Vui - buồn thưởng tết

DIỄM LỆ 06/01/2014 09:37

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp trong tỉnh đã công bố mức thưởng Tết Nguyên đán 2014. Tuy không cao hơn năm trước, thậm chí có nơi thấp hơn, nhưng đây cũng là sự cố gắng của doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Thưởng tết cũng là một giải pháp để doanh nghiệp tránh tình trạng vắng bóng công nhân như thế này sau mỗi dịp tết.Ảnh: D.LỆ
Thưởng tết cũng là một giải pháp để doanh nghiệp tránh tình trạng vắng bóng công nhân như thế này sau mỗi dịp tết.Ảnh: D.LỆ

Tết khó

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng là đến Tết Giáp Ngọ, nhiều công nhân (CN) mang tâm trạng vui buồn lẫn lộn khi được thưởng tết. Vui vì có thưởng đã là may, buồn vì gánh nặng lo toan đặt lên đôi vai họ khi tết đến xuân về nhưng cả tiền lương lẫn tiền thưởng cũng không đủ để lo cho gia đình có cái tết đủ đầy.

Buổi tan ca cuối tuần, một nhóm CN nữ của một công ty may ở Cụm Công nghiệp Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) rủ nhau đi mua đồ giảm giá. Họ ghé vào một cửa hàng áo quần có đề biển giảm giá chỉ còn dưới 100 nghìn đồng cho một sản phẩm trên đường Phan Châu Trinh. Chị Nguyễn Thị Lượm (quê huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) cứ cầm lên đặt xuống mấy cái áo thun, xuýt xoa: “Giá có thấp thật, nhưng chất lượng không được như ý, cũng đành mua thôi chứ đồ tốt hơn thì không đủ tiền. Tôi muốn mua cho hai đứa con mấy bộ đồ gọi là sắm tết nhưng tiệm bán giá cao quá, mua không nổi. Chỗ này bán giảm giá vẫn còn mắc, cả tiền lương lẫn tiền thưởng mà vừa mua quà, vừa về quê lo tết cho gia đình thì không đủ thiếu vào đâu”. Một CN tên Thái nói thêm: “Chúng tôi mới nhận được tiền thưởng Tết Dương lịch tuần vừa rồi, chỉ 200 nghìn đồng gọi là quà. Nghe công ty thông báo là có thưởng Tết Âm lịch, ít ra cũng bằng một tháng tiền lương cơ bản nên yên tâm phần nào”.

Hàng nghìn CN đang mong đợi giờ phút được nhận tiền thưởng tết như một món quà mà họ trông ngóng sau một năm làm việc vất vả. Mặt bằng đời sống của CN trong tỉnh năm nay vẫn không khác mọi năm là mấy, kinh tế của doanh nghiệp gặp khó khăn nên cuộc sống của CN cũng không khá lên được. Anh Trần Văn Minh (CN ở Khu công nghiệp Thuận Yên, TP.Tam Kỳ) nói: “Mấy ngày gần đây nghe thông tin có nơi thưởng tết bằng sản phẩm, thậm chí có công ty không thưởng, chúng tôi cũng hồi hộp. Tuần ni nghe công ty thông báo sẽ thưởng tết bằng tháng lương thứ 13, tụi tôi rất mừng. Thêm một tháng lương, ít ra cũng có thêm một khoản để lo tết cho gia đình”.

Sẻ chia

Cuối tháng 12.2013, khi liên hệ với một số công ty để tìm hiểu thông tin về thưởng tết, chúng tôi nhận được khá nhiều câu trả lời thận trọng, hoặc chỉ trả lời chung chung rằng có thể sẽ thưởng bằng tháng lương thứ 13. Hầu hết chủ sử dụng lao động (LĐ) đều nói rằng tình hình kinh tế khó khăn nên sản xuất của họ không thuận lợi. Những vấn đề như giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, điện nước, xăng dầu cũng tăng giá, lại thêm các chính sách tín dụng chưa được nới lỏng... khiến họ “nhức đầu” với hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng dù sao, để chia sẻ gánh nặng cùng người LĐ, các doanh nghiệp cũng sẽ cố gắng cân đối để có thưởng tết, ít nhất là một tháng lương cơ bản.

Tiền thưởng tết - vấn đề người LĐ quan tâm nhất sau một năm làm việc, dù ít hay nhiều, hoặc chỉ mang tính tượng trưng, cũng mang lại niềm vui không nhỏ đối với họ. Ở khía cạnh khác, thưởng tết cũng là một hình thức thắt chặt thêm mối quan hệ lâu bền giữa chủ sử dụng LĐ và người LĐ. Lãnh đạo của một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai (Núi Thành) chia sẻ: “Dù thấp hay cao, khoản tiền thưởng tết chính là sự sẻ chia gánh nặng của chủ doanh nghiệp đối với người LĐ khi tết đến xuân về. Hơn nữa, thưởng tết cũng nhằm hạn chế những tranh chấp LĐ có thể xảy ra trong thời điểm cận tết, khi chúng tôi đang rất cần LĐ. Và đó cũng là cái nghĩa giữa con người với nhau, cho người LĐ thấy được sự quan tâm để giữ chân họ quay lại với doanh nghiệp sau kỳ nghỉ tết. Chúng tôi chưa chăm lo được cho người LĐ tốt hơn trong năm này nhưng sẽ cố gắng trong năm sau, tôi mong người LĐ hiểu, chia sẻ và đồng hành với chúng tôi trên con đường phát triển”.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2013, mức tiền lương của người LĐ dao động từ 3,9 - 5,6 triệu đồng ở tất cả loại hình doanh nghiệp, cao hơn năm 2012 từ 200 - 300 nghìn đồng. Tiền thưởng Tết Âm lịch nơi thấp nhất là 2 triệu đồng, mức bình quân từ 2,8 - 4 triệu đồng, mức cao nhất hơn 23 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI. Ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Mức thưởng trên chỉ mới được khảo sát ở 144 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có cổ phần, góp vốn nhà nước, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI. Tiền lương, tiền thưởng với mức cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp đều giảm so với năm trước, nhưng mức tiền lương, tiền thưởng bình quân có xu hướng tăng. Đến nay, một số doanh nghiệp có mức tiền lương, thưởng tương đối cao so với mặt bằng chung của tỉnh nhưng vẫn chưa công bố. Sở LĐ-TB&XH đang tiến hành đôn đốc doanh nghiệp, nhằm đảm bảo cho người LĐ có được một cái tết có tiền thưởng”.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