Nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em

HOÀNG LINH 23/10/2013 14:25

Chương trình hành động về phòng, chống và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất tại Quảng Nam (sau đây gọi tắt là Chương trình) do tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tài trợ góp phần quan trọng vào việc  xóa bỏ lao động trẻ em (LĐTE).

Hướng đến trẻ em

Được triển khai tại Quảng Nam từ tháng 7.2011 - 9.2013 ở 5 xã Điện An, Điện Phước (Điện Bàn); Duy Nghĩa, Duy Vinh (Duy Xuyên) và A Tiêng (Tây Giang), Chương trình đã tiếp nhận hồ sơ và đánh giá nhu cầu của 988 trẻ, trong đó có 412 trẻ đã được hỗ trợ. Cạnh đó, 13 trường tiểu học và THCS trong vùng dự án được xây dựng phòng ở bán trú cho học sinh, mua sắm trang thiết bị thư viện, hệ thống lọc nước và đồng phục học sinh. Có 11 em qua 15 tuổi học nghề công nghệ ô tô, nghiệp vụ nhà hàng tại trường trung cấp nghề Bắc Quảng Nam. Chương trình cũng đã tổ chức khám sức khỏe cho 390 trẻ; hỗ trợ 206 gia đình phương pháp quản lý thu chi, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, đào tạo tập huấn phát triển kinh tế cho 105 hộ dân, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 19 gia đình vay vốn phát triển kinh tế hộ...

Trẻ em lao động trong xưởng cá bò.                                                                                                                                                                                    Ảnh: D.L
Trẻ em lao động trong xưởng cá bò. Ảnh: D.L

Bà Maria Luisa Rodriguez Campos, Cố vấn trưởng dự án cho biết: “Quảng Nam là một trong 5 tỉnh, thành phố ở Việt Nam được chọn triển khai dự án. Dự án này nhằm cung cấp, chia sẻ những kiến thức về phòng, chống và xóa bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ nhất; góp phần thay đổi nhận thức, năng lực của các bên tham gia, từ đó đẩy mạnh chương trình hành động mang tính hiệu quả đối với trẻ em”. Bà Maria Luisa cũng cho rằng các bên cần đánh giá cả quá trình cũng như công việc đã thực hiện, từ đó rút ra những vấn đề cốt lõi và kiến nghị địa phương tiếp tục quan tâm đến vấn đề xóa bỏ LĐTE khi dự án kết thúc. Từ những kinh nghiệm thực tế, Chương trình sẽ đóng góp các khuyến nghị cho chương trình hành động cấp quốc gia, để có những đánh giá đúng, hành động kịp thời giúp trẻ em thoát khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại.

Đối thoại lao động trẻ em.
Đối thoại lao động trẻ em.

Tác động đến phụ huynh

“Mặt tích cực của LĐTE là góp phần tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện cuộc sống, ít nhiều có tác động giáo dục về ý thức yêu lao động, ý thức tự lập vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, LĐTE cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tâm lý, tình cảm, nhận thức, đạo đức và tình cảm của bản thân trẻ em. Để đạt được các mục tiêu về xóa bỏ tình trạng LĐTE trong thời gian tới, cần xây dựng một chương trình tổng thể phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp trẻ em. Bên cạnh đó, luật pháp, chính sách phải thể hiện từng bước tiến tới xóa bỏ tất cả các hình thức LĐTE nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở các khu vực kinh tế, kể cả khu vực phi kết cấu, trên mọi địa bàn dân cư, kể cả vùng dân tộc, vùng xa xôi, hẻo lánh, đặc biệt với những trẻ em ở lứa tuổi đi học theo quy định của pháp luật về giáo dục phổ cập”.
 (Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH)

Có một thực tế, hầu hết lao động trẻ em đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều phụ huynh đành để con nghỉ học, đi làm phụ giúp gia đình. Do đó, Chương trình của ILO đã can thiệp, cải thiện điều kiện kinh tế gia đình có trẻ em lao động, giúp các em quay lại trường học. Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (xã Điện An, huyện Điện Bàn) được hỗ trợ sinh kế chăn nuôi heo đã cam kết với chính quyền địa phương không cho con gái đầu đi làm kiếm tiền ở xa nữa. Hay như gia đình bà Nguyễn Thị Tám (xã Điện Phước, huyện Điện Bàn) có đến 2 trẻ em nghỉ học đi làm thêm đã được hỗ trợ sinh kế. Các con của bà Tám hiện nay cũng được tạo điều kiện học nghề phù hợp với sức vóc của mình.

Ngoài ra, kết hợp với dự án “Khuyến khích bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng tại huyện Tây Giang” (MI) do tổ chức Malteser tài trợ, ILO đã lồng ghép vào chương trình xóa bỏ LĐTE. Ông Nguyễn Đình Được, Phó ban quản lý dự án MI, cho biết: “Mô hình phát triển kinh tế cho các hộ dân góp phần xóa bỏ LĐTE được xây dựng bằng nhiều nguồn, như nguồn vốn 30a, nguồn tài trợ của MI, ILO. Hình thức thực hiện là giao rừng cho người dân chăm sóc, bảo vệ, có điều khoản không được sử dụng trẻ em dưới 15 tuổi lao động. Từ đó người dân được nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cho trẻ em đến trường. Các dự án được lồng ghép với nhau tạo nên nguồn lực mạnh hơn, tác động toàn diện hơn đến việc xóa bỏ LĐTE”. Trên địa bàn xã A Tiêng, đã hình thành được nhóm sản xuất rau an toàn. Các nhóm đã tự mình tìm được đầu ra cho sản phẩm, giúp cho sự phát triển bền vững hơn. Con cái của những phụ huynh tham gia vào các nhóm sản xuất đã không còn phải bỏ học lên nương rẫy phụ cha mẹ, mà các em được hỗ trợ mọi mặt về học tập.

 HOÀNG LINH

HOÀNG LINH