Hiểu và sẻ chia

LÊ DIỄM 06/03/2013 08:34

Thời buổi kinh tế khó khăn, tổ chức CĐ đã tích cực chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.

Tặng quà công nhân lao động nghèo nhân Tháng Công nhân. Ảnh: D.LỆ
Tặng quà công nhân lao động nghèo nhân Tháng Công nhân. Ảnh: D.LỆ

Cầu nối

Khó khăn chung của nền kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất đạt hiệu quả thấp, từ đó tác động đến NLĐ, đặc biệt là các quyền lợi liên quan thiết thực đến đời sống như tiền lương, chế độ phúc lợi... Chính vì thế, thời gian gần đây đã xảy ra những cuộc lãn công, đình công tự phát của NLĐ từ các mâu thuẫn lợi ích với doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự can thiệp kịp thời của các ngành chức năng, trong đó có tổ chức CĐ đã làm cầu nối quan trọng giúp chủ doanh nghiệp và NLĐ hiểu nhau, giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Theo thống kê, trong 5 năm qua, trên toàn tỉnh xảy ra 23 vụ lãn công, đình công tự phát và đều được các ngành chức năng kịp thời vào cuộc, giải quyết ổn thỏa, không để ảnh hưởng đến tình hình an ninh - trật tự tại nơi xảy ra vụ việc. Ông Trương Văn Hòa - Trưởng ban Chính sách, pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ)tỉnh cho biết: “Mâu thuẫn nảy sinh giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ chủ yếu liên quan đến quyền lợi vật chất như tiền lương, chế độ phúc lợi, ngày giờ làm việc... Vấn đề nảy sinh thường là do hai bên không hiểu nhau, không hiểu pháp luật, không tìm được tiếng nói chung, bên nào cũng khăng khăng bảo vệ quyền lợi của mình mà không có sự sẻ chia cùng nhau”. Là thành viên Tổ giải quyết đình công, lãn công của tỉnh, LĐLĐ tỉnh luôn thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình khi xảy ra sự việc. Cán bộ CĐ đã trực tiếp đối thoại, giải thích cho chủ sử dụng lao động và NLĐ nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động theo đúng pháp luật. Qua giải thích của cán bộ CĐ, bên nào có sai thì điều chỉnh, và hai bên cùng hiểu rằng, trong thời điểm khó khăn phải cùng nhau tháo gỡ, mỗi bên sẻ chia với nhau một ít thì sự việc sẽ ổn thỏa.

Năm năm qua, tổ chức CĐ các cấp đã tích cực vận động từ nhiều nguồn để hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nhà mái ấm công đoàn cho 256 trường hợp, với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng. Mỗi năm, tổ chức CĐ các cấp cũng đã kịp thời hỗ trợ 150 - 200 suất quà cho công nhân lao động nghèo, gặp khó khăn đột xuất, giúp họ ổn định cuộc sống. Nhiều đêm văn nghệ “Nghe công nhân hát và hát cho công nhân nghe” được tổ chức nhân Tháng Công nhân hàng năm đã làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần cho NLĐ.

Trong thực tế, ở phần lớn những công ty có đình công, lãn công, sau khi vụ việc được giải quyết, mối quan hệ lao động được cải thiện rõ rệt. Chẳng hạn như ở Công ty Giày Rieker, Công ty Thiết bị vòi sen Inax (Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, Điện Bàn), Công ty TNHH CCI (Khu Kinh tế mở Chu Lai, Núi Thành)..., sau khi vụ việc được giải quyết, chủ doanh nghiệp và NLĐ đã hiểu nhau hơn, có thắc mắc gì thì thẳng thắn đưa ra để cùng giải quyết, từ đó không còn xảy ra đình công, lãn công. Bên cạnh đó, tổ chức CĐ các cấp và tại cơ sở đã phối hợp với chủ sử dụng lao động thực hiện tốt các chính sách đối với NLĐ theo đúng pháp luật và có thêm nhiều chế độ ưu đãi khác. Từ đó, NLĐ yên tâm làm việc, cống hiến cho công ty, giúp cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp cũng là tăng thêm thu nhập cho NLĐ.

Chăm lo đời sống NLĐ

Là tổ chức gần gũi, hiểu đời sống của NLĐ, CĐ ở cơ sở đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện những chế độ phúc lợi phù hợp, giúp NLĐ có được những lợi ích chính đáng. Ông Nguyễn Văn Cúc - Giám đốc Công ty May Hòa Thọ Phú Ninh cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng, tổ chức CĐ ở cơ sở có vai trò rất quan trọng. CĐ bảo vệ quyền lợi của NLĐ cũng chính là vì lợi ích của doanh nghiệp. Chính vì thế, ngay sau khi thành lập công ty, chúng tôi đã phối hợp với LĐLĐ tỉnh thành lập tổ chức CĐ tại đơn vị. Chúng tôi hy vọng tổ chức CĐ cơ sở sẽ giúp ban giám đốc hiểu và chăm lo tốt cho NLĐ, có như thế công nhân mới làm việc một cách tốt nhất”.

Thông qua các tổ chức CĐ ở cơ sở, LĐLĐ tỉnh nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của NLĐ và những khó khăn họ gặp phải trong cuộc sống như đau ốm, hoàn cảnh khó khăn, nhà ở tạm bợ... để có hướng giải quyết, sẻ chia. Ông Hòa cho biết thêm, qua những buổi tuyên truyền pháp luật lao động, Luật CĐ tại doanh nghiệp, cán bộ CĐ trực tiếp kêu gọi chủ doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với NLĐ bằng những hành động thiết thực như cố gắng có nguồn hàng ổn định cho công nhân có việc làm, tăng lương theo đúng quy định, đảm bảo các chế độ phúc lợi của NLĐ. Đồng thời, cán bộ CĐ cũng động viên NLĐ chung vai gánh vác với chủ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn. NLĐ có thể sẻ chia bằng cách tăng năng suất lao động, phát huy những sáng kiến, cách làm hay, thực hiện tiết kiệm chi phí đầu vào của sản phẩm. Làm được những điều này, NLĐ đã góp phần lớn giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm nhanh hơn, từ đó mang về nguồn thu, hoàn thành được kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp, đảm bảo đời sống cho chính mình. Sự tương tác qua lại này chính là yếu tố mấu chốt giúp hai bên có thể hiểu nhau, xích lại gần nhau và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ hơn.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM