Gỡ khó hoạt động Đoàn
Trải qua nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2017 - 2022), nhiều chương trình, hoạt động thiết thực hiệu quả đã được các cấp bộ đoàn triển khai thực hiện. Tuy nhiên, sự phát triển, thay đổi không ngừng của xã hội hiện đại đang đặt ra thách thức không nhỏ, đòi hỏi tổ chức đoàn phải có những giải pháp, cách làm phù hợp hơn.
Tìm cách làm phù hợp
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca cho rằng, tổ chức đoàn cần phải song song với những thay đổi của xã hội. Mặc dù bối cảnh, hoàn cảnh mỗi thời có khác nhau, nhưng không vì khó mà bó tay chịu thua. Việc quan trọng hàng đầu của đoàn là phải bồi dưỡng lòng tin, lòng yêu nước, yêu dân tộc cho đoàn viên, thanh niên. Muốn vậy, đoàn phải có sự nghiên cứu để hiểu và nắm bắt kịp thời tâm tư tình cảm của thanh niên để có giải pháp phù hợp… Đồng thời phải tích cực suy nghĩ, nghiên cứu những cách làm phù hợp, đề ra các phong trào thiết thực. Phải biết chọn việc để làm, khi làm thì cần bu bám, làm cho bằng được, có sản phẩm cụ thể, tạo ra sự hữu ích cho xã hội.
Làm thế nào để cụ thể hóa nghị quyết, cách nào để triển khai chương trình phù hợp với địa phương, đơn vị…, là những câu hỏi mà Ban Thường trực Thị đoàn Điện Bàn luôn tự đặt ra để suy nghĩ, tìm giải pháp thực hiện tốt nhất cho hoạt động đoàn trong thời gian qua.
Qua thực tế, chị Đặng Thị Bảo Trinh - Bí thư Thị đoàn Điện Bàn rút ra rằng, để trả lời cho những câu hỏi nói trên, cần phải “tìm tòi, học hỏi”, “lắng nghe” và cuối cùng là “đoàn kết”. Theo đó, nhiều cuộc trao đổi, hội ý trong cơ quan, giữa Thường trực Thị đoàn với cơ sở, đã góp phần gỡ các “nút thắt” trong hoạt động đoàn; nhiều cách làm mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn cũng ra đời từ đây.
Chị Trinh kể, thực hiện việc tuyên truyền nghị quyết đại hội đoàn các cấp, năm 2018 Thị đoàn chỉ đạo các đơn vị tổ chức bằng hình thức gameshow. Với hình thức tuyên truyền mềm hóa về phương pháp và tạo sự sôi nổi giữa vui chơi gắn với tuyên truyền nên thanh niên dễ tiếp thu, dễ nhớ đến nghị quyết. Đặc biệt, người chơi và những ai quan tâm đến nghị quyết đều có thể theo dõi.
Đón đầu Năm thanh niên tình nguyện 2019, Thị đoàn phát động cuộc thi viết về ý tưởng thanh niên tình nguyện đã mang kết quả bất ngờ. Các ý tưởng có tính khả thi của thanh niên được Thị đoàn hiện thực hóa, áp dụng vào cuộc sống.
Năm 2020 Thị đoàn tổ chức chương trình “Valentine ngọt ngào” với sự tham gia của các cặp đôi là cán bộ đoàn, công an, bác sĩ trẻ, để lồng ghép tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, phòng chống ma túy, quy định không lái xe khi đã sử dụng rượu bia… Chương trình thu hút khá đông lượt xem và chia sẻ trong cộng đồng.
Chia sẻ về cách làm thế nào để nâng cao nhận thức, kỹ năng, kiến thức cho cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên đối với nhiệm vụ hỗ trợ thanh niên làm kinh tế và phát triển kinh tế, chị Lê Thị Na Vi - Bí thư Huyện đoàn Tiên phước cho biết, đơn vị đã đổi mới công tác tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa, rung chuông vàng, phát tờ rơi… Đơn cử như hội thi văn nghệ “Tiên Phước tình yêu của tôi”, tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo” với các nội dung thi tìm hiểu kiến thức Đề án 548 về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trung vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025…
Bám sát thực tiễn
Công tác thanh niên ngày càng đối mặt với không ít khó khăn và thách thức mới. Sự tiến bộ của khoa học công nghệ, nhất là sự phát triển của internet, cùng nhiều hình thức hoạt động xã hội khác tạo sức hút mạnh mẽ đến thanh niên. Từ đó tác động hằng ngày đến tư tưởng, tình cảm, nhận thức, hành động của giới trẻ.
