Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch: Tuổi trẻ "lấy cái đẹp dẹp cái xấu"

VINH ANH 22/01/2021 07:04

Sáng qua 21.1 tại Công an tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và Ban Giám đốc Công an tỉnh tổ chức diễn đàn “Tuổi trẻ Quảng Nam tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng”.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: VINH ANH
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: VINH ANH

Diễn đàn là một trong những hoạt động cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW  ngày 22.10.2018 của Bộ Chính trị về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Nhận diện “cái xấu”

Đề xuất thành lập Câu lạc bộ Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ “Tuổi trẻ tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng”, Đại úy Lê Văn Thắng - Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh đề xuất Công an tỉnh phối hợp Tỉnh đoàn thành lập Câu lạc bộ Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tuổi trẻ Quảng Nam, có quy chế, cơ chế hoạt động rõ ràng; thiết lập kênh thông tin, cơ chế trao đổi thông tin trên mạng xã hội có sự quản lý của cơ quan chuyên môn...

Phát biểu đề dẫn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lê Quang Quỳnh cho biết, hiện nay ở Việt Nam thanh niên chiếm đa số trong 65 triệu người sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, các trang tin điện tử...), với thời lượng sử dụng trung bình trong một ngày là 7 giờ, cao hơn rất nhiều so với khu vực và thế giới. Việc định hướng giá trị và lựa chọn lối sống, lẽ sống của thanh niên rất dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi các yếu tố từ bên ngoài nhất là trên không gian mạng. Trong khi đó, phương thức, thủ đoạn công kích, chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, diễn biến khó lường. Chúng triệt để lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và truyền thông đa phương tiện để chống phá cách mạng Việt Nam.

Chia sẻ tại diễn đàn, PGS-TS. Hồ Tấn Sáng - nguyên Trưởng khoa Chính trị học Học viện Chính trị Khu vực 3 (Đà Nẵng) cho rằng, ngày nay còn người đang đối diện với “3N” (nhiều - nhanh - nhiễu về thông tin). Như con dao 2 lưỡi, mạng xã hội có mặt tích cực và tiêu cực của nó. Nếu biết sử dụng và khai thác đúng đắn, chúng sẽ mang lại lợi ích vô cùng lớn lao cho mọi người, các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ. Ngược lại, đó sẽ là mối hiểm họa tiềm ẩn và gây nhiều hệ lụy cho các cá nhân, tổ chức và trên bình diện lớn hơn, là ảnh hưởng nghiêm trọng đối với quốc gia.

Theo PGS-TS. Hồ Tấn Sáng, nguy cơ về an ninh mạng xã hội đã được cảnh báo, rõ nhất là với những quốc gia đang phát triển. Các nguy cơ nghiêm trọng do mạng xã hội mang lại có thể kể đến như khủng bố không gian mạng; kích động bạo lực và nổi loạn ở các quốc gia; gây căng thẳng và kích động bạo lực giữa các cộng đồng dân tộc, tôn giáo và sự lừa đảo. Việc nhận thức và hành động để có thể giải quyết hài hòa các mối quan hệ phức tạp để vừa ổn định, vừa phát triển bền vững, vẫn là bài toán lớn mà mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng dân tộc và cả nhân loại tiến bộ đang không ngừng tìm kiếm lời giải.

Lan tỏa thông tin tích cực

Trước tình hình đó, cần đề cao việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, phát huy vai trò, tính tiền phong xung kích của đông đảo thanh niên trong tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, cách mạng nước ta trên không gian mạng.

ThS. Lê Minh Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho rằng, bên cạnh công tác giáo dục, bồi đắp chính trị tư tưởng, với trình độ, khả năng của mình, tuổi trẻ cần chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Công tác nắm tình hình cần tập trung vào những vấn đề cụ thể, như phát hiện các trang web, blog, “diễn đàn” thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời. Tổ chức Đoàn kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên - thanh niên để có biện pháp giải quyết, uốn nắn những lệch lạc, sai trái, thiếu gương mẫu của đoàn viên.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, đấu tranh trên không gian mạng cũng đòi hỏi Đoàn có sự sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Anh Mai Thanh Sang - Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc cho rằng: “Trong từng nội dung, hoạt động của mình, các cấp bộ đoàn cần tìm ra những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương điển hình, các phong trào nổi bật của tuổi trẻ, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng thông qua mạng xã hội. Đó là cách để “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy thông tin tích cực, hình ảnh đẹp tiêu biểu, kịp thời khen thưởng biểu dương để đẩy lùi thông tin tiêu cực, xấu độc, sai trái, thù địch, dần dần thay đổi nhận thức cho từng đoàn viên thanh niên”.

Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh đề nghị các cấp bộ đoàn cần tiếp tục triển khai sâu rộng cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt - mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội. Vận động cán bộ, hội viên, thanh niên đăng tải, chia sẻ các tin tốt, câu chuyện đẹp trên mạng xã hội của cá nhân, tổ chức mình. Qua đó tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho tuổi trẻ hướng tới các giá trị cao đẹp, sống có ích, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

VINH ANH