Thực hiện chính sách lao động trong ngành du lịch: Vướng mắc từ hai phía

VĨNH LỘC 21/10/2013 12:39

Ngành du lịch Quảng Nam có khoảng 11.400 lao động (LĐ) trực tiếp cùng hàng nghìn LĐ gián tiếp, mang lại doanh thu mỗi năm cả nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ chính sách cho người LĐ trong ngành du lịch thời gian qua vẫn còn nhiều điều cần phải bàn.

Thực hiện tốt các chế độ chính sách lao động sẽ góp phần tạo ra một môi trường làm việc ổn định, phát triển trong ngành du lịch. Ảnh : T.DŨNG
Thực hiện tốt các chế độ chính sách lao động sẽ góp phần tạo ra một môi trường làm việc ổn định, phát triển trong ngành du lịch. Ảnh : T.DŨNG

Trong số cả chục nghìn LĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp du lịch hiện nay, việc thực hiện chế độ chính sách mỗi nơi có khác nhau, tùy vào điều kiện cụ thể của doanh nghiệp. Nếu như tại các doanh nghiệp thuộc quản lý nhà nước chế độ tiền lương được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh việc thực hiện chế độ chính sách với người LĐ chủ yếu thông qua thỏa thuận, tùy vào năng lực mỗi người.

Nguồn nhân lực ngành du lịch thời gian qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm, nhất là chất lượng đào tạo xa rời thực tế dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu. Theo dự báo của Sở VH-TT&DL, đến năm 2015 du lịch Quảng Nam cần khoảng 6.000 LĐ làm việc trực tiếp trong các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực ngành du lịch vẫn chưa có sự chuẩn bị để đáp ứng được cả về số lượng lẫn chất lượng (lực lượng LĐ được đào tạo chuyên ngành hoặc có kinh nghiệm chiếm chưa đến 20% tổng số LĐ trực tiếp trong ngành). Bên cạnh đó, nguồn LĐ từ các trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp nghề tuy mỗi năm ra trường với số lượng lớn nhưng chưa thể đáp ứng yêu cầu công việc, doanh nghiệp phải đào tạo lại dẫn đến những khó khăn khi tuyển dụng bố trí công việc, chi trả lương và thực hiện các chế độ khác. Ngoài ra, hệ thống giới thiệu việc làm chưa đảm bảo kết nối thành công quan hệ cung - cầu trên thị trường LĐ của tỉnh và cả nước; chưa gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế với quy hoạch, kế hoạch đào tạo, dạy nghề, sử dụng LĐ tại chỗ...

Bà Nguyễn Thị Anh - Giám đốc kinh doanh Khách sạn Golden Sand - Hội An cho biết: “Ngoài lương theo thỏa thuận và các chính sách khác như bảo hiểm xã hội, y tế... người LĐ của đơn vị còn được hưởng các chế độ như thưởng, tăng ca, ngoài giờ nên đều hài lòng và gắn bó lâu dài với khách sạn”. Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp du lịch khác, vướng mắc trong việc thực hiện chế độ chính sách không chỉ đến từ phía doanh nghiệp mà còn xuất phát từ phía người LĐ do tư tưởng làm việc ngắn hạn. Ông Trần Ngọc Trung -  Giám đốc Khách sạn Golf - Hội An cho biết, doanh nghiệp hiện có nhiều trường hợp người LĐ “tự nguyện” không muốn tham gia các chế độ chính sách vì không muốn làm việc lâu dài. Điều này gây lúng túng cho doanh nghiệp. “Phần lớn lao động trên 50 tuổi làm công việc thời vụ không muốn ký hợp đồng, đóng bảo hiểm vì họ nghĩ chỉ làm thời gian ngắn. Chúng tôi không biết phải xử lý thế nào để khỏi vi phạm quy đinh của pháp luật về chế độ chính sách với người LĐ” - ông Trung nói.

Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, thời gian qua còn có một số doanh nghiệp du lịch do hoạt động gặp nhiều khó khăn nên việc chấp hành chế độ, chính sách cho người LĐ theo quy định của pháp luật chưa tốt. Hiện tượng trốn tránh tham gia BHXH, BHYT cho người LĐ hoặc tham gia không đủ số LĐ đang làm việc tại đơn vị vẫn còn diễn ra. Nhiều doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ chưa thật sự quan tâm đến các chính sách, đãi ngộ cho nhân viên, dẫn đến sự chuyển dịch LĐ do không thỏa mãn với doanh nghiệp. Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng góp phần tạo nên sự dịch chuyển LĐ trong ngành du lịch Quảng Nam với tốc độ hàng năm từ 20% - 50%. Đây cũng là nguyên nhân gây nên sự phát triển không ổn định cho doanh nghiệp và ngành du lịch Quảng Nam.

Trong kinh doanh du lịch, việc thực hiện chế độ chính sách cho người LĐ là vấn đề quan tâm của nhiều cấp, ngành. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp cụ thể và đồng bộ từ nhiều phía nhằm có sự phối hợp ăn ý. Đặc biệt, sự vào cuộc của các cấp ngành quản lý trong việc thanh tra, kiểm tra, đảm bảo cho doanh nghiệp và người LĐ thực hiện tốt các chế độ chính sách góp phần tạo ra một môi trường làm việc ổn định, phát triển trong ngành du lịch.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC