Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm tỉnh Quảng Nam lần thứ IV: Nâng tầm chuyên nghiệp
Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm tỉnh Quảng Nam lần thứ IV chứng kiến sự phát triển vượt trội cả về số lượng và chất lượng thiết bị tham gia dự thi, đặc biệt là tiêu chí ứng dụng trong sản xuất.
Các thiết bị tham gia hội thi thiết bị dạy nghề tự làm đa dạng và chuyên nghiệp hơn. Ảnh: D.L |
Phong phú
Cứ 3 năm, hội thi thiết bị dạy nghề tự làm mới được tổ chức một lần. Trong lần này, sự đầu tư của các tác giả, các trường tham gia dự thi đều hết sức kỹ lưỡng, công phu. Nhiều cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã triển khai tổ chức hội thi cấp cơ sở, tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp nhằm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học nghề tại đơn vị mình.
Ông Võ Duy Thông - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Trưởng ban Tổ chức hội thi, cho biết: “Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm là hoạt động định kỳ nhằm mục đích khai thác tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong việc tự làm thiết bị dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Đây cũng là cơ hội để các đoàn có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về sáng chế, cải tiến thiết bị dạy nghề”. Ngoài ra, thông qua hội thi, các cơ quan chức năng, trường, trung tâm dạy nghề có thêm điều kiện để đánh giá sát đúng về thực trạng thiết bị dạy nghề tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh. Từ đó, có những giải pháp đầu tư trang thiết bị một cách phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của công nghệ sản xuất hiện đại và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
Ông Huỳnh Văn Tùng - Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH), Chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhận định: “Nâng cao chất lượng luôn là mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững của toàn ngành cũng như mỗi cơ sở dạy nghề nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế. Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng dạy nghề chính là đội ngũ giáo viên và thiết bị dạy học. Vì vậy, hội thi thiết bị dạy nghề tự làm, hội giảng giáo viên dạy nghề từ cấp cơ sở đến toàn quốc là những hoạt động luôn được khuyến khích, biểu dương và cần phải duy trì thường xuyên”. |
Hội thi thu hút 15 đơn vị tham gia với 45 thiết bị dự thi, tăng 8 đơn vị và 14 thiết bị dự thi so với hội thi lần thứ III. Trong đó, một số trường có số thiết bị dự thi nhiều như trường Cao đẳng Nghề Chu Lai - Trường Hải (6 thiết bị), trường Cao đẳng Điện lực miền Trung (6 thiết bị), trường Cao đẳng Nghề tỉnh (5 thiết bị), Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam và Nam Quảng Nam mỗi trường 5 thiết bị... Về cơ cấu nhóm nghề của các thiết bị dự thi cũng rất đa dạng, có 19 thiết bị thuộc nhóm nghề điện - điện tử - viễn thông; 4 thiết bị thuộc nhóm nghề sản xuất và chế biến; 14 thiết bị thuộc nhóm nghề công nghệ kỹ thuật cơ khí; 3 thiết bị thuộc nhóm nghề kiến trúc và công trình xây dựng; 3 thiết bị thuộc nhóm nghề mỹ thuật ứng dụng; 1 thiết bị thuộc nhóm nghề công nghệ thông tin; 1 thiết bị thuộc nhóm nghề khách sạn nhà hàng.
Thông qua các sản phẩm, dễ dàng nhận thấy điểm chung là hầu hết những thầy cô giáo - tác giả của các thiết bị ngày càng chuyên nghiệp hơn, sáng tạo hơn trong nghiên cứu, thiết kế những thiết bị không chỉ phục vụ tốt cho việc dạy và học, mà còn có thể ứng dụng sản xuất đại trà, cung cấp cho thị trường khi có điều kiện.
Sáng tạo và chuyên nghiệp
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, các thiết bị dạy nghề tự làm tham gia hội thi lần này đã nâng cao tính chuyên nghiệp, sáng tạo, chất lượng đồng đều. Các tác giả, nhóm tác giả có sự đầu tư lớn về trí tuệ trong việc sáng chế, cải tiến thiết bị dạy nghề, đáp ứng các tiêu chí cơ bản gồm tính sư phạm, tính khoa học kỹ thuật và sáng tạo, tính ứng dụng. Về tính sư phạm, có thể kể đến những thiết bị như Bộ thực hành PLC S7-1200, Tủ thực tập lắp đặt điện công nghiệp của nhóm tác giả trường Cao đẳng Điện lực miền Trung; Mô hình điều hòa không khí Water Chiller của tác giả Trương Văn Vinh (trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam)...
Hầu hết các thiết bị được chế tạo, cải tiến dựa trên ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ, phù hợp với sự phát triển của bộ môn, của ngành đào tạo, đảm bảo được các nguyên lý về an toàn lao động, không gây ô nhiễm, ít hao tốn nguyên liệu. Thiết bị dự thi thể hiện tiêu biểu cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ và có tính sáng tạo cao đó là thiết bị Bộ thực hành PLC S7-1200; Mô hình phay rãnh xoắn, bánh răng xoắn của nhóm tác giả trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam. Thiết bị tiêu biểu cho khả năng nâng cấp, mở rộng ứng dụng theo yêu cầu phát triển của chương trình đào tạo là Mô hình ứng dụng vi điều khiển trong điều khiển vị trí xy lanh khí nén của tác giả Lê Thị Thùy Trâm (trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam)...
Với độ bền cao, giá thành phù hợp, có khả năng thay thế được thiết bị ngoại nhập, các sản phẩm trong hội thi đã tạo được dấu ấn tốt. Nhiều thiết bị có thể được sử dụng trong giảng dạy cũng như mở rộng phục vụ cho thực tiễn sản xuất và nhu cầu sử dụng của xã hội. Có thể kể đến như Bộ thí nghiệm Rơle kỹ thuật số của nhóm tác giả trường Cao đẳng Điện lực miền Trung; Bộ thực hành động cơ phun xăng đa điểm đánh lửa trực tiếp của tác giả Nguyễn Hoàng Nguyên (trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam)...
HOÀNG LINH