Kết nối thanh niên khởi nghiệp
Những thanh niên khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế tư nhân sẽ không còn đơn độc khi vai trò đồng hành, kết nối của tổ chức đoàn, hội được thể hiện.
Bí thư Huyện đoàn Phú Ninh Bùi Thị Kim Hoàng (áo trắng) thăm một mô hình kinh tế của thanh niên. Ảnh: V.A |
Đó là khẳng định của chị Bùi Thị Kim Hoàng - Bí thư Huyện đoàn Phú Ninh, khi trao đổi với chúng tôi về chủ đề khởi nghiệp trong lực lượng đoàn viên thanh niên. Chị Hoàng cho biết, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Huyện đoàn Phú Ninh trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, nhằm thể hiện vai trò của tổ chức đoàn thông qua công tác tập hợp thanh niên.
Nhiều điểm sáng
Với đặc thù của một huyện thuần nông, thời gian qua trên địa bàn huyện Phú Ninh xuất hiện khá nhiều mô hình phát triển kinh tế, khởi nghiệp từ nông nghiệp, dịch vụ. Trong đó, nhiều mô hình hay, hiệu quả do những thanh niên dám nghĩ, dám làm thực hiện. Những điểm sáng thanh niên làm kinh tế, bắt tay khởi nghiệp trên chính quê hương là tín hiệu đáng mừng đối với sự phát triển của địa phương, đồng thời kích thích mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ. Mô hình kinh tế của vợ chồng anh Phan Duy Nhựt (xã Tam Dân) là một trong những ví dụ điển hình cho sự dám nghĩ dám làm của thanh niên. Năm 2011, vợ chồng anh Nhựt biến những ý tưởng khởi nghiệp của mình thành hiện thực khi quyết định thành lập Công ty TNHH Phan Gia. Đây là kết quả “thai nghén” sau một thời gian khá dài hai vợ chồng thử sức với công việc nhận gia công hàng may mặc. Đây là quyết định không dễ dàng, ở thời điểm hai vợ chồng bỏ Sài Gòn về quê lập nghiệp (năm 2007) anh Nhựt mới 23 tuổi đầu. Nhưng rồi, vượt qua những khó khăn ban đầu khi khởi nghiệp, đến nay vợ chồng anh Nhựt đã tạo được thành công riêng cho mình với cơ sở gia công hàng may mặc có hàng chục máy may công nghiệp và nhân công địa phương.
Cũng ở xã Tam Dân, một thanh niên trẻ đã mạnh dạn thử sức với nghề trồng hoa và đã gặt hái được những kết quả khả quan. Đó là mô hình của anh Nguyễn Ngọc Hiền (32 tuổi), một thanh niên làm kinh tế tiêu biểu tại Phú Ninh. Điều đặc biệt là anh Hiền cũng có chung tư tưởng như anh Phan Duy Nhựt khi mong muốn thoát cảnh làm thuê để trở thành người làm chủ. Anh Hiền từng được làm việc trong một công ty của Nhật tại Việt Nam với mức lương hậu hĩnh. Tuy nhiên anh vẫn quyết định nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội riêng cho bản thân. Ban đầu anh Hiền đi buôn bán, kinh doanh đủ loại sản phẩm, mặt hàng khác nhau, sau đó anh chuyển qua học nghề trồng hoa, rồi bắt tay thực hiện dự án của mình ngay trên quê hương. Anh thuê hơn 1,5ha đất, đầu tư vốn xây dựng hệ thống nhà kính, nhà lưới để trồng hoa quy mô lớn. Nhờ nguồn cung dồi dào cùng với chất lượng hoa đảm bảo nên đầu ra sản phẩm khá ổn định. Anh Hiền chia sẻ: “Nhu cầu về hoa hiện khá lớn trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ. Đây là điều kiện thuận lợi để tôi mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất. Nhiều bạn trẻ cũng biết thông tin, tìm đến học hỏi kinh nghiệm trồng hoa và tôi sẵn sàng chia sẻ”.
Làm sao để đồng hành?
Những thanh niên đã khởi nghiệp và chuẩn bị khởi nghiệp trên quê hương Phú Ninh sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ gì từ phía địa phương? Và với vai trò của mình, tổ chức đoàn sẽ đồng hành như thế nào với thanh niên trong khởi nghiệp? Đó là những câu hỏi hy vọng sẽ có lời giải trong thời gian sớm nhất để những mô hình kinh tế tư nhân, những ý tưởng khởi nghiệp của người dân nói chung và thanh niên nói riêng được “chắp cánh”. Chúng tôi được biết, huyện Phú Ninh đã ban hành Nghị quyết 18/NQ-HĐND huyện về các chính sách hỗ trợ nông dân. Đơn cử như chính sách hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay để sản xuất kinh doanh; hỗ trợ sau đầu tư với các mô hình trồng hoa, cây cảnh, trồng rau an toàn, chăn nuôi tập trung… ở mức tối đa là 400 triệu đồng/ha... Còn với tổ chức đoàn, việc “đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp” sẽ được hiện thực hóa như thế nào trong nhiệm kỳ này? Trả lời câu hỏi này, chị Bùi Thị Kim Hoàng - Bí thư Huyện đoàn Phú Ninh cho biết, hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sẽ là một trong nhiệm vụ sẽ được huyện đoàn tập trung trong thời gian tới. Trong đó, huyện đoàn sẽ kết nối khởi nghiệp thông qua những việc làm cụ thể.
Chị Hoàng nói: “Chúng tôi đã và đang tiến hành khảo sát, tìm hiểu những ý tưởng, mô hình khởi nghiệp khả thi trong thanh niên. Chúng tôi xác định sẽ không chạy theo số lượng mô hình để báo cáo thành tích mà tập trung vào chất lượng, tính khả thi, tâm huyết của từng mô hình cụ thể để hồ trợ. Sau đó, huyện đoàn sẽ thể hiện vai trò đồng hành của mình bằng các hình thức kết nối khởi nghiệp như tổ chức đối thoại giữa thanh niên khởi nghiệp với lãnh đạo địa phương để thanh niên tiếp cận các cơ chế, chính sách; giới thiệu các nguồn vốn vay, các kênh tiêu thụ sản phẩm cho thanh niên…”. Vừa qua, huyện đoàn phối hợp với UBND huyện Phú Ninh tổ chức “Hành trình địa chỉ thanh niên khởi nghiệp năm 2017”. Đây là một trong những bước đi đầu tiên, thể hiện rõ mong muốn đồng hành của tổ chức đoàn nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trên địa bàn huyện. Huyện đoàn đã tổ chức cho 35 gương thanh niên khởi nghiệp và đang có ý tưởng khởi nghiệp đi tham quan, học tập các mô hình kinh tế tiêu biểu của thanh niên trên địa bàn huyện. “Qua những hoạt động như thế, chúng tôi mong muốn không chỉ mang đến cơ hội để cán bộ, đoàn viên thanh niên được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm mà qua đó kết nối với các mô hình kinh tế, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển, nhân rộng mô hình, tạo công ăn việc làm, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương” - chị Hoàng chia sẻ.
ANH ĐÔNG