Xuất khẩu lao động tìm “lối ra”

DIỄM LỆ 13/04/2013 09:03

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Quảng Nam đang đối diện nhiều khó khăn, nhất là mối băn khoăn về  mục tiêu đưa 400 lao động (LĐ) đi xuất khẩu trong năm 2013 liệu có đạt được. Một cuộc gặp giữa 3 bên (cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp) vừa tổ chức cuối tuần qua đã cùng tìm kiếm giải pháp mới…

Khó chồng lên khó

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ông Võ Duy Thông đã thẳng thắn nhìn nhận công tác XKLĐ của Quảng Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 120 LĐ đi xuất khẩu sang các nước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra. Vì vậy, cơ quan quản lý đặt mục tiêu vực dậy công tác XKLĐ như “đỉnh cao” của các năm 2009-2010.

Công tác XKLĐ của Quảng Nam đang cần giải pháp đột phá để cải thiện tình hình.Ảnh: D.LỆ
Công tác XKLĐ của Quảng Nam đang cần giải pháp đột phá để cải thiện tình hình.Ảnh: D.LỆ

Thời điểm ấy, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh tỏ ra ngạc nhiên với cụm từ “XKLĐ”, nhưng chẳng bao lâu sau họ đã đi được sang tận Malaysia lao động, dành dụm được nhiều tiền gửi về quê. Lần đầu tiên, những người con của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao được ra nước ngoài, chưa biết làm việc với máy móc ra sao thì lại làm quen với tác phong công nghiệp. “Khí thế” ấy giờ không còn nữa, và thật khó để đồng bào thiểu số tự nguyện đăng ký đi XKLĐ như thuở ban đầu. Vì sao như vậy?

Tại hội thảo vừa tổ chức, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Việc làm, an toàn LĐ (Sở LĐ-TB&XH) đã phân tích một số hạn chế, tồn tại trong công tác XKLĐ. Theo bà Hương, một số địa phương chưa quan tâm đến XKLĐ, Ban chỉ đạo XKLĐ cũng chưa tích cực, hoạt động chưa hiệu quả. Từ đó, việc tuyên truyền XKLĐ chưa sâu rộng, người dân còn thiếu thông tin chính thống. “Bản thân người LĐ thì trình độ tay nghề hạn chế, ngoại ngữ yếu, kỹ năng nghề nghiệp hạn chế, thiếu ý thức kỷ luật, còn ngại khó ngại khổ hoặc tài chính gia đình không đáp ứng khi đến những thị trường thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc” – bà Hương nói thêm.

Tại Bình Minh (Thăng Bình), nhiều gia đình khá lên khi có người thân đi XKLĐ.
Tại Bình Minh (Thăng Bình), nhiều gia đình khá lên khi có người thân đi XKLĐ.
“Người của cơ quan quản lý hoặc doanh nghiệp không đủ thì phải xây dựng tốt đội ngũ cộng tác viên, có cơ chế hợp đồng trách nhiệm và hỗ trợ kinh phí cho cộng tác viên thực hiện”
(Ông LÊ TÔN TƯỞNG,
Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Nam)

Trong khi đó, những công ty tham gia phối hợp thực hiện XKLĐ thì có trụ sở ở tận TP.Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội, nên người LĐ Quảng Nam ít có cơ hội tiếp cận để được tư vấn, tuyển dụng thường xuyên. Gần đây, LĐ của tỉnh có xu hướng đi sang Hàn Quốc nhiều, nhưng thị trường này lại đang tạm ngưng tiếp nhận LĐ Việt Nam chỉ vì một số người bỏ trốn, ở lại bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến nhiều người khác. Tính đến cuối tháng 2.2013, có hơn 100 LĐ Quảng Nam đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Chưa kể, thị trường một số nước khác gặp khó khăn hoặc đang trên đà phục hồi nên nhu cầu LĐ không cao. Ngược lại, ở những thị trường nước ngoài cần LĐ thì thu nhập lại không cao hơn bao nhiêu so với thị trường trong nước, càng khiến người LĐ thiếu “mặn mà” với việc XKLĐ.

