L., (SN 2000), ở thôn Quý Thượng, xã Tam Phú cùng với những người anh trai của mình đã có thâm niên hơn 5 năm bán vé số dạo. Chị Huỳnh Thị B., mẹ của L. cho biết, nhà có 4,5 sào ruộng nhưng có đến 5 người con, nên cứ mỗi dịp hè, mấy anh em của L. lại nhận vé số bán để phụ ba mẹ. Ngày 2 buổi, rong ruổi khắp các ngả đường, những khi may mắn bán hết vé, thì được tiền hoa hồng 50 nghìn đồng. Số tiền các con kiếm được cũng đỡ đần được gia đình phần nào. Nhưng mỗi lần cầm từng đồng tiền vất vả, cực nhọc của con mang về, là anh chị lại chực trào nước mắt. Sau nhiều đêm trăn trở, chị B. bàn với chồng, quyết định đi làm thuê, lấy tiền cho con ăn học. Kể từ năm 2014, các anh em L. cũng thôi không đi bán nữa mà ở nhà phụ gia đình chăm sóc đàn heo, vịt… vừa để có thêm thời gian học hành. Chị Huỳnh Thị B. tâm sự, từ khi nghỉ bán ở nhà tập trung cho việc học thấy kết quả học lực của các con đã có tiến bộ hơn trước. Đó là động lực hai vợ chồng vượt qua để những khó khăn, vất vả, chỉ mong các con sau này kiếm cái chữ, đặng mà ra đời với người ta…

HOÀNG BIN - QUANG SƠN

HOÀNG BIN - QUANG SƠN