Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Nhiều bất cập - Bài cuối: Gỡ "nút thắt"
Chặng đường của Đề án 1956 còn rất dài, nếu không có giải pháp cho những khó khăn hiện nay, việc thực hiện sẽ còn tiếp tục gặp khó. Để gỡ “nút thắt” cho cả đồng bằng và miền núi, những nhà quản lý, nhà chuyên môn đã đề xuất nhiều giải pháp.
|
Nghề dệt thổ cẩm phù hợp với vùng cao, nhưng cần phải tính đến đầu ra cho sản phẩm nếu không người dân sẽ bỏ nghề. Ảnh: D.L |
Linh hoạt lồng ghép
Những cái sai, cái khó trong thực hiện Đề án 1956 của các địa phương đã được các ngành ở tỉnh nhận thấy thông qua các đợt kiểm tra vào tháng 8 vừa qua. Ông Võ Duy Thông - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhận định: “Đào tạo nghề trong tỉnh dù có nhiều cố gắng nhưng chưa thể đạt hiệu quả như mong muốn, dù Quảng Nam được đánh giá là tỉnh làm tốt, có nhiều mô hình đào tạo nghề hay. Lý do chủ quan là các huyện mới tiếp nhận Đề án 1956 nên còn nhiều lúng túng trong quản lý, triển khai thực hiện; khách quan là vì nền kinh tế còn khó khăn, việc làm không có nhiều. Đối với miền núi, chỉ có lâm nghiệp là trụ vững nhờ có cây cao su, cây keo. Nghề phi nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong đầu ra, nguyên liệu. Bây giờ, phải có kế hoạch cho từng xã chứ không chỉ huyện nữa. Cần phải phối hợp gắn kết giữa địa phương - cơ sở đào tạo - lao động nông thôn (LĐNT) thì mới thực hiện đồng bộ được”. Ông Thông cho biết thêm, trong tháng 9.2013, tỉnh sẽ tổ chức 2 cuộc họp giao ban ở 2 khu vực đồng bằng và miền núi. Các địa phương phải ngồi lại với nhau, phân tích những nguyên nhân khiến việc triển khai đề án chậm, vấp nhiều sai sót, từ đó cùng thảo luận tìm cách tháo gỡ.
Theo kế hoạch thực hiện Đề án 1956 giai đoạn 2013 - 2015, UBND tỉnh đã nêu ra nhiều giải pháp, trong đó rất chú trọng khâu tuyên truyền. Kế hoạch của tỉnh nêu rõ, công tác tuyên truyền cần được thực hiện bằng nhiều hình thức như tổ chức chuyên trang, chuyên mục giới thiệu chính sách của Đề án 1956 trên báo, đài, hệ thống phát thanh huyện, xã. Ở các địa phương, chính sách của đề án cần được phổ biến trong các cuộc họp ở thôn, bản, tổ dân cư; lồng ghép tuyên truyền trong các phiên giao dịch, hội chợ việc làm. Mỗi địa phương phải nâng cao hơn trách nhiệm của mình xuyên suốt các khâu tuyên truyền, tuyển sinh, đào tạo, việc làm. Lâu nay chính quyền xã và đoàn thể rất ít tham gia vào Đề án 1956, nhưng trong giai đoạn tiếp theo, trách nhiệm sẽ được quy về tận cấp xã là đơn vị thực hiện chủ chốt trong khảo sát, quản lý LĐNT trên địa bàn. Các hội, đoàn thể phải nắm được các chủ trương, chính sách của đề án để tuyên truyền cho hội viên, hướng dẫn họ học nghề và chịu trách nhiệm về phần hội viên của mình. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố nên lồng ghép nhiều chương trình, dự án như Nghị quyết 30a, 30b ở các huyện miền núi nghèo, Chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, khuyến lâm và các dự án đất có bồi thường giải tỏa, các chương trình của các tổ chức phi chính phủ...
Nâng chất lượng toàn diện
Theo ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề thường xuyên - Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), Quảng Nam nên tập trung đào tạo những ngành nghề là thế mạnh như nghề biển, lái và sửa chữa tàu cá, trồng lúa năng suất cao... vì phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Quảng Nam có chính sách thu hút doanh nghiệp may về với nông thôn nên rất phù hợp để người dân học nghề may công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Mã Điền Cư - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Quảng Nam có lực lượng lao động là người đồng bào chiếm không ít với 120 nghìn người. Với đồng bào dân tộc thiểu số, nên dạy những nghề phù hợp ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp thì họ mới có thể học nhanh, và sống được với nghề đã học”.
Ông Nguyễn Khắc Tưởng - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh nêu vấn đề: “Lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số sau khi học nghề rất ít trường hợp có việc làm, nhất là nghề phi nông nghiệp vì không quen đi xa nhà để làm việc. Về lâu dài, Trung ương, tỉnh cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư ở khu vực miền núi, như thế có thể giải quyết việc làm tại chỗ cho đồng bào”. Cũng theo ông Tưởng, đồng bào sau khi học cần nguồn vốn để xây dựng mô hình sản xuất tại gia, tự giải quyết việc làm, nhưng hiện nay với mức cho vay 5 triệu đồng/hộ là quá ít, không xây dựng được mô hình. Nhà nước cũng cần tăng cường nguồn khuyến công tại miền núi, hỗ trợ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT, Sở LĐ-TB&XH xác định thực hiện chủ trương đầu tư phát triển mạng lưới dạy nghề ở các trường, trung tâm trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, các trung tâm dạy nghề mới thành lập ở huyện 30a là Tây Giang, Nam Trà My, Phước Sơn sẽ được tập trung đầu tư trang thiết bị dạy nghề (lồng ghép từ nguồn kinh phí 30a). Các huyện, thành phố cần giám sát, đảm bảo chất lượng đào tạo nghề từ các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề tại địa phương. Các cơ sở dạy nghề tư thục, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ được tạo điều kiện bổ sung chức năng dạy nghề để cùng tham gia đào tạo nghề cho LĐNT. Đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề sẽ được huy động tối đa từ nguồn nghệ nhân, thợ lành nghề, cán bộ kỹ thuật, và bồi dưỡng kỹ năng dạy nghề, phương pháp dạy học để họ đứng lớp. Phương thức dạy nghề cho LĐNT cũng được xác định phải thực hành nhiều hơn lý thuyết.
Đối với việc làm sau đào tạo, ông Võ Duy Thông cho biết: “Hiện nay, nền kinh tế chưa tạo được nhiều việc làm cho người lao động, vì thế khi đào tạo, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để lo đầu ra cho người lao động. Cần phải bám sát mục tiêu là chỉ đào tạo khi giải quyết được đầu ra hoặc nâng cao thu nhập cho người học từ nghề đã học”.
DIỄM LỆ