Đào tạo nghề và khuyến khích giảm nghèo: Nông Sơn gặp khó

VINH ANH 12/05/2015 12:30

Một số nghị quyết của HĐND tỉnh về đào tạo nghề, hỗ trợ giảm nghèo và khuyến khích giảm nghèo sẽ kết thúc vào cuối năm 2015. Việc nên tiếp tục hay dừng hẳn những nghị quyết này tại Kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh khóa VIII tới đây sẽ quyết định. Trong khi đó, từ thực tế giám sát ở cơ sở cho thấy một số nghị quyết đã bộc lộ những hạn chế, bất cập gây khó khăn, lúng túng cho địa phương.

Nhiều hộ dân ở Nông Sơn được công nhận thoát nghèo nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 119 (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: V.A
Nhiều hộ dân ở Nông Sơn được công nhận thoát nghèo nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 119 (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: V.A

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa – xã hội, HĐND tỉnh vừa làm việc với xã Quế Trung và huyện Nông Sơn nhằm kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về đào tạo nghề, chương trình hỗ trợ giảm nghèo và khuyến khích thoát nghèo theo Nghị quyết 106, Nghị quyết 14, Nghị quyết 31 và Nghị quyết 119.

Chưa thực hiện

Tại buổi làm việc với UBND xã Quế Trung, lãnh đạo xã Quế Trung đã trình bày nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 119/2014/NQ-HĐND ngày 11.7.2014 về thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2015 trên địa bàn tỉnh.

Theo nghị quyết trên, những hộ/thôn thoát nghèo trong năm 2014 – 2015 sẽ được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ đặc biệt của tỉnh, như: hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ thoát nghèo, hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế theo loại hình y tế tự nguyện, hỗ trợ tối đa vốn vay tín dụng 20 triệu đồng/hộ với lãi suất 0% để phát triển kinh tế,… Thực hiện theo nghị quyết, xã Quế Trung nói riêng và toàn huyện Nông Sơn đã tuyên truyền chính sách theo nghị quyết đến nhân dân, qua đó đạt được kết quả tích cực. Toàn huyện Nông Sơn có 412 hộ được công nhận thoát nghèo trong năm 2014, trong đó xã Quế Trung chiếm nhiều nhất với 112 hộ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chưa có hộ dân nào được hưởng những chính sách hỗ trợ nêu trên, trong đó có khoản tiền 5 triệu đồng/hộ. Chính điều này đã gây lúng túng cho địa phương, đồng thời giảm lòng tin của nhân dân vào chính sách của Nhà nước. Ông Nguyễn Tấn Lạc - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho rằng, lúc Nghị quyết 119 mới ban hành, xã đã phân công cán bộ trong ban giảm nghèo xuống thôn tuyên tuyền nghị quyết. Tuy nhiên khi người dân ủng hộ thực hiện thì xã lại không giải quyết được những điều đã hứa với dân. Trong khi chờ hướng dẫn từ cấp trên thì thời gian qua xã chỉ biết… giải thích, vận động nhân dân bình tĩnh và tiếp tục chờ đợi.

“Vốn đã không mặn mà”

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đình Tâm - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh khi nói về Nghị quyết 119 của HĐND tỉnh. Ông Tâm cho biết: “Chính tôi và một số vị trong HĐND tỉnh cũng không mặn mà và rất băn khoăn với Nghị quyết 119. Đến giờ, chưa có tiền trả cho dân là xấu hổ”. Ông Tâm đề nghị Ban Văn hóa – xã hội phải có tổng hợp cụ thể để phản ánh lên kỳ họp HĐND sắp tới.  Về việc giảm nghèo, ông Tâm cũng đề nghị các địa phương nên thay đổi quan niệm nghèo. Đừng nghĩ tập trung toàn lực là hết nghèo ngay. Giảm nghèo không thể một sớm một chiều và không nên “chạy đua” để thoát nghèo, vì nếu chuẩn nghèo mới được áp dụng thì nghèo trở lại. Đồng thời cho biết, hiện nay nguồn lực giảm nghèo lớn nhưng đang phân tán. Do đó làm sao cố gắng chỉ đạo thu về một đầu mối, quản lý chặt, sử dụng có hiệu quả.

