Độc đáo nghề đóng thuyền đua
Ở xã Tam Hòa (huyện Núi Thành) có một cơ sở làm nghề truyền thống độc đáo đang ăn nên làm ra, đó là nghề đóng thuyền đua. Cơ sở này do ông Phạm Viết Ngôn (thôn Đông Thạnh Tây) làm chủ.
Đua thuyền trên sông.Ảnh: VĂN PHIN |
Đua thuyền từ lâu đã trở thành môn thể thao truyền thống của người dân vùng sông nước nói chung, Núi Thành nói riêng. Mỗi dịp hội hè, lễ cúng tế thần linh, các địa phương ven sông thường tổ chức đua thuyền với sự tham gia của 5 - 7 đội thuyền đua đến từ các nơi trên địa bàn huyện. Mỗi cuộc đua thuyền luôn thu hút hàng nghìn người đến xem và cổ vũ. Do đó, đua thuyền là môn thể thao không thể thiếu của người dân vùng sông nước này. Để giành được giải trong những cuộc đua tài quyết liệt trên sông, ngoài lực lượng vận động viên dẻo dai sức lực, mưu trí trong chèo lái, còn cần một yếu tố quan trọng: chiếc thuyền đua “đạt chuẩn”, nhẹ nhàng và mang “linh hồn” của riêng nó. Cũng vậy mà chiếc thuyền đua được người dân “tôn trọng”, thường đem úp gởi nơi đền thờ thần thánh hoặc những nơi trang nghiêm. Tâm thức người dân như vậy nên họ quan niệm thợ đóng thuyền đua ngoài tay nghề tinh xảo phải là người“mát tay”, “nhẹ vía”. Và ông Phạm Viết Ngôn là một thợ đóng thuyền đua đạt yêu cầu như thế.
Ông Phạm Viết Ngôn (47 tuổi) kế nghiệp nghề đóng thuyền đua của cha là ông Phạm Gặp hơn chục năm nay. Ông nói: “Đóng thuyền đua là một nghề khó, chỉ cần sơ sót một chút là ảnh hưởng đến tốc độ đi của thuyền. Trước đây tôi đóng thuyền đua toàn bằng gỗ, mấy năm gần đây đóng be thuyền bằng gỗ kiền kiền nhưng mê thuyền (tức lòng thuyền) được làm bằng nhôm cho nhẹ. Khó nhất là uốn mê nhôm sao cho chuẩn”.
Ông Phạm Viết Ngôn chuẩn bị cho công đoạn khó nhất: uốn nhôm làm mê thuyền. |
Cơ sở của ông Ngôn có 3 thợ lành nghề, riêng từ sau tết đến nay, đã hạ thủy 4 chiếc thuyền đua mê nhôm. Mấy năm trước, cơ sở chỉ đóng thuyền đua gỗ có chiều dài không quá 10m thì nay đóng thuyền đua mê nhôm với 2 kích cỡ. Một loại có chiều dài 15,5m, rộng 1,2m - thuyền đua dành cho 25 vận động viên. Loại này cơ sở ông Ngôn đóng trong thời gian 2 tháng với giá thành 100 triệu đồng. Còn loại thuyền đua mê nhôm nhỏ hơn, dài 12,5m, rộng 1,2m - dành cho 12 vận động viên - có giá thành 70 triệu đồng, Cụ Nguyễn Đình Giám (70 tuổi, cùng thôn với ông Ngôn) cho biết: “Nghề đóng thuyền đua của ông Ngôn là nghề cha truyền con nối. Làm nghề này là cả một nghệ thuật. Đặc biệt, thuyền đua do ông Ngôn đóng thường giành giải cao nên được nhiều địa phương đến đặt hàng”.
Hoàn thành sản phẩm thuyền đua. |
Quả vậy, thuyền đua “ra lò” từ cơ sở ông Phạm Viết Ngôn thường đoạt giải cao trong các cuộc đua trên địa bàn tỉnh. Riêng từ đầu năm đến nay, các thuyền đua do ông Ngôn đóng đã giành được 16 giải nhất tại các cuộc đua thuyền lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh. Đóng thuyền đua đảm bảo tiêu chuẩn, thi đấu thường đoạt giải cao, nên ngoài khách hàng trong huyện, cơ sở ông Ngôn còn được nhiều khách hàng ở Duy Xuyên, Thăng Bình, Đại Lộc... đến đặt hàng.
Những năm gần đây, khi cuộc sống người dân vùng sông nước ngày càng khấm khá, nhiều lễ hội được tổ chức mỗi năm. Theo đó, những cuộc đua thuyền truyền thống cũng được tổ chức liên tục và nghề đóng thuyền đua của ông Phạm Viết Ngôn cũng theo đó mà phát triển. Chuyện trò với chúng tôi, ông Ngôn bày tỏ tâm tư: “Nếu có điều kiện, tôi sẽ mở rộng cơ sở đóng thuyền đua và sẽ cố gắng truyền kinh nghiệm cho lớp trẻ để nghề truyền thống của gia đình sau này không bị mai một”.
VĂN PHIN