Truyền lửa cách mạng cho người trẻ
Nói chuyện với nhân chứng sống; được kết nạp vào Đoàn, vào Đảng ngay tại “địa chỉ đỏ” trong những ngày tháng 3 sục sôi khí thế cách mạng là trải nghiệm quý giá mà các bạn trẻ có được từ cách tổ chức giáo dục truyền thống mới mẻ.
Từ những chuyến “về nguồn”
Đến thăm những địa điểm lịch sử ngay trên mảnh đất Núi Thành trong chuyến hành trình “Đi tìm địa chỉ đỏ” do Đoàn thị trấn Núi Thành tổ chức, nhiều bạn trẻ rất háo hức. Cuộc hành trình đi qua Chùa Hang đến tượng đài Chiến thắng Núi Thành, nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã giúp các bạn học sinh, đoàn viên - thanh niên hiểu hơn về những hy sinh, đóng góp của quân và dân Núi Thành để làm nên trận đầu thắng Mỹ. “Em đã được học trong sách về Chiến thắng Núi Thành, nhưng hôm nay đến thăm và được nghe những câu chuyện về di tích lịch sử này, em được biết thêm rất nhiều và thấy tự hào về quê hương mình hơn” - Phan Uyên Nhi, học sinh lớp 9 Trường THCS Kim Đồng (Núi Thành) chia sẻ. Trong chuyến hành trình này, 42 đội viên, thanh niên ưu tú đã được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dưới tượng đài Chiến thắng Núi Thành.
Học viên “Học kỳ quân đội” hành quân về “địa chỉ đỏ” Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: THÀNH ĐẠT |
Xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, về lịch sử văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa Quảng Nam…, Tỉnh đoàn Quảng Nam đã có nhiều cách làm hay và thiết thực. Có thể kể đến là các chuyến dã ngoại hành quân về nguồn, về các địa chỉ đỏ, gặp mặt nói chuyện truyền thống, kết nạp đoàn, đội tại địa chỉ đỏ…, cho đến các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách. Cạnh đó là các cuộc thi tìm hiểu lịch sử quê hương, hội diễn văn nghệ, xây dựng công trình thanh niên, công trình măng non…
Đoàn đã phối hợp Hội Cựu chiến binh, Hội Tù yêu nước, Hội Cựu thanh niên xung phong… để thực hiện việc giáo dục truyền thống. Chính những nhân chứng lịch sử, nhân chứng sống trong thời chiến và cả thời bình đã có tác động rất lớn đến việc “truyền lửa” cách mạng cho thế hệ trẻ.
Truyền lửa cách mạng cho thanh niên tại địa chỉ đỏ. |
Nhiều cách làm hay
Từ năm học 2013 - 2014, Hội đồng Đội thị xã Điện Bàn đã giao cho các Hội đồng Đội xã, phường theo dõi, quản lý hoạt động giáo dục truyền thống. Tất cả đều hướng về cơ sở, phát huy giá trị truyền thống của địa phương, như tổ chức các đợt hành trình về địa chỉ đỏ, tìm hiểu truyền thống địa phương, giúp đỡ gia đình có công cách mạng, gia đình chính sách, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, sinh hoạt dưới cờ, nói chuyện truyền thống… Anh Đặng Hữu Tú - Phó Bí thư Thị đoàn Điện Bàn cho hay: “Giáo dục truyền thống cho học sinh phải được tổ chức thường xuyên, không chỉ với các hoạt động về địa chỉ đỏ, bằng nhiều cách khác nhau, như đưa vào trong chương trình học, thông qua các buổi chào cờ, các trò chơi nhỏ, vừa giúp các em có thêm kiến thức, vừa giúp các em thêm yêu lịch sử của dân tộc”.
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 42 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030 và được Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 02 để triển khai thực hiện. Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 02 đã được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xây dựng và chỉ đạo thực hiện trong toàn đoàn, nhằm đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ Quảng Nam. |
Trong tháng 3 này, nhân kỷ niệm 85 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, rất nhiều hoạt động về giáo dục truyền thống được tổ chức như hành trình về địa chỉ đỏ: Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, Nhà lưu niệm bác Võ Chí Công, Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, phát động cuộc thi viết tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng nhân kỷ niệm 140 năm ngày sinh của cụ, phát hành cẩm nang 40 địa chỉ đỏ tỉnh Quảng Nam… Ngoài ra, giáo dục truyền thống còn được thực hiện thông qua các hoạt động kỹ năng như học kỳ trong quân đội, tổ chức hội thi, hội diễn. Được trải nghiệm trong quân ngũ, được thực hành những phần việc như một người lính thực thụ giúp các em hiểu hơn về những khó khăn, vất vả của người lính. Hay như mô hình “Cột mốc chủ quyền Trường Sa” - một mô hình khá độc đáo được triển khai ở Đại Lộc giúp học sinh thêm kiến thức, yêu biển đảo quê hương và hiểu hơn về lịch sử hào hùng và trách nhiệm giữ gìn non sông đất nước.
Với các bạn trẻ, chương trình học tập ở trường hiện nay khá nặng, việc tổ chức một chuyến đi là một lần trải nghiệm quý giá để hiểu hơn về mảnh đất, con người, về truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương và sẽ trân quý hơn quá khứ hào hùng của dân tộc. Theo chị Phạm Thị Thanh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, việc giáo dục truyền thống đối với các thế hệ trẻ được Tỉnh đoàn quan tâm theo hướng trải nghiệm, giúp các em nắm bắt được chiều sâu, ý nghĩa của mỗi câu chuyện truyền thống, nhất là việc xuất hiện của các nhân chứng sống có sức lay động sâu sắc… Từ đó giúp hình thành ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, đi đến thể hiện vai trò tích cực của thanh niên trong cuộc sống, học tập, công tác về sau…
MỸ LINH