Khởi nghiệp - động lực phát triển của thanh niên
Không còn là một phong trào, ngày nay khởi nghiệp, lập nghiệp đã trở thành động lực để thanh niên phấn đấu, thay đổi tư duy, tích cực nghiên cứu, hợp tác và từng bước thành công trên con đường khởi nghiệp.
Thay đổi tư duy
Từ năm 2017, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp bắt đầu có bước phát triển mới và lan tỏa rộng trong các tầng lớp thanh niên. Song, thời điểm này, tư duy khởi nghiệp của phần lớn thanh niên chưa có nhiều bứt phá, chủ yếu mô hình vườn - ao - chuồng và khai thác điều kiện sẵn có từ gia đình.
Một vài tổ hợp tác trong thanh niên được hình thành nhưng thiếu kiến thức, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh, quản trị, dẫn đến khởi nghiệp không hiệu quả và tan rã.
Giai đoạn 2017 - 2022 có 141 ý tưởng trong thanh niên tham gia Cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh tổ chức.
Qua các lần thi, 29 dự án, ý tưởng được UBND tỉnh công nhận là ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh. Đáng chú ý, Tỉnh đoàn phối hợp với đơn vị liên quan hỗ trợ vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng kinh phí hơn 729,8 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2021).
Một cán bộ đoàn tâm sự, những năm 2017 - 2020, các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị khác rất nhiều, dễ tiếp cận. Nhưng thực tế, phần lớn mô hình kinh tế của thanh niên lại không tạo niềm tin với người thẩm định cho vay.
Từ năm 2020, những kiến thức khởi nghiệp, lập nghiệp ngày càng phổ biến, nhiều thanh niên được gặp gỡ các chuyên gia, nhà tư vấn và sự hỗ trợ của chính quyền các cấp. Nhờ đó, thanh niên được tiếp cận và trang bị nhiều hơn kiến thức, kỹ năng trên con đường khởi nghiệp.
Đáng chú ý, từ sau đại dịch COVID-19, bên cạnh các mô hình có chỗ đứng, vững vàng vượt qua khủng hoảng, thì thanh niên bắt đầu thay đổi tư duy và hiểu đúng về khởi nghiệp. Từ đây, nhiều mô hình khởi nghiệp trong thanh niên bắt đầu hình thành và hoạt động hiệu quả.
Đơn cử, tại xã Duy Vinh (Duy Xuyên), anh Võ Văn Thạnh vì thất nghiệp sau đại dịch đã quyết tâm khởi nghiệp trên đất quê với mô hình trồng hoa súng cao cấp trong vườn nhà.
Anh Thạnh tâm sự, đất Duy Vinh thường xuyên chịu ảnh hưởng bão lụt, chỉ có hoa súng mới đủ sức chống chịu. Và loài hoa này ngày nay không còn kén người chơi mà đã trở nên phổ biến. Cây trồng được cả năm, ra hoa liên tục, màu sắc đẹp nên được nhiều người ưa chuộng.
“Với tôi, trồng hoa trước đây chỉ dừng lại ở việc thích hoặc chơi kiểng chứ chưa bao giờ nghĩ đến sẽ trồng được loại cây gì với chỉ 1.000m2 đất mà thu nhập cao cả. Thời gian mất việc làm, tôi tìm hiểu kiến thức trồng trọt, kinh doanh online và học hỏi những người khởi nghiệp thành công qua mạng.
Qua đó, giúp tôi vững bước trên con đường khởi nghiệp từ nông nghiệp. Sau bước thử nghiệm với các loại hoa súng phổ thông, tôi đang thành công khi thuần phục, lai tạo các loại hoa súng quý hiếm, đắt đỏ của Thái Lan, Úc” - anh Thạnh nói.
Đồng hành cùng thanh niên
Chị Đỗ Thị Kim Bằng - Phó Bí thư Huyện đoàn Duy Xuyên cho rằng, sau đại dịch COVID-19 đánh dấu sự ra đời, phát triển của nhiều mô hình khởi nghiệp phù hợp nhu cầu thị trường và gắn với phát triển du lịch. Nhờ đó, thanh niên thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất và tạo việc làm cho nhiều thanh niên khác tại địa phương.
Cạnh đó, thanh niên bắt đầu mở rộng liên kết, hợp tác, giao lưu. “Sân chơi” từ những hội, nhóm khởi nghiệp đã giúp thanh niên nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Hiện Duy Xuyên có 17 thanh niên làm kinh tế giỏi; 14 tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên duy trì hoạt động hiệu quả và có 3 sản phẩm OCOP thanh niên. Con số này có phần khiêm tốn trong giai đoạn 5 năm (2017 - 2022), song cũng là thước đo chính xác cho tinh thần muốn khởi nghiệp, khẳng định khát vọng vươn lên và dám nghĩ, dám làm trong thanh niên” - chị Bằng chia sẻ.
Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp trong giai đoạn mới, Huyện đoàn Duy Xuyên đang triển khai chương trình “Hành trình chuyến xe khởi nghiệp online” để giới thiệu, quảng bá rộng rãi các mô hình thanh niên khởi nghiệp, nhìn lại hành trình vượt khó đi lên. Ngoài ra, sẽ xây dựng mô hình vốn vay quay vòng, vận hành quỹ hỗ trợ khởi nghiệp để trợ sức cho những thanh niên có điều kiện khởi nghiệp.
Theo thống kê của Tỉnh đoàn, hiện nay tất cả xã trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình câu lạc bộ (CLB) thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp; trong đó, 70% mô hình duy trì hoạt động hiệu quả. Tỉnh đoàn phối hợp với Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh thành lập 1 CLB khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh và 13 CLB khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện...
Anh Hoàng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết, thời gian tới Tỉnh đoàn sẽ vận động thành lập hội doanh nhân trẻ tỉnh (trực thuộc Hội LHTN Việt Nam tỉnh) để kết nối, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhất là tham mưu thành lập quỹ khởi nghiệp, duy trì hiệu quả các cuộc thi khởi nghiệp và vận động các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình điểm về khởi nghiệp trong thanh niên...