Giải quyết việc làm cho người lao động: Cách làm của Hội An
Tham vấn hộ nghèo để nắm bắt tình hình lao động, việc làm; trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp hỗ trợ vốn, tư vấn việc làm phù hợp. Cách làm này ở
Được sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, Hội An đã làm khá tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Ảnh: LÊ HIỀN |
Ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An cho biết: “Năm nào đơn vị cũng điều tra tổng hợp số liệu biến động người có nhu cầu học nghề cũng như nhu cầu lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua đó, chúng tôi làm cầu nối cho người lao động và các cơ sở, doanh nghiệp, từ việc thông báo cho nhân dân thông tin tuyển dụng, tiếp nhận hồ sơ, đến giới thiệu người lao động với doanh nghiệp. Tất cả được phòng và các địa phương phối hợp triển khai một cách chặt chẽ”. Cũng theo ông Phúc, để đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo thực hiện đề án của thành phố phân công thành viên phụ trách từng lĩnh vực, địa bàn đôn đốc, theo dõi nhằm giải quyết tốt việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động.
Theo kết quả khảo sát mới đây về nhu cầu đào tạo nghề và việc làm của Phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An, đến đầu năm 2013, Hội An còn gần 2.000 lao động có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. |
Trên cơ sở số liệu điều tra, ngành lao động thành phố phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn hoặc sơ cấp, trung cấp. Sau khi hoàn thành khóa nghề, người lao động được ngành giới thiệu việc làm tại các sơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, một trong những đối tượng được thành phố ưu tiên đào tạo nghề và giới thiệu việc làm là lao động nông nghiệp mất đất sản xuất do nhường đất cho các công trình, dự án. Với cách làm này, 3 năm qua, Hội An đã giải quyết việc làm cho 1.367 lao động. Riêng tại trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam (Điện Bàn), ngành lao động thành phố đã giúp 314 lao động được học nghề. Từ đó, nhiều gia đình thoát khỏi diện nghèo như các hộ Nguyễn Thị Nhơn, Nguyễn Thị Hoa, Lý Thị Mỹ Nhung ở xã Cẩm Hà…
Ngoài ra, một số đoàn thể và cơ quan đơn vị ở Hội An cũng tham gia giới thiệu, tư vấn việc làm cho người lao động. Trong đó, Phường đội Cẩm Phô là một điển hình. Từ nhu cầu thực tế việc làm của lực lượng dân quân và dự bị động viên tại địa phương, Ban Chỉ huy Quân sự phường đã giới thiệu hơn 100 lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, có thu nhập ổn định. Các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân thành phố cũng có cơ chế hỗ trợ phù hợp như phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố giải ngân nguồn vốn ưu đãi để hội viên có điều kiện lao động sản xuất tốt hơn, không rơi vào tình trạng thất nghiệp. Thành đoàn Hội An còn lập Văn phòng Tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên. Các địa phương như Cẩm Hà, Cửa Đại, Cẩm An cũng đã phối hợp thực hiện tốt đề án đào tạo nghề, nhất là trong việc tuyên truyền, phố biến thông tin và vận động người lao động đăng ký học nghề.
Một số doanh nghiệp rất thiện chí trong tạo việc làm cho lao động địa phương. Có doanh nghiệp sẵn lòng tiếp nhận người lao động vào thực tập, học nghề và làm việc như Công ty Yaly, Khách sạn Hội An, Công ty CP Thắng Lợi. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí học nghề ban đầu cho người lao động (300 nghìn đồng vào tháng thứ 2), gần đây, Công ty Yaly còn hỗ trợ xe đạp làm phương tiện đi lại cho một số lao động có hoàn cảnh khó khăn…
Hiệu quả đã rõ, tuy nhiên, theo ông Lê Viết Phúc, ý thức tự lập thân, lập nghiệp của người lao động hiện nay vẫn còn thấp. Nhiều trường hợp không gắn bó lâu dài với đơn vị sử dụng lao động. Vẫn còn một số gia đình chưa chú trọng đúng mức việc học nghề và tìm việc làm, vì vậy tạo cho con em tính ỷ lại, nghỉ việc giữa chừng. Ngoài ra, một phần do tác động khó khăn của kinh tế thị trường, việc đảm bảo các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở một số doanh nghiệp sau tuyển dụng chưa thực hiện đúng quy định, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện đề án đào tạo nghề tại địa phương.
LÊ HIỀN