Quản lý lao động người nước ngoài tại công trình thủy điện Sông Bung 4 (Nam Giang): Nhiều bất cập
Gần nửa số công nhân Trung Quốc làm việc “chui”, xô xát nhau gây mất an ninh trật tự trên công trường… là tình trạng chung đang diễn ra tại công trình thủy điện Sông Bung 4 (xã Tà Pơ, Nam Giang). Thực trạng này đang khiến công tác quản lý của các cơ quan chức năng thêm khó khăn, phức tạp.
Nhiều biển báo có chữ Trung Quốc đặt gần khu vực công trình thủy điện Sông Bung. Ảnh: ALĂNG VINH |
Phức tạp
Ông Tơ Ngôl Kía - Chủ tịch UBND xã Tà Pơ cho biết, dù được quản lý khá chặt chẽ nhưng tình trạng xô xát vì mâu thuẫn giữa công nhân Việt Nam và Trung Quốc tại công trường vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Ông Kía cho hay, công nhân Trung Quốc có mặt tại địa phương khoảng 3 năm nay và số lượng luôn dao động từ 300 - 400 người. Từ khi dự án thủy điện được triển khai, cơ quan chức năng đã thành lập Tổ cảnh sát bảo vệ (Công an huyện Nam Giang) đóng chốt tại khu vực công trình dự án thủy điện Sông Bung 4, phối hợp với chính quyền xã Tà Pơ để đảm bảo an ninh trật tự.
Theo ông Kring Diệu - Trưởng Công an xã Tà Pơ, đến thời điểm này đã xảy ra 3 vụ gây mất trật tự do đánh nhau liên quan đến công nhân Trung Quốc mà công an xã đã trực tiếp giải quyết. Cụ thể, vào tháng 7.2012, do mâu thuẫn nhỏ, công nhân Trung Quốc đã dùng ống tuýp đánh vào đầu công nhân Việt Nam dẫn đến bị thương. Bức xúc vì bị đánh nên sau đó một nhóm công nhân Việt Nam đã vào lán của công nhân Trung Quốc để “đòi lại công bằng” khiến hai người nhập viện. Tương tự, vào tháng 3.2012, từ xích mích cá nhân, một bảo vệ Trung Quốc đã dùng đèn pin đánh vào đầu công nhân Việt Nam gây thương tích. Hay mới đây nhất, vào đầu năm 2013, một công nhân người dân tộc H’re (quê Quảng Ngãi) đang lao động tại công trình thủy điện Sông Bung 4 cũng bị công nhân Trung Quốc dùng gậy đánh trọng thương.
Tại Công văn số 458/LĐTBXH-VLATLĐ ngày 4.5.2013, Sở LĐ-TB&XH đã yêu cầu phía Công ty Sinohydro thực hiện việc lập danh sách cụ thể 116 lao động theo hai trường hợp phải cấp giấy phép và không phải cấp giấy phép. Đối với trường hợp không phải cấp giấy phép (lao động dưới 3 tháng) thì yêu cầu công ty lập danh sách trích ngang kèm theo các giấy tờ quy định gửi Sở LĐ-TB&XH. Đối với trường hợp phải cấp giấy phép lao động, lãnh đạo công ty cần có báo cáo kịp thời bằng văn bản xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh xét, quyết định về việc có hay không cho phép nhà thầu được tuyển dụng số lao động nước ngoài, trên cơ sở đó đề nghị Sở LĐ-TB&XH cấp giấy phép. “Trong trường hợp UBND tỉnh không cho phép, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng làm việc cùng phía Công ty Sinohydro để trục xuất những lao động Trung Quốc không có giấy phép về nước” - bà Hương nói. |
Tại công trình thủy điện Sông Bung 4 có đến 5 khu tập trung dành cho công nhân Trung Quốc, hầu hết đều xa khu dân cư bản địa. Theo thông tin xác nhận từ chính quyền địa phương, trong công trường thủy điện Sông Bung 4 chỉ có một hộ dân người Việt vào buôn bán cho công nhân. Ngoài ra, còn có một tiệm cắt tóc do một phụ nữ Trung Quốc tự mở, phục vụ cho công nhân tại công trường. Ông Tơ Ngôl Kía cũng thừa nhận bản thân ông chưa lần nào trực tiếp đến công trường thủy điện Sông Bung 4 mà chỉ nghe qua lời kể của một số người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, Đại