Nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên

MỸ LINH 25/07/2022 16:04

(QNO) - Mềm hóa những quy định pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, đổi mới cách thức tuyên truyền giúp thanh thiếu niên dễ nắm bắt, tiếp thu... là những cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật.

Phiên tòa giả định tuyên truyền về phòng chống ma túy trong thanh thiếu nhi được tổ chức tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Ảnh: M.L
Phiên tòa giả định tuyên truyền về phòng chống ma túy trong thanh thiếu nhi được tổ chức tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Ảnh: M.L

Vừa qua, tại phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), đoàn viên thanh niên của phường và sinh viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (phân hiệu Quảng Nam) tham gia phiên tòa giả định với chủ đề “Tội phạm ma túy trong thanh thiếu niên và ma túy học đường” do Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Liên Chi đoàn Tòa án - Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp Công an thị xã Điện Bàn tổ chức.

Phiên tòa tái hiện vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Cụ thể, 2 sinh viên chung nhau 250 nghìn đồng/người mua ma túy về phòng trọ, rủ rê thêm bạn sử dụng thì bị công an bắt giữ. Tại phiên sơ thẩm, các bị cáo bị xét xử tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo điểm b khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự. 

Đoàn viên thanh niên giao lưu, trả lời câu hỏi tìm hiểu pháp luật. Ảnh: M.L
Đoàn viên thanh niên giao lưu, trả lời câu hỏi tìm hiểu pháp luật. Ảnh: M.L

Nguyễn Thị Hoàng Linh, đoàn viên phường Điện Ngọc cho biết, các tình tiết trong phiên tòa rất lôi cuốn, vai diễn được thể hiện chân thực, sinh động. Đáng chú ý là phát biểu luận tội của đại diện viện kiểm sát, ý kiến của hội đồng xét xử đã giúp các bạn trẻ tham gia phiên tòa nhận thức rõ hành vi sai phạm và mức án phải nhận đối với lỗi lầm gây ra.

Sau phiên tòa, đoàn viên thanh niên, sinh viên được trang bị thêm kiến thức qua phần tuyên truyền, giao lưu liên quan đến vụ án và các hành vi vi phạm pháp luật do báo cáo viên Công an Điện Bàn thực hiện. Đây là cách làm hiệu quả giúp nâng cao ý thức người trẻ thượng tôn pháp luật, nhận diện hành vi vi phạm pháp luật.

Anh Huỳnh Minh Ngôn - Bí thư Chi đoàn Tòa án tỉnh cho biết, thanh thiếu niên là nhóm tham gia nhiều hoạt động có thể dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên, đôi khi phạm tội do chưa nhận thức hết quy định pháp luật, khi thực hiện hành vi không nghĩ là mình đang phạm tội. Vì thế, thay vì tuyên truyền theo cách truyền thống, những phiên tòa giả định với người thật, việc thật, sự nghiêm minh của pháp luật sẽ được thể hiện rõ. Qua đó giúp các bạn trẻ tự ý thức trách nhiệm của mình và có hành vi phù hợp.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, từ ngày 1.1 - 30.6.2022, Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý và giải quyết 17 vụ án hình sự sơ thẩm có bị cáo là người dưới 18 tuổi. Trong đó, các vụ án liên quan đến giết người, phạm tội cố ý gây thương tích, cướp giật, trộm cắp tài sản... Đến nay đã xét xử 14 vụ với 20 bị cáo, trả hồ sơ viện kiểm sát 1 vụ. 
Tội phạm trong thanh thiếu niên có xu hướng trẻ hóa. Ảnh: Công an cung cấp
Tội phạm trong thanh thiếu niên có xu hướng trẻ hóa. Ảnh: Công an cung cấp

Từ đầu năm đến nay, Chi đoàn Tòa án tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức 2 phiên tòa giả định với hơn 500 đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp thực hiện thêm nhiều phiên tòa giả định liên quan đến các hành vi phạm tội do thanh thiếu niên gây ra để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, hình thành chuẩn mực cư xử văn minh, góp phần giảm thiểu số lượng tội phạm trong thanh thiếu niên” - anh Ngôn nói.

Một phiên tòa giả định tổ chức tại Trường Cao đẳng Quảng Nam. Ảnh: M.L
Một phiên tòa giả định tổ chức tại Trường Cao đẳng Quảng Nam. Ảnh: M.L

Trung tá Phan Thanh Hồng - Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ Công an thị xã Điện Bàn, báo cáo viên pháp luật thị xã cho biết, tội phạm trong thanh thiếu niên có xu hướng trẻ hóa, trong đó chủ yếu ở các hành vi tổ chức sử dụng ma túy, giết người, trộm cắp tài sản, vi phạm an toàn giao thông, tụ tập gây rối trật tự công cộng... 

Theo Trung tá Hồng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gia đình thiếu trách nhiệm trong giáo dục con cái, nuông chiều quá mức, ít quan tâm, chia sẻ. Cạnh đó, internet, mạng xã hội phát triển, thanh thiếu niên dễ tiếp xúc các game, phim ảnh có xu hướng bạo lực. Nhiều bạn trẻ chưa ý thức được tác hại, hậu quả gây ra, thực hiện hành vi theo xu hướng đám đông, thích thể hiện bản thân, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực nên dễ vi phạm pháp luật.

“Lực lượng công an, đoàn thanh niên thường xuyên thay đổi cách thức tuyên truyền, sát thực tế, có tính răn đe, lấy nhân chứng cụ thể để tuyên truyền nhưng quan trọng nhất vẫn là gia đình, cha mẹ phải có trách nhiệm hơn với con cái, định hướng các em có lối sống nhân văn, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội” - Trung tá Hồng nói.

MỸ LINH