Giới thiệu việc làm tận cơ sở

HOÀNG LINH 01/04/2015 12:43

Sẽ không có những sàn giao dịch việc làm được tổ chức quy mô, hoành tráng như trước đây, mà thay vào đó là những đợt tư vấn, giới thiệu việc làm tận cơ sở của từng nhóm tư vấn…

Tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: D.L
Tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: D.L

Đây là bước đi mới được Trung tâm Dịch vụ việc làm hướng đến, nhằm nâng cao chất lượng nguồn cung sao cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Vẫn sôi động

Phiên giao dịch việc làm đầu năm 2015 được tổ chức vào giữa tháng 3.2015, cách xa thời điểm nghỉ Tết Âm lịch của người lao động (LĐ), vì thế không thể giữ chân nguồn LĐ xa quê trở về ăn tết cùng tham gia sàn. Nhưng không vì thế là không khí giao dịch việc làm trở nên “nguội”. Trên website của trung tâm, mỗi ngày vẫn có hàng chục lượt LĐ vào đăng ký tìm việc làm, giới thiệu thông tin bản thân. Tại trung tâm, liên tục có những đợt LĐ đến tìm hiểu thông tin việc làm, đăng ký tìm việc trực tiếp. Và đã thành thông lệ, ngày 15.3 vừa qua, dù sàn giao dịch không được mở quy mô, nhưng người LĐ vẫn tìm tới với phiên chợ việc làm này. Doanh nghiệp vẫn đến để tuyển dụng nguồn LĐ như thường lệ, vừa trực tiếp vừa ủy thác qua Trung tâm Dịch vụ việc làm có 57 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các doanh nghiệp cần tuyển dụng nguồn lao động khá lớn có thể kể đến như Công ty TNHH MTV Vast Apparel Việt Nam (Phú Ninh) cần hơn 500 vị trí từ tổ trưởng cho đến công nhân may, cắt, kiểm hàng; Công ty TNHH Liên doanh may Như Thành cần 200 công nhân may; Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) tuyển 1.000 LĐ phổ thông… Ngoài ra, nhiều vị trí việc làm khác như kế toán, nhân viên kinh doanh, tài xế lái xe, thủ kho, nhân viên điều hành, thợ sơn gò hàn, nhân viên kỹ thuật… đã được các công ty thông báo tuyển dụng, với mức lương dao động 4 - 7 triệu đồng/tháng.

Có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm để tìm việc, anh Bùi Việt Kiểm (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho biết anh đã tìm hiểu thông tin việc làm trên website của trung tâm, nhưng khi có phiên giao dịch, có doanh nghiệp trực tiếp đến nên anh tới để đăng ký sơ tuyển tại chỗ. Anh Kiểm nói: “Tôi làm LĐ phổ thông nên việc làm tìm cũng dễ, nhưng quan trọng là nơi nào chế độ đãi ngộ tốt, có thể làm việc lâu dài thì tôi sẽ đăng ký”. Đến với phiên giao dịch việc làm định kỳ, chị Trần Thị Xuân Hà (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) mong muốn được đi xuất khẩu LĐ. Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề may, chị Hà đăng ký đi xuất khẩu LĐ, hy vọng sẽ được đi sang nước khác làm việc đúng tay nghề của mình. Chị Hà chia sẻ: “Tôi làm nghề may lâu rồi, làm việc trong miền Nam, rồi về quê. Thấy có nhiều người đi xuất khẩu LĐ rất thành công, đi hơn 4 năm về quê dư dả nhiều, lại có thể gia hạn đi tiếp thêm thời gian nữa nên hiệu quả cao hơn. Tôi hy vọng sẽ được đi xuất khẩu LĐ, có điều kiện tích lũy vốn liếng, sau khi đi về lại sẽ có được đồng vốn để làm một cái gì đó lâu dài hơn cho cuộc sống sau này”.

Tập trung chất lượng

Theo ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, sàn giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng đến nay đã được biết đến rộng rãi trong tỉnh, dù không đăng thông báo như mọi năm, người LĐ vẫn biết và tìm tới. Đối với doanh nghiệp, đã thành thông lệ, doanh nghiệp và trung tâm liên tục có sự trao đổi thông tin qua lại, nên cứ đến phiên giao dịch việc làm định kỳ thì họ lại sắp xếp để đến tuyển dụng lao động. Ngoài phiên giao dịch định kỳ, năm 2015, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ hướng đến việc nâng cao chất lượng nguồn cung, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường LĐ. Ông Tưởng cho biết: “Trong năm này, chúng tôi sẽ tổ chức các nhóm tư vấn trực tiếp đi cơ sở, điều này lâu nay vẫn được làm nhưng không nhiều, năm này sẽ tập trung chủ yếu vào đó. Các nhóm sẽ có nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, tìm hiểu nhu cầu thực tế, trình độ LĐ ở từng thôn, xã để có được định hướng đưa thông tin việc làm phù hợp hơn. Với nguồn nhân lực hiện có, để thực hiện được điều này khá khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng sắp xếp một tháng khoảng 3 - 4 chuyến về cơ sở”.

Ngoài nhiệm vụ giới thiệu việc làm trong nước, các nhóm sẽ có nhiệm vụ thông tin về thị trường nước ngoài, nhằm vực dậy, đẩy mạnh phong trào xuất khẩu LĐ như định hướng được đề ra trong một cuộc hội thảo về xuất khẩu LĐ của tỉnh vào đầu năm 2015. Bởi xuất khẩu LĐ được xem là một kênh giải quyết việc làm hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao cho người LĐ của tỉnh. Để hiện thực hóa điều này, ngay sau hội thảo được tổ chức trong toàn tỉnh, ông Tưởng đã có chuyến công tác thực tế, tìm hiểu về vấn đề đào tạo, tuyển dụng LĐ xuất khẩu ở một số công ty phía Nam. Qua chuyến đi này, ông Tưởng thông tin: “Thực tế, người LĐ Quảng Nam xuất khẩu khá nhiều, nhưng trực tiếp đến các công ty, không qua trung tâm nên không nắm được số lượng. Theo các công ty, LĐ Quảng Nam xuất khẩu rất được các chủ doanh nghiệp nước ngoài ưa chuộng vì tính chăm chỉ, chịu khó học hỏi. Như ở một công ty tôi đến, lớp có 50 học viên đang học để chuẩn bị đi thì hơn 20 người là người Quảng Nam, trong đó có 8 người đã được doanh nghiệp nước ngoài phỏng vấn và chuẩn bị đi. Điều đó cho thấy LĐ Quảng Nam rất mặn mà với xuất khẩu LĐ, nếu có điều kiện họ sẵn sàng đi vì hiệu quả cao hơn”.

HOÀNG LINH

HOÀNG LINH