tá Phạm Mưng - Trưởng Công an huyện Nam Giang cho biết, vấn đề giám sát, quản lý lao động tại công trường thủy điện Sông Bung 4 cũng như công nhân Trung Quốc đang làm việc tại đây luôn chặt chẽ, nghiêm ngặt. Định kỳ hằng tháng, lãnh đạo Công an tỉnh, Công an huyện Nam Giang và Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4 tổ chức giao ban để nghe báo cáo tình hình từ Tổ cảnh sát bảo vệ thủy điện. Qua đó kịp thời xử lý, khắc phục những vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại khu vực và địa phương. Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý dự án thủy điện hướng dẫn, tạo điệu kiện thuận lợi để công nhân Trung Quốc thực hiện tốt các thỏa thuận hợp đồng với Ban quản lý dự án. Đại tá Phạm Mưng cũng xác nhận đã có một trường hợp cô gái tên Nguyễn Thị H. (1989, trú thôn Vinh, xã Tà Pơ, Nam Giang) có con với công nhân Trung Quốc vào năm ngoái nhưng hiện công nhân này đã bỏ về nước, H. phải nuôi con một mình. “Trước đây, phía nhà thầu Trung Quốc có ý định xin ra ở gần dân nhưng chúng tôi không cho phép. Tuy nhiên, do bất đồng về ngôn ngữ, lực lượng công an huyện lại không có phiên dịch viên tiếng Trung Quốc nên khi làm việc rất khó khăn” - ông Mưng nói.
Làm việc “chui”
Theo báo cáo của Công an xã Tà Pơơ, trong tổng số 243 lao động Trung Quốc đang làm việc tại thủy điện Sông Bung 4, chỉ có 125 lao động có giấy phép. Số còn lại (gần 120 công nhân) vẫn hoạt động “chui” do chưa có giấy phép cũng như giấy tờ hợp lệ khác. Cụ thể, ngày 24.4.2013, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an tỉnh cùng các cơ quan chức năng của huyện Nam Giang kiểm tra tình hình tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4 và nhà thầu Công ty TNHH Sinohydro (Trung Quốc). Qua kiểm tra đã phát hiện Công ty TNHH Sinohydro có những vi phạm như: không báo cáo danh sách trích ngang người nước ngoài thuộc diện không phải cấp giấy phép lao động và gửi kèm các giấy tờ của người nước ngoài theo quy định về Sở LĐ-TB&XH; sử dụng một số lao động nước ngoài khi chưa được cấp giấy phép lao động.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng phòng Việc làm an toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, theo quy định việc tuyển lao động nước ngoài phải được sự cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, vào thời điểm kiểm tra đã phát hiện 116 lao động Trung Quốc chưa có giấy phép của tỉnh nhưng phía Công ty Sinohydro vẫn đưa vào làm việc với hình thức làm việc ngắn hạn (dưới 3 tháng). Theo bà Hương, có 2 hình thức người lao động nước ngoài vào làm việc ở lãnh thổ Việt Nam, gồm ngắn hạn và dài hạn. Ở trường hợp ngắn hạn, dù không quy định phải cấp giấy phép nhưng phía công ty (chủ đầu tư) phải báo cáo danh sách với Sở LĐ-TB&XH để dễ quản lý (việc này Công ty Sinohydro không thực hiện). Trong khi đó, ở trường hợp dài hạn (trên 3 tháng trở lên) lao động nước ngoài muốn làm việc tại lãnh thổ Việt Nam cần phải có sự cho phép của Chủ tịch UBND tỉnh, sau đó được Sở LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động. Cũng theo bà Hương, trong số 116 lao động nêu trên, qua kiểm tra, các ngành chức năng rất khó khăn trong việc phân biệt trường hợp ngắn hạn và dài hạn vì phía Công ty Sinohydro không làm đúng theo quy trình về việc sử dụng lao động nước ngoài được quy định tại Luật Lao động Việt Nam.
VINH ANH - LĂNG A CÚI