Tết xa nhà, vẫn là tết!

TRỊNH LÊ KHA (Sinh viên Quảng tại Đài Loan) 31/01/2022 06:38

(Xuân Nhâm Dần) - Những ánh nắng đỏ rực chiều muộn, gió đông rít từng cơn qua ô cửa sổ và chuỗi ngày mưa phùn lạnh đến buốt sống lưng của vùng đất Dương Minh Sơn (Đài Loan) đã quay trở lại, là dấu hiệu một năm đã trôi qua. 

Sinh viên Việt Nam cùng nhau đón giao thừa.Ảnh: LÊ KHA
Sinh viên Việt Nam cùng nhau đón giao thừa.Ảnh: LÊ KHA

Tôi và những người bạn của mình như con thiêu thân ôm giấc mơ tìm cách lao vào ánh sáng, tiếp cận một nền giáo dục rộng mở giữa sự bùng phát toàn cầu của dịch bệnh. Cuối năm nơi đất khách, những thiết tha quê nhà là động lực để chúng tôi tiếp tục tiến về phía trước...

Chỉ cách 3 giờ bay, Đài Loan được các bạn Việt Nam lựa chọn là nơi học tập, trải nghiệm và trao đổi văn hóa. Tôi đã có vài cuộc trò chuyện với bạn học Việt Nam tình cờ gặp được, chung trường hoặc cùng chỗ làm về những suy nghĩ của họ khi du học ở đây.

Có vẻ ngôn ngữ, tìm kiếm hướng đi cho tương lai và khám phá, trải nghiệm sinh sống ở một bầu không khí khác lạ là điều đầu tiên mà mọi người chia sẻ. Tiếp theo sau đó là khoảng cách, chi phí học tập trong tầm với... là những yếu tố chủ yếu để trả lời cho câu hỏi tại sao bạn đến Đài Loan.

Tất cả đều mới lạ, từ đường phố, con người, không khí, cảm giác, ngôn ngữ và thậm chí là văn hóa cũng từng chút một ảnh hưởng đến chúng tôi. Đầu tiên, bạn phải làm quen với tiếng Trung.

Nếu bạn nghĩ rằng có thể dùng tiếng Anh ở vùng đất này, không phải nói là không thể, nhưng để sinh hoạt trong đời sống hằng ngày và kiếm tìm việc làm thêm quả khó khăn. Sau khoảng 2 đến 3 tháng có thể giao tiếp căn bản, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm công việc bán thời gian phù hợp.

Đi làm rồi đi học hay có khi dành hẳn một ngày để nghiên cứu về môn học và các kiến thức liên quan, chúng tôi cố gắng hết sức để có thể với tay đến mức học bổng cao hơn cũng như khẳng định sự hiện diện của bản thân. Bởi không thể để bạn bè nhìn sinh viên Việt Nam kém cỏi được chứ nhỉ?

Giới thiệu các món ăn quê nhà đến bạn bè quốc tế.
Giới thiệu các món ăn quê nhà đến bạn bè quốc tế.

Quanh quẩn cuộc sống của du học sinh có lẽ sẽ chỉ có thế, nhưng lạ lùng thay chúng tôi bắt đầu kết bạn khắp nơi và cùng nhau khám phá vùng đất này. Có người tìm cơ hội phát triển khả năng giao tiếp của mình bằng cách kết bạn với người bản xứ; có người hợp với không khí từ bạn bè quốc tế khác đến học ở đây.

Đặc biệt, chúng tôi tổ chức gặp gỡ để có thể giới thiệu văn hóa và ẩm thực Việt Nam cho bạn bè Đài Loan cũng như du học sinh khác từ nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng tôi gọi đó là “hội chợ sinh viên quốc tế”. Chúng tôi hạnh phúc khi trang phục truyền thống và những món ăn Việt được trình bày, tạo được sức hút với mọi người.

Cũng như bao sinh viên Việt Nam khác khi du học, niềm ao ước lớn nhất là được ăn tết. Thật sự chúng tôi chưa bao giờ khao khát được tận hưởng không khí tết cổ truyền đến thế. Dịch Covid-19, tết sum vầy cùng gia đình đã trở thành điều gì đó thật xa vời, nỗi nhớ quê nơi đất khách cứ thế nhân lên.

Một lần nữa, bản chất của đứa con Việt sẽ không thể đứng yên và buồn bã khi ngày lễ quan trọng nhất lại cận kề. Tết xa nhà, vẫn là tết. Với suy nghĩ ấy, mọi người chung tay lên kế hoạch đón giao thừa, cùng nhau trang trí, đặc biệt là nấu bánh chưng, bánh tét và muối dưa món để trọn vẹn hương vị quê nhà.

Phút giây quây quần nơi xứ người, vị tết tan ra đặc quánh cảm xúc, chừng như phần nào an ủi những tâm hồn Việt ấy. Hầu hết trong số chúng tôi quyết định đi học để có thể mở ra cơ hội mang giá trị cho bản thân đến khi trở về. Chúng tôi biết ơn và yêu Việt Nam hơn bao giờ hết.

Dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, chí ít sẽ thêm một năm nữa chúng tôi nhìn tết từ khoảng cách 3 giờ đồng hồ trên không trung. Người Việt xa xứ nỗ lực từng chút một, trở thành những người có giá trị cho bản thân, gia đình và Việt Nam.

TRỊNH LÊ KHA (Sinh viên Quảng tại Đài Loan)