Phối hợp chặt

“Bản thân người LĐ thì trình độ tay nghề hạn chế, ngoại ngữ yếu, kỹ năng nghề nghiệp hạn chế, thiếu ý thức kỷ luật, còn ngại khó ngại khổ hoặc tài chính gia đình không đáp ứng khi đến những thị trường thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc”
(Bà NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG,
Trưởng phòng Việc làm, an toàn LĐ, Sở LĐ-TB&XH)

Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp được xác định là mắt xích quan trọng giúp vực dậy phong trào XKLĐ. Chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong khâu vận động, tuyên truyền về chủ trương, chính sách này đến đông đảo nhân dân. Địa phương phối hợp với doanh nghiệp quản lý người LĐ của mình, theo dõi và vận động gia đình kêu gọi con em họ về nước đúng thời hạn sau khi hết hợp đồng làm việc ở nước ngoài. Kinh nghiệm ở xã Bình Minh (huyện Thăng Bình) cho thấy, hằng năm xã tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu, nắm bắt tâm tư của người LĐ, tay nghề của LĐ phù hợp với công việc gì, ở thị trường nào. Sau đó phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền về XKLĐ, vận động nhân dân cùng tham gia. Ông Trần Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: “Bình Minh có gần 100 LĐ đang làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản, trong năm 2013 đã có thêm 27 LĐ nộp hồ sơ chờ đi Hàn Quốc. XKLĐ đã mang lại nguồn thu nhập rất cao cho LĐ của xã, bình quân từ 200 - 400 triệu đồng/LĐ/ năm. Các gia đình có con em đi XKLĐ đều giàu lên, nhiều người khác thấy vậy cũng hăng hái đăng ký tham gia XKLĐ”.

Dạy nghề gắn với tạo việc làm cho LĐ nông thôn, người nghèo
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hoạt động điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu và thị trường LĐ trong giai đoạn 2006-2011 cho thấy định kỳ hằng năm các địa phương đều tổ chức điều tra LĐ - việc làm. Qua điều tra đã thu thập thông tin về nhu cầu lao động của 69.218 hộ dân sinh sống ở 9 huyện miền núi. Hoạt động nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác LĐ - việc làm với kết quả đạt được từ nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ giải quyết việc làm ở cấp huyện, xã và các doanh nghiệp. Qua đó đã kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện ở cơ sở.
Đặc biệt, trong nhiệm vụ kế hoạch năm 2013, UBND tỉnh xác định đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho LĐ nông thôn, người nghèo, LĐ vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cụ thể, Quảng Nam đặt chỉ tiêu phấn đấu đưa khoảng 400 lao động đi làm việc ở nước ngoài.(P.V)

Ông Lê Tôn Tưởng, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Nam đề xuất: “Công tác tuyên truyền cần được thực hiện mạnh hơn, bám địa bàn thường xuyên và liên tục. Người của cơ quan quản lý hoặc doanh nghiệp không đủ thì phải xây dựng tốt đội ngũ cộng tác viên, có cơ chế hợp đồng trách nhiệm và hỗ trợ kinh phí cho cộng tác viên thực hiện. Ở địa bàn miền núi nên tư vấn những thị trường không cần tay nghề, dễ đi; ở đồng bằng thì tư vấn thị trường cho thu nhập cao nhưng đòi hỏi về tay nghề, ngoại ngữ, chi phí đi”.

Hỗ trợ vay vốn cho người tham gia XKLĐ
Về kết quả hỗ trợ người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, thông qua Trung tâm Giới thiệu việc làm, giai đoạn 2006-2011 Quảng Nam đã tư vấn, giới thiệu và hỗ trợ 1.347 LĐ đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Qatar... Thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có 668 LĐ tham gia XKLĐ tại Malaysia. Từ năm 2006 đến  năm 2011, có 1.704 LĐ tham gia XKLĐ được hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ việc làm tỉnh và Quỹ quốc gia về việc làm, với tổng vốn cho vay hơn 35,8 tỷ đồng. Khu vực miền núi có 825 LĐ tham gia XKLĐ, trong đó 751 LĐ được vay vốn với tổng nguồn vốn gần 17 tỷ đồng.
Những năm qua, dự án hỗ trợ người LĐ đi làm việc ở nước ngoài đã tác động trực tiếp và tích cực đến bản thân người LĐ và gia đình họ. Dự án đã hỗ trợ bước đầu để người LĐ yên tâm đi làm việc ở nước ngoài, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của bản thân và gia đình.
(NGUỒN:Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện các chương trình,
chính sách dự án trên địa bàn miền núi Quảng Nam,
giai đoạn 2006-2011).

Năm nay, XKLĐ là chỉ tiêu được giao cho các địa phương thực hiện, cũng là một cách nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của địa phương. Công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ, kỹ năng cho người LĐ cũng là một giải pháp được các đại biểu tham gia hội thảo quan tâm. Bởi đây chính là những yếu tố then chốt để quyết định xem người LĐ có được XKLĐ hay không. Trước mắt, nhiều doanh nghiệp đã cam kết phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tư vấn, tuyển LĐ đi làm việc ở nước ngoài.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