Xem nhẹ việc học nghề
Dù rất nỗ lực, nhưng việc tuyển sinh của các trường nghề trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, tuyển không đủ chỉ tiêu. Tâm lý chuộng bằng cấp khiến phụ huynh và học sinh còn xem nhẹ việc học nghề.
Theo cách nói của ông Nguyễn Minh Tú, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Quảng Nam thì “trường nghề như là cái đáy, khi học sinh không thể đậu được cao đẳng, đại học thì mới chọn trường nghề”. Quả thật, trong thực tế, tâm lý đó rất phổ biến, khi phụ huynh - học sinh chuộng bằng cấp hơn. Ông Tú nói: “Năng lực của học sinh không thể thi đậu đại học, cao đẳng vẫn chọn một hoặc cả hai cấp học này để theo. Tôi nghĩ sự phân luồng cho học sinh chọn trường để học vẫn chưa hợp lý. Cần dựa theo năng lực học tập của học sinh ở mức nào mà có sự phân luồng, định hướng hợp lý hơn. Chẳng hạn nhóm có khả năng thi đỗ đại học hãy cho thi đại học, còn không đủ khả năng thì nên định hướng cho các em chọn trường nghề”. Bên cạnh đó, học nghề thì thực hành thường chiếm 75% số giờ học, thế nên sẽ vất vả hơn, và học sinh không thích.
Học sinh học trường nghề thường có tay nghề tốt hơn, được doanh nghiệp chuộng hơn nhưng vẫn ít người chọn học nghề. Ảnh: D.L |
Năm học 2013 - 2014, trường CĐ Nghề Quảng Nam được giao chỉ tiêu ở cả 2 bậc học cao đẳng và trung cấp là 600 học viên. Nhưng đến tháng 11.2013, trường chỉ mới tuyển sinh được gần 50% chỉ tiêu, với 141 học sinh ở bậc trung cấp và 189 sinh viên bậc cao đẳng nghề. Dù công tác tuyển sinh được thực hiện từ học kỳ 2 của năm học 2012 - 2013 với rất nhiều nỗ lực vẫn không đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, kết quả này vẫn được đánh giá là khá so với toàn quốc.
Năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán, trường CĐ Nghề Quảng Nam đã lo thành lập hội đồng tuyển sinh cho năm học tiếp theo. Tuyển sinh được thực hiện theo nhiều cách, như huy động đội ngũ cán bộ - giáo viên cùng tham gia tuyển sinh, mỗi người là một cộng tác viên đắc lực; thực hiện truyền thông trên báo, đài, đặc biệt là hệ thống đài huyện, trạm phát thanh xã; phát hành tờ rơi nhân dịp các đợt thi tốt nghiệp, cao đẳng, đại học; thường xuyên làm việc với các doanh nghiệp để tạo nguồn việc làm cho học sinh sau ra trường; củng cố lại việc tuyển sinh tại chỗ; thành lập các tổ đi về huyện, xã làm việc với địa phương nắm nguồn... Một loạt các hoạt động được thực hiện trước mỗi năm học, vậy nhưng vẫn tìm không ra người học. Trong khi đó các trường chuyên nghiệp được phép dạy nghề, còn trường nghề thì không được phép tuyển sinh chuyên nghiệp, học sinh không chọn trường nghề mà chọn trường chuyên nghiệp. Việc tuyển sinh đã khó, việc dạy lại càng khó hơn khi năm nào học sinh cũng bỏ học giữa chừng khoảng 30%. Điều đó càng tạo thêm khó khăn cho trường nghề.
Năm học 2013 - 2014, trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam đã tuyển đủ 170 chỉ tiêu giao. Nhưng về lâu dài, công tác tuyển sinh vẫn đang là nỗi lo rất lớn của nhà trường. Ông Phan Công Hùng, Phó Trưởng phòng Dịch vụ - việc làm, trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam, cho biết: “Dù tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng đến cuối năm học, chưa chắc còn đủ học sinh vì các em bỏ học. Việc tuyển sinh trong những năm gần đây rất khó khăn, chúng tôi phải đi tận cơ sở. Vào giờ chào cờ ở những tuần cuối của năm học ở các trường THCS, THPT, nhóm tư vấn đến phối hợp giới thiệu, tư vấn cho các em. Và tư vấn cho cả phụ huynh trong các cuộc họp phụ huynh về chế độ, chính sách, việc làm khi các em chọn học trường nghề. Chúng tôi còn liên hệ các trường xin danh sách những em thi hỏng lớp 10, bỏ học giữa chừng khi học THPT để đến tận nhà tư vấn cho các em học trung cấp nghề...”. Vào năm học, giáo viên lại vất vả thêm một lần nữa khi dạy dỗ các em. Bởi những học sinh được tuyển vào học theo cách này là học sinh ham chơi hơn ham học, hoặc học lực chỉ ở độ trung bình trở xuống, việc dạy học càng khó khăn.
Trong thực tế, người học các trường nghề thường được doanh nghiệp chuộng hơn do tay nghề đạt yêu cầu, học sinh trường nghề khi ra trường có việc làm đạt hơn 80%. Các trường nghề cũng năng nổ hơn trong việc liên kết với doanh nghiệp, tạo đầu ra cho học sinh - sinh viên của trường, nhằm tạo thương hiệu cho nhà trường. Tất cả những nỗ lực ấy vẫn không thể giúp trường nghề có đủ người học. Ông Nguyễn Minh Tú cho rằng, nếu tình hình này còn kéo dài, năm nào cũng chỉ tuyển đạt 50 - 60% chỉ tiêu giao thì trong vài năm tới, trường nghề sẽ không có người học.
LÊ DIỄM