Xuất khẩu lao động chưa khởi sắc
Trong 7 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh chỉ xuất khẩu được 62 lao động sang làm việc ở các nước, trong khi đó mục tiêu của tỉnh đề ra trong năm 2014 sẽ xuất khẩu được 200 lao động. Các ngành liên quan đang tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu đi lao động nước ngoài.
Còn nhiều khó khăn
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xác định là một kênh giải quyết việc làm cho lao động của tỉnh, nhưng lại chưa thể thành hướng đi mang tính đột phá. Trong năm 2014, toàn tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều phần việc nhằm đẩy mạnh XKLĐ nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, trong 7 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh mới XKLĐ được 62 người. Trong đó, thị trường chất lượng cao có chuyển động tốt hơn như đi Hàn Quốc được 38 người, Nhật Bản 21 người, còn lại chỉ 1 người qua Malaysia, 2 lao động sang Đài Loan. Chương trình tuyển chọn thực tập sinh đi Nhật Bản làm việc theo chương trình của Văn phòng IM Japan phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước là một thế mạnh của Quảng Nam. Hiện đã có 71 người trúng tuyển chương trình tuyển chọn thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản, đang học tiếng Nhật tại Hà Nội. Và các địa phương phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đang tiến hành nhận hồ sơ để tuyển chọn người có trình độ THCS đi thực tập sinh ở Nhật Bản. Trong số những lao động đi làm việc ở nước ngoài, có 13 người được vay vốn từ nguồn Quỹ xuất khẩu lao động của Trung ương là hơn 1,1 tỷ đồng, chủ yếu đi thị trường chất lượng cao. Nguồn vốn vay dành cho lao động các huyện nghèo đi XKLĐ theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ hơn 8,5 tỷ đồng hiện vẫn chưa giải ngân được chỉ vì lao động các huyện nghèo Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn không còn mặn mà với việc đi XKLĐ.
Tư vấn, tạo điều kiện cho người đi lao động nước ngoài. Ảnh: DIỄM LỆ |
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng phòng Việc làm, an toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) phân tích, hiện nay lao động của tỉnh chỉ thích XKLĐ sang thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc vì chất lượng cao hơn, thu nhập tốt hơn. Công tác XKLĐ còn nhiều khó khăn vì rất nhiều nguyên nhân, như một số địa phương chưa xem đây là nhiệm vụ của mình nên không quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Việc tuyên truyền về XKLĐ chưa được thực hiện thường xuyên, sâu rộng; tư vấn tạo nguồn còn hạn chế; trình độ tay nghề, kỹ năng ngoại ngữ cũng như ý thức kỷ luật và khả năng tài chính đáp ứng việc XKLĐ của người dân trong tỉnh còn nhiều hạn chế…
Trong tháng 7.2014, Sở LĐ-TB&XH cùng Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh và một số doanh nghiệp có chức năng XKLĐ đã đến các trường dạy nghề và 8 huyện, thành phố trong tỉnh gặp gỡ nhân dân, người lao động để tư vấn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân về XKLĐ. Bà Nguyễn Thị Phượng - Trưởng phòng Tư vấn, thông tin thị trường lao động (Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh) cho biết: “Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy nhiều người có nguyện vọng đi lao động ở nước ngoài nhưng thấy tiền đi nhiều, không biết nguồn ở đâu để vay nên ngại đăng ký. Lao động của tỉnh có tính cần cù, chịu khó nhưng tính khuôn phép chưa cao, nhiều người trong thời gian thử thách rèn luyện để đi, thấy tính kỷ luật cao quá thì bỏ cuộc. Thời gian từ khi nộp hồ sơ đến khi đi thị trường Nhật Bản lâu, thường 1 năm hoặc hơn nên người lao động e ngại, trong khi vốn vay phải trả lãi. Tôi nghĩ nếu có nguồn hỗ trợ mạnh về kinh phí thì người lao động sẽ mạnh dạn tham gia”.
Tạo kiều kiện cho người lao động
Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam thông tin, hiện tại chi nhánh thực hiện cho vay XKLĐ đối với 3 chương trình gồm cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách (tất cả các nước, tối đa 30 triệu đồng/lao động), vay ký quỹ đi Hàn Quốc (100 triệu đồng) và Quyết định 71 đối với lao động huyện nghèo. Ông Lam nói: “Tỷ lệ nợ quá hạn đối với chương trình cho vay XKLĐ đến nay khoảng 7,7% trong khi tổng các chương trình chỉ ở mức 0,2%, như thế là nợ xấu quá lớn. Qua theo dõi của ngân hàng, lao động đi Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ từ 6 tháng đến 1 năm là trả được nợ vay. Nợ quá hạn nhiều chủ yếu tập trung huyện nghèo (chiếm 91%); có đến 117 lao động bỏ về nước trước thời hạn không trả được nợ. Ngân hàng đã cử cán bộ đến khảo sát từng hộ, qua tận Malaysia đi từng doanh nghiệp mà lao động đang làm việc, tìm nguyên nhân không trả được nợ. Từ đó mới biết rằng lao động của tỉnh qua làm ở Malaysia không được đào tạo bao nhiêu, ý thức kỷ luật không cao, đi làm hay quên quẹt thẻ xem như làm không công; qua đó ưng nhau rồi bỏ về, số tiền gửi về lớn nhưng gia đình tiêu ngay chứ không trả nợ ngân hàng...”. Ông Lam kiến nghị tỉnh chỉ nên lựa chọn doanh nghiệp làm tốt thì hợp tác; đặt ra kế hoạch phải căn cứ trên điều kiện thực tế. Quảng Nam chỉ nên đầu tư thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản vì hiệu quả tốt hơn, các ngân hàng thương mại cũng nên vào cuộc cho vay cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội để người lao động có thêm nguồn và mạnh dạn vay vốn để XKLĐ.
Về phía ngân hàng thương mại, hiện đã có Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Quảng Nam vào cuộc cho vay ở mức 50% chi phí đi XKLĐ trong trường hợp không có tài sản đảm bảo, tối đa đến 80% nếu có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, theo thông tin từ cơ sở, có những trường hợp người dân đến ngân hàng vay nhưng không được chỉ vì họ không đáp ứng được đầy đủ điều kiện và nhiều khi cán bộ hướng dẫn chưa cụ thể. Bà Phạm Thị Thanh Dung - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Quảng Nam cho biết: “Mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn được chi nhánh đưa lên hàng đầu, nghĩa là khi có khách hàng đến vay thì đơn vị sẵn sàng đáp ứng nếu đủ điều kiện. Đối với XKLĐ, ngân hàng đã cho vay 1,6 tỷ đồng, chỉ còn nợ 336 triệu đồng, điều đó chứng tỏ hiệu quả. Thực tế thì chưa có trường hợp nào đến vay đi XKLĐ mà chi nhánh từ chối khi đáp ứng đủ điều kiện”.
Tại cuộc họp bàn về XKLĐ mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh đã chỉ đạo các sở, ngành cần tập trung đẩy mạnh công tác XKLĐ vì đây là con đường giải quyết việc làm rất tốt. Quảng Nam chỉ nên tập trung thị trường chất lượng cao, hạn chế các thị trường xấu, rủi ro nhiều. Quan trọng là các ngành phải tập trung tuyên truyền, tư vấn, tạo nguồn, nắm chắc được nguồn lao động toàn tỉnh bởi hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp muốn vào Quảng Nam tuyển dụng đi lao động nước ngoài nhưng do không có nguồn nên không mạnh dạn vào.
DIỄM LỆ