Nhiều vướng mắc trong công tác đào tạo nghề

D.LỆ 12/09/2013 08:05

Ngày 11.9, Ban Văn hóa - xã hội (HĐND tỉnh) có buổi làm việc với 3 trung tâm gồm Trung tâm Dạy nghề & xúc tiến việc làm (Liên minh Hợp tác xã tỉnh), Trung tâm Dạy nghề thanh niên (Tỉnh Đoàn), Trung tâm Dạy nghề & hỗ trợ việc làm (Hội Nông dân tỉnh) về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Đề án 1956.

Theo báo cáo của các đơn vị, từ năm 2010 đến nay 3 trung tâm trên đã đào tạo tổng cộng 7.242 LĐNT các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, với tổng nguồn kinh phí hơn 9,6 tỷ đồng. Theo các trung tâm, LĐNT sau học nghề đều có việc làm đạt từ 70% trở lên, tập trung chủ yếu vào nghề nông nghiệp. Lực lượng giáo viên cơ hữu tại các trung tâm không nhiều nên hầu hết giáo viên tham gia dạy nghề là giáo viên thỉnh giảng. Việc đào tạo nghề của các trung tâm còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh tế khó khăn, việc làm không nhiều nên khó đào tạo nghề phi nông nghiệp, nhận thức của người học nghề chưa cao, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở chưa vào cuộc trong việc vận động, tuyên truyền người dân đi học nghề... Cả 3 trung tâm đều kiến nghị các cấp, ngành quan tâm giải quyết nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 1956 như: cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp trước khi đào tạo; tăng nguồn hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho các đối tượng học nghề; có cơ chế hỗ trợ vốn vay cho đối tượng học nghề xây dựng mô hình sản xuất; tăng định mức kinh phí dạy nghề; nên phân bổ kinh phí cho việc biên soạn giáo trình dạy nghề... Ban Văn hóa - xã hội ghi nhận những kiến nghị của các trung tâm và cho biết sẽ có báo cáo cụ thể trong kỳ họp HĐND sắp tới.

D.LỆ

D.LỆ