Đoàn thanh niên tham gia giảm nghèo bền vững: Một chương trình nhân văn

HỒNG CƯỜNG 27/11/2018 04:25

(QNO) - “Đoàn thanh niên tham gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020” là một chương trình thiết thực, mang ý nghĩa nhân, tạo nên hình ảnh đẹp của thanh niên Quảng Nam vì an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng... Từ chủ trương sâu sát đó đã có nhiều thanh niên vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững; nhiều thanh niên bước đầu khởi nghiệp, tạo dựng kinh tế gia đình, giải quyết lao động tại địa phương.

Anh Nguyễn Ngọc Thanh bên mô hình phát triển kinh tế VAC của mình.
Anh Nguyễn Ngọc Thanh được Tỉnh đoàn hỗ trợ giống cây ăn trái để phát triển mô hình VAC. Ảnh: HỒNG CƯỜNG

Trái ngọt đầu mùa

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, cuộc sống khó khăn, anh Nguyễn Ngọc Thanh (xã Tam Trà, Núi Thành) đặt mục tiêu cho bản thân là phải thoát được cái nghèo. Từ số vốn 50 triệu đồng vợ chồng tích góp sau bao năm làm ăn, anh Thanh mạnh dạn phá bỏ hơn 1ha rừng keo đầu tư chuồng trại xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng (VAC).

Anh Thanh cho biết, bản thân là một thanh niên dân tộc thiểu số, chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với các mô hình làm kinh tế. Khó khăn nhất khi anh thực hiện mô hình VAC là kinh nghiệm và vốn. Năm 2015, vợ chồng rơi vào cảnh điêu đứng khi đầu tư chuồng trại chuyển sang chăn nuôi gà thả vườn. Vì chưa có kinh nghiệm nên đàn gà mắc bệnh và chết hàng loạt.

Thời điểm này, được sự vận động của đoàn thanh niên các cấp và sự hỗ trợ về cây trồng, con vật nuôi từ Tỉnh đoàn, anh Thanh xem đó là động lực để vực dậy mô hình kinh tế của mình. Đến nay, anh đã nhân rộng cặp heo được tặng lên 11 con và những cây chuối cấy mô, mít Thái Lan đã bắt đầu cho những trái ngọt đầu mùa.

Trang trại của anh mang lại thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng. Dự định trong tương lai anh Thanh sẽ chuyển hướng sang đầu tư nuôi heo và ếch Thái Lan; đồng thời liên kết các mô hình kinh tế của thanh niên khác trong xã để xây dựng một khu kinh tế trang trại tập trung.

Mô hình trống nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế của anh Lê Thanh Hùng (người bên trái ảnh).
Được sự hỗ trợ của Huyện đoàn Thăng Bình, mô hình trồng nấm rơm của anh Lê Thanh Hùng phát triển ổn định. Ảnh: HỒNG CƯỜNG

Còn đối với thanh niên Lê Thanh Hùng (xã Bình Trị, Thăng Bình), gia cảnh khó khăn nên vừa tốt nghiệp phổ thông, anh đã trở thành lao động chính trong nhà. Vốn cần cù, ham học hỏi, năm 2016 anh Hùng xây dựng trang trại trồng nấm tại nhà với mong muốn vươn lên thoát nghèo.

Ban đầu anh xây dựng ụ nấm bằng tre nứa nên chỉ được 1 năm ụ nấm hư hỏng. Đầu năm 2017, được sự hỗ trợ của Huyện đoàn Thăng Bình với số tiền 10 triệu đồng, anh mua vật liệu về xây dựng ụ nấm kiên cố bằng xi măng, cốt thép.

“Ngoài ra, từ số vốn do Huyện đoàn hỗ trợ, tôi xây dựng thêm 5 ụ nấm khác và gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Bình quân 1 tháng thu nấm 2 lần, trừ chi phí thuê nhân công, mỗi tháng tôi kiếm được 10 triệu đồng. Số tiền này tuy không lớn nhưng cũng đủ giúp tôi trang trải cuộc sống gia đình hiện tại và lo cho 2 em ăn học” - anh Hùng nói.

Thay đổi cách tiếp cận

Theo thống kê từ Ban Thanh niên nông thôn - công nhân và đô thị của Tỉnh đoàn, toàn tỉnh hiện có 315 mô hình kinh tế trong thanh niên, đa số hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tổng hợp, chăn nuôi, trồng trọt. Từ năm 2015 đến nay, thông qua chương trình “Đoàn thanh niên tham gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 – 2020”, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã đăng ký giúp đỡ, hỗ trợ 1.208 thanh niên và đã có hơn 830 thanh niên vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phó Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình - anh Châu Xuân Quang chia sẻ, triển khai thực hiện chương trình hành động “Đoàn thanh niên tham gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020”, đơn vị đã có nhiều hình thức hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên thoát nghèo. Cụ thể như tổ chức tư vấn đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giới thiệu giải quyết việc làm; giới thiệu hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh ủy thác của đoàn thanh niên; trao tặng phương tiện sinh kế thiết thực, chú trọng tới việc giải quyết nhu cầu thực tế gắn với hoàn cảnh từng trường hợp cụ thể như máy may công nghiệp, máy xay nước mía...

Anh Quang cho rằng, để khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh niên hộ nghèo, cận nghèo lập thân lập nghiệp, việc hỗ trợ bằng những hình thức lâu nay như trao tặng quà, cây con giống đã không còn phù hợp. “Tổ chức đoàn nên thay đổi cách làm, cách tiếp cận với thanh niên nghèo theo hướng tăng cường các hoạt động đồng hành và giảm việc hỗ trợ vật chất, phải khơi dậy ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của thanh niên nghèo” - anh Quang nói.

Theo anh Nguyễn Xuân Đức - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, thời gian qua các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã triển khai thực hiện khá tốt chương trình hành động “Đoàn thanh niên tham gia giảm nghèo bền vững”. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã trong thanh niên và nhiều tấm gương thanh niên vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, anh Đức cho biết hiện nay tỷ lệ hộ nghèo nói chung và hộ nghèo trong thanh niên nói riêng trong toàn tỉnh còn rất cao. Nguyên nhân là do một số tổ chức đoàn thực hiện chưa hiệu quả chương trình và một bộ phận thanh niên trông chờ, ỷ lại, thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo. “Các cấp bộ đoàn cần xác định rõ số lượng thanh niên nghèo và nguyên nhân vì sao họ nghèo. Để từ đó có giải pháp cụ thể từ phương pháp tuyên truyền, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến đào tạo nghề giới thiệu việc làm, hay là huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ sinh kế cho thanh niên” - anh Đức nói.

HỒNG CƯỜNG

HỒNG CƯỜNG