Đối thoại để thông hiểu

TÙY PHONG 12/06/2013 08:34

Sự va đập giữa lợi nhuận và quyền lợi của người lao động vẫn thường xuyên xảy ra trong doanh nghiệp (DN). Con đường đối thoại xã hội để mở ra sự thông hiểu là điều cần thiết nhưng dường như đã ít được mở rộng.

Người lao động cần tổ chức công đoàn để đối thoại xã hội cùng DN phát triển. Ảnh: T.DŨNG
Người lao động cần tổ chức công đoàn để đối thoại xã hội cùng DN phát triển. Ảnh: T.DŨNG

Tạo mối quan hệ hài hòa

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL thừa nhận sự quan tâm của giới DN đến người lao động đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, những áp lực gia tăng lên cả DN trước sự cạnh tranh khốc liệt vẫn đang xảy ra và quyền lợi từ các chế độ được hưởng của những người lao động vẫn là thách thức chưa thể giải quyết được. Việc thiếu tính đối thoại xã hội từ giới chủ và người lao động khiến có nhiều biến động đã xảy ra trong ngành du lịch. Kết quả khảo sát của một nhóm tư vấn thuộc tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mới đây trên 2.557/11.000 lao động tại 30/166 DN du lịch Quảng Nam hồi cuối năm 2012 cho thấy, những DN nỗ lực thực hiện tốt cơ chế đối thoại và thương lượng tập thể đã tạo được mối quan hệ lao động hài hòa, nâng cao năng suất lao động. Điều này đã cải thiện hiệu quả kinh doanh, giảm thiểu những thiệt hại không đáng có về thời gian tiền bạc cho cả người lao động và DN.

Theo ông Nguyễn Văn Lưu - Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT&DL), lợi ích du lịch phải được phân bổ đồng đều. Cuộc khảo sát cho thấy hiện có 50% số DN được khảo sát chưa có công đoàn. Các DN có công đoàn đều đánh giá tốt và rất tốt cho công đoàn trong vai trò duy trì mối quan hệ lao động hài hòa tại DN. Chỉ có 3 DN (10% số DN khảo sát) có 7 cuộc tranh chấp lao động và đều là tranh chấp lao động cá nhân liên quan đến kỷ luật lao động và phí dịch vụ. Tuy nhiên, vai trò hoạt động của công đoàn đối với người lao động tại một số ít DN còn mờ nhạt. Có nơi, người lao động của một DN không biết rằng DN mình có tổ chức công đoàn. Một thống kê khác cho biết có sự khác biệt lớn giữa DN có và không có công đoàn về việc sử dụng các kênh đối thoại nhằm cập nhật, chia sẻ thông tin giữa giới chủ và người lao động. 38,3% DN được khảo sát có công đoàn đã sử dụng hòm thư góp ý và chỉ 3% đối với DN chưa có công đoàn. Các cuộc giao lưu DN có công đoàn cũng thường xuyên hơn thông qua các cuộc đối thoại thân mật theo tỷ lệ 46,7% và 30%. Đặc biệt số các DN tổ chức các cuộc gặp mặt chính thức thông qua các cuộc họp thường kỳ giữa ban lãnh đạo DN và người lao động ở DN có công đoàn là 80%, và ở DN chưa có công đoàn là rất thấp 22,8%.

Mặc dù con số báo cáo và số thống kê về tranh chấp lao động ở các DN khảo sát là không cao, nhưng kết quả khảo sát cho thấy người lao động tại các DN có công đoàn có nhiều cơ hội chia sẻ thông tin, kiến nghị của mình lên lãnh đạo DN cao hơn rất nhiều so với các DN chưa có tổ chức công đoàn. Nhờ có các hình thức đối thoại nêu trên, tỷ lệ người lao động được tham gia vào quá trình ra quyết định DN là rất cao. Nhiều DN đã tham vấn ý kiến người lao động để đưa ra những thỏa ước lao động tập thể và 75% người lao động được tham gia vào quá trình đàm phán thỏa ước lao động với giới chủ.

Xây dựng môi trường đối thoại

Từ thực tế trên, ILO đã đưa ra khuyến nghị tiếp tục đào tạo cho giới chủ và người lao động thông qua các tổ chức của giới chủ và công đoàn về lợi ích đối thoại. Điều này sẽ làm tăng hiệu quả kinh doanh của DN, giảm căng thẳng và nguy cơ xung đột về quyền và lợi ích, đồng thời khuyến khích người lao động thông qua tổ chức công đoàn tiến hành đối thoại và thương lượng tập thể. Nỗ lực này không chỉ riêng DN, người lao động mà của cả các cơ quan quản lý. Với thể chế hợp tác giữa giới chủ, công đoàn, DN trong ngành du lịch có thể ký thỏa ước lao động tập thể ngành để cải thiện mức lương và chế độ đãi ngộ bằng cách ngành thống nhất mức lương và các chế độ đãi ngộ khác cho người lao động. Đó là cách đảm bảo cho người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ mà pháp luật quy định nhằm tránh hiện tượng nhảy việc, tiến tới mở rộng chương trình đào tạo cho người lao động, tạo môi trường làm việc có quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và chủ DN.

Theo Giám đốc quốc gia ILO - ông Gyorgy Sziraczki, sử dụng lao động hiệu quả là tăng trách nhiệm xã hội và hình ảnh công ty, mở ra các lựa chọn cho phát triển, tái cấu trúc và khả năng cạnh tranh trong tương lai. Tuy nhiên, đối với nhiều người đã có việc làm trong ngành du lịch, điều kiện làm việc lại là một vấn đề quan trọng khác. ILO kêu gọi phát triển “việc làm bền vững” trong lĩnh vực du lịch, đem lại thu nhập xứng đáng, an toàn cho người lao động, cho phép người lao động tự do bày tỏ nguyện vọng và công bằng với tất cả mọi người. “Cải thiện tính hiệu quả, chất lượng dịch vụ trong một ngành đòi hỏi nhiều lao động và dịch vụ phục vụ khách hàng cao. Việc làm bền vững và hiệu quả phải đạt được các tiêu chuẩn và các quyền tại nơi làm việc, xúc tiến việc làm và phát triển DN, bảo vệ xã hội và đối thoại xã hội” - ông Sziraczki nói.

TÙY PHONG

TÙY PHONG