Đối thoại với thanh niên
Tại diễn đàn gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cán bộ, đoàn viên, thanh niên vào sáng qua 22.3, vấn đề việc làm, đào tạo nghề được đông đảo thanh niên quan tâm.
Chủ trì buổi gặp gỡ, đối thoại có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang; Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu.
Nóng chuyện việc làm, đào tạo nghề
Có khoảng 300 thanh niên trực tiếp tham gia diễn đàn để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng đến với lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ban ngành. Mở đầu buổi đối thoại, những câu hỏi liên quan đến vấn đề lao động, việc làm, tiếp cận nguồn vốn vay để thanh niên lập thân lập nghiệp đã “hâm nóng” hội trường. Chị Trần Thị Liêm - Bí thư Đoàn xã Quế Cường (Quế Sơn) nêu lên thực trạng hiện nay, nhiều thanh niên ở địa phương phải vất vả bon chen ly hương kiếm sống. Vì vậy tỉnh và các sở, ngành cần có cơ chế hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề lao động nông thôn để giữ chân thanh niên. Qua đó, không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn dễ dàng trong việc tập hợp thanh niên. Trong khi đó, bạn Bùi Thị Kiều (trú xã Trà Giang, Bắc Trà My) ngậm ngùi chia sẻ, bản thân đã tốt nghiệp đại học được hơn một năm nhưng hiện tại vẫn chưa xin được việc làm. “Tôi tốt nghiệp Khoa Sinh học Trường Đại học Quảng Nam nhưng nộp đơn mãi vẫn chưa xin được việc. Hiện tôi đi làm công nhân tại một công ty may ở Phú Ninh. Tôi bày tỏ nguyện vọng được công tác trong ngành sư phạm tại quê nhà Bắc Trà My” - Kiều nói.
Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ đối thoại với đoàn viên thanh niên. Ảnh: VĂN HÀO |
Tham gia trả lời những câu hỏi của thanh niên về vấn đề việc làm, đào tạo nghề, ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Chúng ta cần tập trung vào công tác truyền thông, nhận thức về ý nghĩa của việc dạy nghề, đào tạo nghề hiện nay. Vì sao thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường không tìm được việc làm trong khi những người học tại các trường nghề lại tìm được công việc phù hợp cho mình? Do đó mỗi thanh niên cần xác định rõ được nghề nghiệp, nhu cầu xã hội để có định hướng đúng đắn”. Theo kết quả điều tra cung lao động năm 2015, lực lượng lao động toàn tỉnh hơn 742,8 nghìn người (chiếm 64,86% dân số từ 15 tuổi trở lên); trong đó số lao động thất nghiệp hơn 11 nghìn người (ở độ tuổi 20 đến 39 chiếm tỷ lệ 89,6%).
Cũng theo ông Nguyễn Thùy, thanh niên trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lớn nhưng nhìn chung tay nghề còn thấp. Vì vậy để nâng cao trình độ tay nghề, cần có giải pháp, sự phối hợp đồng bộ. “Hiện nay, nhiều cơ sở dạy nghề còn hạn chế về năng lực. Ví dụ như trung tâm dạy nghề tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a đã được đầu tư cơ sở vật chất nhưng trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên hầu như chưa có. Trong thời gian đến, chúng tôi yêu cầu các địa phương chỉ mở lớp dạy nghề đối với những nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp” - ông Thùy nói.
Về nguồn vốn vay, ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thông tin, vốn ưu đãi cho đoàn viên vay giải quyết việc làm nhiều năm không giải ngân được vì không đáp ứng điều kiện vay. “Nếu không đáp ứng chương trình vay ưu đãi từ nguồn vốn của đoàn, chúng tôi sẵn sàng cho đoàn viên vay giải quyết việc làm từ 50 đến 500 triệu đồng với lãi suất 6%. Những khoản vay dưới 50 triệu đồng không cần thế chấp, nhưng người vay vốn phải chứng minh được tính khả thi của dự án” - ông Dinh thông tin.
