Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Cát Vàng: Cần giải quyết lương cho người lao động

H.LINH - H.NHÂN 26/11/2014 09:41

Nhiều nhân viên của Công ty CP thương mại dịch vụ Cát Vàng (TP.Hội An) đã có đơn kiến nghị tập thể gửi Sở LĐ - TB&XH đề nghị can thiệp để giải quyết việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống.

Công ty “nghỉ đông”

Ngày 27.10.2014, Công ty CP thương mại dịch vụ Cát Vàng (Công ty Cát Vàng) tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh khiến cho 252 lao động (LĐ) mất việc làm. Điều này đã gây tâm lý hoang mang trong người LĐ. Hầu hết nhân viên bị nghỉ việc đều đã gắn bó với công ty lâu năm và đa số là người địa phương, lại lớn tuổi nên sẽ rất ít cơ hội có thể tìm được công việc mới phù hợp. Bà Trương Thị Hùng - nhân viên bộ phận House keeping của công ty bức xúc: “LĐ phổ thông như chúng tôi lương chỉ có 2 triệu đồng/tháng, nhưng giờ lại mất việc làm, nghỉ việc mà không có lương. Có nhiều nhân viên phải đi làm phụ hồ để kiếm sống, chờ ngày đi làm lại, mà chỉ có nam giới, chứ phụ nữ không phải ai cũng làm phụ hồ được. Còn tìm việc khác trong thời gian công ty dừng hoạt động thì biết việc gì thuê người làm thời vụ mà tìm, nhất là hiện nay việc làm lại hiếm”. Bà Nguyễn Thị Thanh Diệu - đại diện Ban chấp hành Công đoàn của Công ty Cát Vàng tỏ ra lo ngại: “Không riêng năm nay mà có thể năm nào cũng sẽ phải nghỉ đông như thế này. Một năm đi làm 9 tháng, nghỉ 3 tháng. Vậy 3 tháng đó người LĐ phải làm gì để có thu nhập ổn định cuộc sống”.

Người lao động lo lắng khi Công ty CP thương mại dịch vụ Cát Vàng không chi trả lương ngừng việc và không biết bao giờ đi làm lại.
Người lao động lo lắng khi Công ty CP thương mại dịch vụ Cát Vàng không chi trả lương ngừng việc và không biết bao giờ đi làm lại.

Theo ông Nguyễn Quốc Vương - Phó Giám đốc Công ty Cát Vàng giải thích, kế hoạch của công ty là cho nhân viên nghỉ đông hàng năm để đảm bảo an toàn cho người LĐ. Ông Vương cho biết: “Trước khó khăn về thời tiết, công ty đã tổ chức buổi làm việc với người LĐ và hai bên đã thỏa thuận không hưởng lương trong thời gian ngừng việc. Chính vì thế, chúng tôi cho người LĐ nghỉ việc trong 3 tháng mà không có lương”. Ông Vương lý giải rằng trước tình hình mưa bão có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nhân viên và cả du khách lưu trú tại đây nên chủ đầu tư quyết định tạm ngừng hoạt động. Ông Vương dẫn chứng rằng thống kê từ năm 2009 tới bây giờ có xác nhận của bảo hiểm, công ty đã thiệt hại khoảng 240 tỷ đồng.

Người LĐ phải được trả lương

Theo như đại diện Công ty Cát Vàng thông tin, công ty đã thực hiện đầy đủ chế độ cho người LĐ như chi trả tiền lương, tham gia bảo hiểm đầy đủ đến hết tháng 10.2014. Nhưng từ tháng 11.2014 đến nay, công ty ngưng hoạt động nên lương người LĐ không được trả, cùng với đó là các khoản đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp đều không được công ty đóng cho người LĐ. Công ty Cát vàng ngừng hoạt động nhưng không có phương án sử dụng LĐ, chưa xác định thời gian hoạt động trở lại vì “thời gian mở cửa lại còn phụ thuộc vào thời tiết” càng khiến những nhân viên bị thôi việc của công ty sẽ có ít cơ hội được quay trở lại làm việc như cũ.

Tại buổi làm việc do Sở LĐ-TB&XH chủ trì, các đơn vị liên quan đã khẳng định việc Công ty Cát Vàng dừng hoạt động nhưng không chi trả lương trong thời gian tạm dừng việc cho người LĐ là hành vi trái với quy định của Bộ luật Lao động. Công ty Cát Vàng cần phải có trách nhiệm, đảm bảo lợi ích của người LĐ. Ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động, tiền lương & bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB&XH) khẳng định: “Người LĐ bị cho nghỉ việc hầu hết đã gắn bó với doanh nghiệp lâu năm, đó là điều đáng quý và doanh nghiệp cần trân trọng điều đó. Chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp phải giải quyết quyền lợi của người LĐ đúng theo quy định của pháp luật”. Theo đó, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất không do lỗi của người LĐ thì doanh nghiệp phải thực hiện việc trả lương cho người LĐ theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012, dù đó là thời gian người LĐ đang nghỉ việc vẫn phải được hưởng lương. Đồng thời ông Võ Đình Hùng - Trưởng phòng Thu (Bảo hiểm xã hội tỉnh) đã đề nghị Công ty Cát Vàng ngoài việc trả lương theo đúng quy định thì còn phải trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho người LĐ theo mức lương ngừng việc. Bởi, nếu doanh nghiệp dừng đóng thì thời gian tham gia bảo hiểm của người LĐ không liên tục, như thế sẽ để lại hệ lụy về sau là các quyền lợi của người LĐ khó giải quyết. Nếu doanh nghiệp thực sự khó khăn, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh hoàn toàn tạo điều kiện, công ty có thể làm thủ tục để tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất. Có như thế, sau này quyền lợi của người LĐ liên quan đến các chế độ bảo hiểm mới có thể giải quyết được.

H.LINH - H.NHÂN

H.LINH - H.NHÂN