Dự kiến tăng lương tối thiểu vùng năm 2015: Vừa mừng vừa lo
Phương án tăng lương tối thiểu lên 15,1% đã được Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Nếu được thông qua, từ 1.1.2015, mức lương tối thiểu sẽ tăng 300 - 400 nghìn đồng tùy theo vùng. Người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN) và cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở Quảng Nam đang rất quan tâm đến vấn đề này.
Nếu được thông qua, từ 1.1.2015, mức lương tối thiểu sẽ tăng 300 - 400 nghìn đồng tùy theo vùng. Ảnh: D.LỆ |
Ông Đặng Văn Chương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: “Đời sống NLĐ phải được quan tâm hàng đầu”
Trên cơ sở khảo sát đời sống của NLĐ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất tăng lương cao hơn mức 15,1%. Tại Quảng Nam, điều kiện sinh hoạt, ăn ở, vui chơi giải trí... của NLĐ còn ở mức rất thấp. Quan điểm của Công đoàn là đời sống của NLĐ cần được quan tâm hàng đầu, khi NLĐ sống tốt thì nền kinh tế này mới “khỏe”, nếu sức lao động không được bù đắp thì làm sao tái sản xuất hiệu quả. Trong điều kiện các DN đang dần hồi phục, chia sẻ khó khăn cùng DN nên mức tăng lương như phương án đã thống nhất có thể chấp nhận được. Nhưng về lâu dài, cần phải tăng hơn nữa để đảm bảo được đời sống của NLĐ. Về phía Công đoàn, chúng tôi sẽ cùng công đoàn cơ sở phối hợp với chủ DN quan tâm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của NLĐ.
Ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh: “Chỉ đáp ứng 75% mức sống tối thiểu”
Với Quảng Nam, mức lương tối thiểu tăng thuộc vùng 3 và vùng 4. Đại bộ phận DN ở Quảng Nam rất nghiêm túc trong thực hiện lộ trình tăng lương hàng năm, nhưng cơ bản chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sống tối thiểu chứ chưa thể đảm bảo mức sống tối thiểu. Nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, đầu năm 2015 sẽ tăng lương tối thiểu vùng lên 15,1%, so với nhu cầu sống tối thiểu chỉ đáp ứng được 75%. Do đó, đến năm 2016 cần phải tăng lương tối thiểu lên hơn 25% thì đến năm 2017 mới hy vọng có thể xây dựng mức lương đạt mục tiêu đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ. Đó sẽ là gánh nặng vô cùng lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước lẫn DN, nên mục tiêu đảm bảo nhu cầu mức sống tối thiểu của NLĐ sẽ rất khó đạt được.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Việt Vương 2 (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc): “Tăng lương phải đi đôi với tăng năng suất”
Tăng lương luôn là điều được các DN quan tâm hàng đầu. Bởi lẽ, đi đôi với việc tăng quỹ lương, hàng loạt các chi phí khác cũng tăng theo. Là DN có hơn 1.500 công nhân lao động, chúng tôi ủng hộ tăng lương, nhưng đi đôi với đó phải tăng năng suất lao động. Bởi, với năng suất lao động như hiện nay, tăng lương là vấn đề đáng lo ngại đối với chúng tôi. Hiện nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn, đơn hàng không được tăng giá, trong khi chi phí đầu vào tăng quá cao. Với đối tác, tăng giá một vài phần trăm sẽ là một vấn đề lớn. Tăng lương 15% sẽ không phải là phương án tốt nếu năng suất lao động mỗi năm chỉ tăng 1 - 3%. Tại nhà máy của chúng tôi, có những dây chuyền sản xuất không thể khai thác hết công suất do trình độ tay nghề cũng như ý thức học hỏi để nâng cao năng suất lao động của NLĐ còn yếu. Khi NLĐ chưa kịp hiểu hết về dây chuyền sản xuất thì đã nhảy việc, khiến DN gặp khó khăn và giảm hiệu suất.
Ông Huỳnh Văn Thanh - Giám đốc Công ty CP Đồng Tâm Miền Trung (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc): "Hoàn toàn có thể đảm đương nổi"
Quan điểm của Đồng Tâm Group là các chế độ và quyền lợi của NLĐ phải được đảm bảo. NLĐ sống được thì DN mới tồn tại. Vì thế, không chờ Nhà nước, hiện nay mức lương bình quân của NLĐ ở Đồng Tâm đã là 3,5 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định. Đồng Tâm đang xem xét trong quý IV này sẽ tăng mức lương bình quân trong hệ thống lên 4 triệu đồng/tháng. Tăng lương là dựa vào nguồn lực của Đồng Tâm, bằng cách ứng dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn nâng cao được chất lượng. Chúng tôi hoàn toàn đủ sức bù chi phí tăng lương ở mức 15,1%.
Chị Trần Thị Hoa - công nhân Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn):“Lương tăng thì mừng, nhưng Nhà nước cần kiềm được giá”
Với công nhân, tăng lương là một điều rất đáng mừng, được chừng nào thì mừng chừng đó. Mức lương bình quân của tôi hiện nay khoảng 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Nhà tôi ở Thăng Bình, làm công nhân phải ở trọ, cuối tuần mới về. Hàng tháng, tôi gửi tiền về nuôi 2 đứa con ăn học, mức thu nhập chừng ấy cho một tháng quả thực rất khó khăn. Tôi phải tiết kiệm tối đa mới đủ chi tiêu. Nhiều vợ chồng công nhân ở trọ tại khu công nghiệp mỗi tháng tổng thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đồng, họ vừa phải trả tiền gửi con ở nhà trẻ tư nhân, tiền trọ, ăn uống… nên rất thiếu thốn. Nếu không biết tính toán chi tiêu, không thể nào đủ tiền chăm lo cho cuộc sống. Mà lần nào cũng vậy, chỉ mới nghe phong thanh, lương chưa kịp tăng thì giá cả ngoài chợ đã tăng trước và tăng còn cao hơn lương. Phải làm sao kiềm giá, chứ để giá cứ tăng thì đời sống công nhân còn khó nhiều.
DIỄM LỆ (ghi)