“Công nhận thoát nghèo từ tháng 1 nhưng đến nay (tháng 5) người dân chưa được nhận tiền. Họ đến xã đòi miết mà xã không biết phải làm sao. Đó là chưa kể đến những câu chuyện liên quan đến chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế. Khi người dân được công nhận thoát nghèo, họ bị thu hồi thẻ bảo hiểm y tế và phải chờ một thời gian mới được cấp bảo hiểm toàn dân. Nhưng trong thời gian này, có người bị đau phải đi điều trị thì bệnh viện không giải quyết bảo hiểm. Rồi chuyện vay tín dụng, đến nay do ngân hàng chưa có hướng dẫn cụ thể nên người dân vẫn chưa vay được tiền, có hộ đã đến xã… bắt đền” – anh Lạc nói. Trong khi đó, liên quan đến việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo cũng không mang lại hiệu quả. Xã Quế Trung được đầu tư gần 400 triệu đồng để thực hiện 2 dự án giảm nghèo là trồng rau sạch và nuôi heo rừng lai. Tuy nhiên theo báo cáo của xã, cả hai dự án đều không phát huy được hiệu quả, hiện đã bị “phá sản”.

Đào tạo nghề: nhỏ lẻ, manh mún

Liên quan đến Nghị quyết 106 và Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh về việc đào tạo nghề, tại xã Quế Trung cũng như Nông Sơn dù đã tập trung triển khai thực hiện nhưng thực tế không mấy hiệu quả. Theo báo cáo, từ nguồn hỗ trợ từ Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xã Quế Trung đã mở trên 6 lớp đào tạo các nghề trồng rau, nấm rơm, thú y, nấu ăn, với trên 200 lao động được học nghề, nhưng chỉ có khoảng trên 60% người lao động có việc làm, tự tạo việc làm. Nhiều người cũng cho rằng con số này cũng không thực sự thiết thực. Theo xã Quế Trung, ban đầu, các hộ dân được chọn đi đào tạo nghề khá hào hứng và khi triển khai đã có một số hiệu quả. Tuy nhiên, Quế Trung là địa phương khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, nên việc áp dụng nghề trồng rau, nấm rơm không thực sự hiệu quả. Những người học nghề chủ yếu là hộ nghèo, trong khi tiền hỗ trợ để phát triển kinh tế lại ít (chỉ 3 triệu đồng/hộ) do đó người dân chỉ đủ để mua giống, phân bón nên khó thực hiện,… Quan trọng nhất là đầu ra không có nên dẫn đến không hiệu quả.

Thẳng thắn nhìn nhận về việc đào tạo nghề cho nông dân ở địa phương mình, ông Lạc khẳng định: “Việc đào tạo nghề không hiệu quả. Chúng ta đào tạo nghề tự phát, như nấu ăn thì chỉ về phục vụ gia đình, chứ lấy đâu ra chỗ để cho họ đi làm. Hướng đào tạo nghề nên giao cho doanh nghiệp, công ty nào đó trực tiếp đào tạo”. Liên quan đến đào tạo nghề cho nông dân, ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, thắc mắc: Phải chăng cái nông dân cần ta không dạy mà lại dạy cái ta có mà nông dân không cần? Tiền ngân sách bỏ ra cho dạy nghề rất cao, đó là chưa nói đến thời gian công sức người dân bỏ ra. Ông Hùng đề nghị nên xem xét việc tổ chức dạy nghề như chúng ta đã làm hợp lý không, cần chỉnh sửa chỗ nào.

Ông Phạm Phú Thủy – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cũng chia sẻ rằng, việc đào tạo nghề chưa hiệu quả. Địa phương dù không mặn mà với danh mục nghề được đào tạo do Bộ LĐ-TB&XH ban hành vì không phù hợp với địa phương, nhưng cũng phải làm vì sợ tiền hỗ trợ bị… thu hồi, sợ có tội với dân. “Nếu không làm thì tiền trả về cho tỉnh. Mà như vậy thì có tội với dân. Chúng tôi biết chuyện đó chứ không phải không biết. Có khi tỉnh hối về bảo sao huyện giải ngân chậm, chúng tôi cũng khó xử lắm. Chúng tôi cũng đau lòng lắm khi con số chỉ có 50 – 60% lao động sau khi đào tạo có việc làm. Nghề nấu ăn, chỉ về phục vụ chăm chồng con. Rồi còn trồng nấm, hiện nay hỏi có một cơ sở nào trồng nấm trên địa bàn huyện thì phải nói thật là không có” – ông Thủy thẳng thắn nói. Từ thực tế này, ông Thủy đề nghị tỉnh nên có cơ chế cho địa phương được chọn nghề để đào tạo cho nông dân chứ không phải áp đặt từ trên xuống như hiện nay.

VINH ANH

VINH ANH