Kiến nghị bảo tồn văn hóa miền núi
Thanh niên cần đổi mới cách nghĩ, sáng tạo cách làm Tham gia diễn đàn, ngoài lắng nghe những ý kiến, các lãnh đạo tỉnh cũng chia sẻ, tâm sự cởi mở với lực lượng đoàn viên thanh niên. Những thông tin về việc làm, định hướng công việc được lãnh đạo tỉnh nhìn nhận thẳng thắn. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, những bất cập mà thanh niên đã góp ý là bất cập chung của toàn xã hội. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ đã gây mất cân đối nguồn lao động. “Những đóng góp của lực lượng thanh niên trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là rất rõ ràng. Về việc làm, nhiều ngành nghề ở Quảng Nam có nhu cầu tuyển dụng lao động cao nhưng nhiều người cứ muốn mình làm thầy thay vì làm thợ. Phải chuyển biến nhận thức, thay đổi cách nghĩ để lựa chọn được công việc phù hợp, sau đó từng bước phát triển bản thân” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cho hay, về chủ trương đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng, từ ngày 1.1.2016 bắt buộc thi tuyển công chức đầu vào; đào tạo nghề theo địa chỉ, đơn đặt hàng. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang, thế hệ trẻ hiện nay cần thay đổi tư duy về công việc nhà nước. “Theo chủ trương chung, Quảng Nam sẽ ngày càng tinh giản biên chế. Hơn nữa với những nỗ lực về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nên cán bộ phục vụ nhà nước cũng sẽ giảm dần. Do đó, thanh niên cần đổi mới cách nghĩ, sáng tạo cách làm, đừng đặt cho mình mục tiêu muốn ổn định cuộc sống bản thân thì phải là công chức nhà nước” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nói. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang cũng đã chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của thanh niên và truyền thông điệp về ước mơ cho các cán bộ đoàn, thanh niên. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, để khởi nghiệp, thanh niên phải xác định được mình sẽ làm gì, làm như thế nào? Đừng nghĩ chuyện cao siêu mà phải bắt đầu từ những việc nhỏ bé để từng bước tìm ra con đường cho mình. |
Tại diễn đàn, nhiều thủ lĩnh đoàn các huyện miền núi cũng bày tỏ lo ngại việc người trẻ ngày càng xao lãng với những nét văn hóa riêng có của dân tộc mình. Anh Đỗ Hữu Tùng - Bí thư Huyện đoàn Đông Giang cho biết, các hoạt động ngoại khóa của nhà trường, địa phương được duy trì nhưng dễ đi theo lối mòn, rập khuôn, khiến thanh thiếu nhi ít mặn mà. Do vậy, UBND tỉnh, sở, ngành cần có cơ chế hữu hiệu để góp phần bảo tồn văn hóa của đồng bào Cơ Tu tại địa phương như múa hát cồng chiêng, hát giao duyên… Bí thư Huyện đoàn Nam Giang - chị Criêng Miên cho biết: “Nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi thiếu thiết chế văn hóa phục vụ cho thanh thiếu niên. Do đó thanh niên dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn như nghiện game, đua đòi dẫn đến hư hỏng” - chị Criêng Miên nói.
Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, những năm qua, sở cũng phối hợp các hoạt động đưa dân ca vào trường học, sân khấu hóa học đường nhằm góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Ngành văn hóa cũng đã có đề án tham mưu UBND tỉnh về công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số. “Trên tinh thần tiếp thu ý kiến đóng góp của các bạn trẻ, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD-ĐT và địa phương để có hướng bảo tồn hiệu quả hơn. Đúng là các hoạt động văn hóa không đáp ứng được nhu cầu, ít lôi cuốn đoàn viên đến với nhà văn hóa, trung tâm văn hóa. Vì vậy, những cán bộ đoàn cần nỗ lực hơn nữa để tuyên truyền, vận động, tập hợp thanh niên” - ông Tịnh cho hay. Ông Tịnh cũng nêu lên thực trạng đáng buồn hiện nay về ý thức văn hóa của một bộ phận giới trẻ đã làm xấu đi hình ảnh kiến trúc, di tích. Chẳng hạn như tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, tình trạng viết vẽ bậy đã ảnh hưởng đến công tác bảo tồn di tích của tỉnh.
Bên cạnh trình bày những nguyện vọng, thắc mắc, một số người trẻ cũng mạnh dạn đề xuất, hiến kế để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Những người trẻ này cũng nhìn nhận, đội ngũ thanh niên có trình độ để tiếp cận và phát triển du lịch tỉnh nhà còn quá mỏng. