Thị trường lao động Quảng Nam: Khó thu hẹp độ chênh cung - cầu
Người lao động (LĐ) tìm được việc qua sàn giao dịch việc làm còn thấp, cung vượt quá cầu, trình độ tay nghề người LĐ chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng LĐ là những thực tế của thị trường LĐ tại Quảng Nam. Độ chênh này vẫn rất khó thu hẹp, nếu không có những giải pháp căn cơ từ cơ quan quản lý, cung ứng và sử dụng LĐ.
Chênh cung - cầu
Tính đến thời điểm 31.12.2012, Quảng Nam có 2.673 doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng phòng Việc làm - an toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH tỉnh) cho biết: “Hoạt động giới thiệu việc làm và cung ứng LĐ ở Quảng Nam chưa phát triển mạnh, năng lực kết nối cung - cầu LĐ trên thị trường rất hạn chế. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia cũng như người LĐ tìm được việc qua các sàn giao dịch việc làm còn khá thấp”. Tính từ năm 2009 đến tháng 7.2013, có 1.264 lượt doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng khoảng 160 nghìn LĐ. Trong khi đó, chỉ có 5.234 LĐ được phỏng vấn và tuyển dụng, chiếm 30,6% số người đăng ký tham gia sàn giao dịch việc làm. Theo bà Hương, nguyên nhân của việc người LĐ khó tìm việc qua sàn giao dịch việc làm do chất lượng cung cấp dịch vụ của Trung tâm Giới thiệu việc làm chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp. Ngoài ra, các khu - cụm công nghiệp đều nằm ở các khu dân cư đông đúc nên doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng LĐ tại chỗ.
Người lao động tìm đến sàn giao dịch việc làm hằng tháng nhưng ít tìm được việc. Ảnh: H.L |
Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh phân tích một nguyên nhân khác khiến cung - cầu luôn chênh: “Thực tế nhu cầu tuyển dụng rất cần LĐ phổ thông và công nhân có tay nghề. Nhưng số này đến tìm hiểu thông tin tại sàn giao dịch việc làm chiếm tỷ lệ khá thấp. Trong khi đó, LĐ có trình độ cao đẳng, đại học các khối ngành kinh tế, xã hội đến tìm việc rất nhiều, mà nhu cầu không có hoặc ít”. Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Thanh - Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam nhìn nhận: “Cánh cửa vào các trường cao đẳng, đại học hiện nay không quá khó cùng với tâm lý thích cho con cái học cao đẳng, đại học của nhiều bậc phụ huynh đã vô hình trung tạo nên tình cảnh “thừa thầy thiếu thợ”. Để khắc phục tình trạng này, cần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền cũng như tăng cường mối liên hệ giữa cơ sở đào tạo nghề và trung tâm giới thiệu việc làm để có thể cung cấp nguồn nhân lực đúng theo nhu cầu của doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, người LĐ đến đăng ký qua sàn giao dịch việc làm ngành nghề chưa phong phú, chủ yếu là các ngành văn hóa - xã hội, nhân viên thị trường…; trong khi nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kỹ thuật. Chưa kể, chất lượng đào tạo ở một số cơ sở đào tạo nghề chưa tốt khiến doanh nghiệp còn e ngại khi tuyển dụng.
Khó dự báo thị trường lao động
Để có thể đáp ứng đúng nhu cầu thị trường LĐ cần chú trọng vấn đề dự báo. Tuy nhiên, các huyện, thành phố, thông tin cung - cầu LĐ còn hạn chế đã tạo rào cản trong việc xây dựng các chính sách học nghề, việc làm, giảm nghèo tại địa phương. Nguyên nhân khách quan lớn nhất dẫn đến vấn đề này chính là sự bất hợp tác từ các doanh nghiệp khi Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố đi điều tra thông tin về LĐ. Ông Nguyễn Xướng - Trưởng phòng LĐ-TB&XH Núi Thành, cho biết: “Có đến 62 doanh nghiệp trên địa bàn Núi Thành không cung cấp thông tin khi các điều tra viên đến làm việc. Sau đó, chúng tôi tham mưu UBND huyện ra công văn yêu cầu các doanh nghiệp này nghiêm túc thực hiện nhưng họ vẫn làm ngơ”. Ông Trần Đồng - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An lo ngại: “Việc một bộ phận doanh nghiệp không mặn mà đối với công tác này gây khó cho điều tra viên và khiến thông tin bị chậm trễ nhiều so với dự kiến. Nếu thực trạng này không được cải thiện, công tác dự báo sẽ còn rất nhiều khó khăn”.
Cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường LĐ ở Quảng Nam chưa chính xác, đầy đủ khiến các cơ sở đào tạo nghề loay hoay trong việc dự báo, định hướng ngành nghề cho học viên khi tuyển sinh. Là một cơ sở đào tạo nghề khá thành công trong việc giúp nhiều học viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp (khoảng 70% học viên có việc làm), ông Đặng Đôi - Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam chia sẻ kinh nghiệm: “Để thành công, chúng tôi phải trực tiếp ký kết hợp đồng đào tạo nghề, cùng thống nhất nội dung, chương trình, những yêu cầu kỹ thuật mà doanh nghiệp cần cho sản xuất. Trên cơ sở đó, nhà trường bổ sung, điều chỉnh chương trình đào tạo quy định của ngành để phù hợp với thực tế sản xuất tại doanh nghiệp”.
Theo ông Lê Tôn Tưởng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt đề án “Hoạt động sàn giao dịch việc làm tỉnh Quảng Nam đến năm 2015” đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa trung tâm với các doanh nghiệp để nắm chắc nhu cầu thực tế nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng một cách tốt nhất, góp phần tạo việc làm cho người LĐ.
H.LINH -Đ.ĐẠO