Chị Phạm Thị Thanh - Bí thư Tỉnh đoàn thừa nhận, hoạt động đoàn hiện nay hết sức khó khăn, cần phải kịp thời thay đổi để phù hợp với thời cuộc, thực tiễn. Những người cán bộ đoàn, hội, nếu không chịu khó nắm bắt, nghiên cứu, tìm tòi, thì rất khó để tiếp cận, tập hợp, thu hút đoàn viên, thanh thiếu nhi. Trước đây thanh niên tự tìm đến với đoàn. Còn thực tế bây giờ, nhiều thanh niên không mặn mà vào đoàn; nhiều chương trình, phong trào của đoàn không tập hợp, thu hút được đoàn viên, thanh niên. Trong đó, vấn đề nắm bắt tâm tư, tình cảm, xu hướng của giới trẻ đối với tổ chức đoàn cũng không dễ dàng. Dù cố gắng để theo xu hướng, xu thế của giới trẻ, nhưng việc nắm bắt thanh niên bây giờ không dễ. Bởi vì giữa suy nghĩ của lớp cán bộ đoàn hiện nay với các bạn trẻ thế hệ “10x” có khoảng cách rất xa…
Thảo luận tại hội nghị đánh giá kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn tỉnh lần XVIII (nhiệm kỳ 2017 - 2022), nhiều ý kiến cho rằng, trước nhu cầu cao, đa dạng của thanh niên trong tình hình hiện nay, đòi hỏi tổ chức đoàn cần phải thường xuyên nghiên cứu, đổi mới, nâng tầm hoạt động. Nếu các hoạt động đoàn không phong phú, thiếu hấp dẫn thì thanh niên sẽ đến với các hoạt động khác trong xã hội.
Chị Đặng Thị Bảo Trinh cho rằng, hoạt động phong trào gì cũng cần phải thực chất, thanh niên thấy có ích sẽ tham gia. Các chương trình hành động của đoàn cần có sự đồng cảm, chia sẻ và nắm bắt được nhu cầu thanh niên, có như thế các bạn trẻ mới tin và đến với tổ chức đoàn. Vì vậy, chị Trinh mong muốn và đề nghị Tỉnh đoàn kịp thời chia sẻ các mô hình, cách làm hay, có hiệu quả của các cấp bộ đoàn lên trang facebook, website của Tỉnh đoàn để người trẻ theo dõi, học hỏi và chia sẻ cùng nhau nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đoàn và phong trào thanh niên, qua đó góp phần “kéo” thanh niên đến nhiều hơn với tổ chức đoàn.
Triển khai chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”
Chương trình được triển khai dưới hình thức cuộc thi do Trung ương Đoàn tổ chức nhằm tăng cường tính đổi mới và sáng tạo trong phương pháp giảng dạy và học tập. Tỉnh đoàn đề nghị các đơn vị quan tâm, tuyên truyền về chương trình “Trí thức trẻ vì giáo dục”, trong đó tổ chức lồng ghép giới thiệu chương trình đến đội ngũ trí thức trẻ; phát hiện, vận động các cá nhân, tập thể có công trình để giới thiệu dự thi (mỗi đoàn trường ít nhất 1 công trình, sáng kiến)… Các công trình, sáng kiến tham gia chương trình thuộc 3 nhóm nội dung: đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Thời gian nhận hồ sơ từ nay đến hết ngày 20.9.2020; dự kiến chấm, trao giải vào tháng 11.2020. (V.ANH)
Huyện đoàn Tiên Phước hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Để thúc đẩy phong trào lập nghiệp, khởi nghiệp trong thanh niên, thời gian qua bên cạnh việc hỗ trợ tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm, Huyện đoàn Tiên Phước thường xuyên rà soát, nắm bắt thực trạng các mô hình, nhu cầu vay vốn của hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình phát triển kinh tế thanh niên để đề xuất ưu tiên, hỗ trợ vốn vay kịp thời. Đến nay, toàn huyện có 96 hộ thanh niên vay vốn làm kinh tế từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng và 2 thanh niên được vay 170 triệu đồng từ nguồn vốn 120 là chị Hồ Thị Thúy Hằng (thôn 2, xã Tiên Thọ) và anh Hồ Xuân Trạng (thôn 4, xã Tiên Sơn). Được biết, trong hơn 2 năm qua, toàn huyện Tiên Phước có thêm 9 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác và 47 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ, qua đó nâng tổng số mô hình hiện có trên địa bàn là 77 mô hình. (TÂM ĐAN)
Hội đồng Đội huyện Duy Xuyên bàn giao “Nhà khăn quàng đỏ”
Ngôi nhà vừa được bàn giao cho gia đình em Nguyễn Huỳnh Nhật Bảo (lớp 1A Trường Tiểu học Duy Phú, xã Duy Phú, Duy Xuyên) do Hội đồng Đội huyện Duy Xuyên hỗ trợ kinh phí xây dựng 40 triệu đồng. Nhật Bảo là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi cha mẹ không có công việc làm, thu nhập, chỗ ở ổn định. Tại lễ bàn giao công trình, Hội đồng Đội huyện tặng Nhật Bảo góc học tập trị giá gần 1 triệu đồng. Đây là công trình măng non mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tấm lòng “tương thân tương ái” của thiếu nhi toàn huyện giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường.
Cùng thời gian này, Hội đồng Đội huyện Duy Xuyên trao 600 hộp sữa tươi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Duy Phú. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Triệu ly sữa cho em” do Hội đồng Đội Trung ương phát động. (A.Đ)