Đào tạo nghề cho doanh nghiệp, hợp tác xã: Thừa và thiếu

TUỆ LÂM 19/09/2014 09:39

Tại cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao năng lực quản lý và đào tạo nghề đối với doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) do Liên minh HTX Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế GIZ (Đức) vừa tổ chức, thực trạng thừa thầy thiếu thợ đã được đem ra mổ xẻ để tìm hướng đi phù hợp.

Đào tạo lao động hiện nay cần sát với nhu cầu của thị trường. Ảnh: T.L
Đào tạo lao động hiện nay cần sát với nhu cầu của thị trường. Ảnh: T.L

Chưa sát với thực tiễn

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 40 trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm, mỗi năm có hàng chục nghìn người được đào tạo nhưng vấn đề giải quyết việc làm vẫn luôn là bài toán khó. Đã có nhiều chương trình đào tạo nghề gắn với việc làm nhưng đến nay vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn. Những khu công nghiệp lớn được hình thành như Khu công nghiệp Điện Nam -  Điện Ngọc, Khu Kinh tế mở Chu Lai… đã tạo ra nhiều cơ hội cho những lao động địa phương có được công việc ổn định, phù hợp với ngành nghề đa dạng. Tuy nhiên, điều nghịch lý là lao động cần việc đang rất nhiều, nhu cầu của doanh nghiệp và HTX trên địa bàn cũng lớn, vậy nhưng chỉ giải quyết được một phần lao động. Ông Trần Văn Thành (cán bộ của Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết, việc đào tạo nghề hiện nay chủ yếu theo thị hiếu, nhu cầu của người lao động chứ không theo nhu cầu của doanh nghiệp hay HTX. “Hiện nay, các nghề như kế toán, văn thư… được đào tạo rất nhiều, tuy nhiên nhu cầu của thị trường tuyển dụng lại rất ít. Đối với những công việc này, doanh nghiệp cần những người đã có kinh nghiệm chứ ít khi sử dụng người mới ra trường. Trong khi đó, ngành giày da, may mặc, cơ khí… lại cần rất nhiều lao động ở các khu công nghiệp nhưng lại không được chú trọng đào tạo…” - ông Thành cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm với những vấn đề đặt ra, các chuyên gia của tổ chức GIZ (Đức) cho rằng, việc đào tạo nghề cho lao động hiện nay ở Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng cần phải có sự thay đổi cho phù hợp với thời thế hiện tại. Ở nước Đức, việc đào tạo nghề đã được định hướng ngay từ khi còn ngồi ở trên ghế trường phổ thông. “Chúng tôi định hướng giúp cho người lao động có được sự lựa chọn phù hợp nhất với năng lực của bản thân mình. Ai có thể đi theo con đường học vấn thì vào đại học, ai không đủ hoặc không muốn thì chúng tôi tư vấn cho họ thấy được những con đường khác, phù hợp hơn. Như vậy sẽ tránh được tình trạng đào tạo không đúng chuyên môn, chuyên ngành…” - ông Andreas Reinch, chuyên gia của GIZ cho hay.

Ông Lê Đức Duy - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển kinh tế HTX miền Trung - Tây Nguyên cho biết, hiện nay nhu cầu về lao động nghề giày da, may mặc của các đơn vị trên địa bàn rất lớn nhưng vẫn không tuyển dụng được bởi đa số người lao động có tay nghề không cao, hiệu quả công việc thấp. “Khi đào tạo cần phải chuyên sâu về thực hành, đào tạo theo từng giai đoạn để đảm bảo được sự tiếp thu của người học, tránh tình trạng đào tạo dàn trải, đại trà. Không vững tay nghề thì khó có được việc làm ổn định…” - ông Duy nói. Trong khi đó, ông Phạm Phú Đằng - Chủ nhiệm HTX Phú Đông (xã Tam Anh, huyện Núi Thành) cho biết, hiện nay HTX rất cần những lao động chuyên về lĩnh vực nông nghiệp cũng như quản lý doanh nghiệp HTX, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Ông Đằng giải thích: “Với đặc thù là một HTX dịch vụ nông nghiệp nên việc cần những lao động có tay nghề, am hiểu về những giống lúa mới, kỹ thuật là hết sức cần thiết. Nhưng đa số lao động nông nghiệp đều dừng lại ở mức phổ thông, tức là những kiến thức phổ biến chứ chưa chuyên sâu, rất khó để phát triển. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ trẻ cũng rất ít khi về làm việc cho HTX do mức thù lao chưa tương xứng…”.

Đào tạo theo nhu cầu

Tại hội thảo vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng việc đào tạo lao động cho các doanh nghiệp, HTX hiện nay cần phải theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Nam cho biết, trung tâm đã giới thiệu nhiều lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng sau đó lao động không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nên lại rơi vào tình trạng không có việc làm. “Hầu hết người lao động sau khi đào tạo vẫn chưa có tay nghề vững vàng, kiến thức thực tiễn ít nên không đáp ứng được yêu cầu của đơn vị. Để giải quyết được vấn đề này, khi đào tạo cần phải định hướng và đào tạo nhiều kỹ năng có tính ứng dụng tốt vào thực tiễn cho người lao động. Cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người lao động để đạt được hiệu quả cao nhất. …” - ông Tưởng nói.

Cùng quan điểm này, ông Lê Đức Duy cho rằng, cần phải đào tạo theo đơn đặt hàng của các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. “Ví dụ như tôi cần 1.000 lao động trong ngành may mặc, có tay nghề cao, đảm bảo năng lực thì sẽ liên kết với cơ sở đào tạo. Cơ sở đào tạo lại tìm những lao động có nhu cầu học nghề này và đào tạo theo chiều sâu, sát với thực tiễn, sau đó giao cho doanh nghiệp… Như vậy sẽ tránh được tình trạng đào tạo tràn lan mà không hiệu quả” - ông Duy chia sẻ. Còn theo ông Trần Thanh Diệp - Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cần phải chú trọng việc thực hành trong quá trình dạy nghề, đừng lý thuyết quá nhiều khiến người học khó có tay nghề cao. “Nên dành 2/3 thời gian để người học thực hành, có như vậy mới quen tay, hay làm, sau này mới không quên. Là một người theo dõi mảng kinh tế HTX đã hơn 15 năm nay, tôi thấy hiện nay HTX đang rất thiếu nguồn nhân lực dẫn đến phát triển chậm. Cán bộ đương nhiệm ở các HTX đều đã lớn tuổi, nhưng lớp trẻ lại không mấy mặn mà với lĩnh vực này…” - ông Diệp nói.

TUỆ LÂM

TUỆ LÂM