Nghĩa cử với người có công

HỮU CÔNG 26/07/2016 10:13

Ngoài giải quyết đảm bảo chế độ chính sách, thị xã Điện Bàn còn có nhiều nghĩa cử, hành động thực tế để chăm lo người có công - thân nhân người có công cách mạng chu đáo.  

Không chỉ là trách nhiệm

Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - ông Nguyễn Xuân Hà khẳng định, địa phương luôn chú trọng thực hiện công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Chỉ đạo, giám sát các xã, phường giải quyết chế độ chính sách đúng theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, Điện Bàn đã lập thủ tục đề nghị lên cấp thẩm quyền xem xét xác nhận đối tượng người có công cách mạng được 43.543 trường hợp (có 18.920 liệt sĩ, 61 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Toàn thị xã, 10.992 mộ được quy tập vào 9 nghĩa trang liệt sĩ (8 nghĩa trang liệt sĩ xã, phường), còn lại gia đình quản lý 5.000 mộ liệt sĩ. Bên cạnh đó, thị xã đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để tiến hành nâng cấp, hoặc sửa chữa các nghĩa trang nhằm tạo thuận lợi trong việc hương khói cho các liệt sĩ. Đặc biệt, Đảng bộ và chính quyền Điện Bàn xác định khâu chăm sóc người có công đang còn sống không chỉ là trách nhiệm mà đó là sự tri ân sâu sắc, cụ thể hóa đạo lý “uống nghĩa nhớ nguồn”. Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị ở địa phương bằng nhiều phương thức khác nhau vận động hơn 610 sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền hơn 3 tỷ đồng để trao tặng các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

ĐVTN phường Điện Dương chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh: H.CÔNG
ĐVTN phường Điện Dương chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh: H.CÔNG

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng LĐ-TB&XH Điện Bàn - bà Trần Thị Trị cho hay, thực hiện theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến 6 tháng đầu năm nay, thị xã triển khai đầu tư sửa chữa xong 1.295 nhà và xây mới 209 nhà cho đối tượng chính sách. Phong trào “đền ơn đáp nghĩa” được phát động sâu rộng, tạo sự chuyển biến tích cực và nâng cao rõ rệt ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc chăm sóc về vật chất và tinh thần thân nhân liệt sĩ, thương - bệnh binh và người có công với cách mạng. Từ đây, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và cá nhân tham gia tốt 5 chương trình: tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm; ổn định đời sống thương - bệnh binh nặng; xây dựng quỹ “đền ơn đáp nghĩa”; chăm sóc thân nhân liệt sĩ già yếu, cô đơn; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu con liệt sĩ mồ côi. toàn bộ 174 Bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện còn sống (trong tổng số 2.791 Bà mẹ Việt Nam anh hùng) đã được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài thị xã nhận phụng dưỡng, mức bình quân 500 nghìn đồng cho đến 1 triệu đồng/tháng. Hay như đợt này, Điện Bàn có 7 gia đình chính sách được nhận 7 căn nhà tình nghĩa, do Chủ tịch nước Trần Đại Quang (3 nhà) và Công ty 319 miền Trung (4 nhà) trao tặng.   

Tấm lòng của tuổi trẻ

Đại diện Phòng LĐ-TB&XH Điện Bàn cho biết, thị xã chuyển toàn bộ quà của Chủ tịch nước (14.271 người, số tiền 2,9568 tỷ đồng), UBND tỉnh (16.304 người, số tiền 3,2608 tỷ đồng) đến 20 xã, phường và các địa phương vừa nêu để tổ chức thăm hỏi, tặng các phần quà cho đối tượng chính sách, người có công. Theo kế hoạch, vào lúc 20 giờ ngày 26.7, các xã, phường sẽ tổ chức thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh liệt sĩ. Trong khi đó, từ 18 đến 21 giờ tối nay, Phòng LĐ-TB&XH thị xã phối hợp cùng Thị đoàn Điện Bàn tổ chức chương trình “Thắp nến tri ân” tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn.

Cứ mỗi độ tháng 7, hình ảnh đoàn viên thanh niên (ĐVTN) khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện xuất hiện thường xuyên tham gia dọn vệ sinh, quét vôi, trang trí… tại khu vực nghĩa trang liệt sĩ, khu di tích lịch sử, các nhà bia ghi danh trên địa bàn thị xã; thăm hỏi, tặng hàng chục nghìn suất quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, thương - bệnh binh. Theo chị Đặng Thị Bảo Trinh - Bí thư Thị đoàn, như mọi năm, ĐVTN lại phối hợp tổ chức chương trình “Thắp nến tri ân” với phương châm: “Mỗi ngọn nến - thể hiện một nghĩa cử, mỗi hành động - thể hiện một tấm lòng”. Hoạt động đầy ý nghĩa trên nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, lòng tự hào và tự tôn dân tộc cho các thế hệ, nhất là tuổi trẻ. “Để giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, Ban Thường vụ Thị đoàn phát động tổ chức Đoàn - Hội - Đội nhận chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hưởng ứng phong trào, 37 cơ sở đoàn đã đảm nhận phụng dưỡng 37 mẹ” - Phó Bí thư Thường trực Thị đoàn Điện Bàn, anh Đặng Hữu Tú nói. Tuổi trẻ thị xã cũng là cầu nối, đón hàng chục đoàn công tác đến thăm và tặng quà gia đình chính sách; khám bệnh, phát thuốc cho người có công cách mạng; phối hợp quy tập nhiều hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ. ĐVTN thường xuyên phối hợp cùng Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Cựu chiến binh, Hội tù yêu nước, Hội Người cao tuổi tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tiếp lửa truyền thống. Nhiều cơ sở đoàn thực hiện tốt việc chung tay chăm sóc người có công, điển hình là Đoàn phường Điện Dương, Đoàn phường Điện Nam Trung, Đoàn phường Điện Ngọc… Vừa qua, Đoàn phường Điện Dương còn phối hợp Hội Cựu chiến binh phường ra quân phát quang bụi rậm, thông đường và san lấp mặt bằng xây dựng Bia di tích lịch sử Chợ Cầu. Qua đó đã góp phần giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước nơi mỗi ĐVTN.

HỮU CÔNG

HỮU CÔNG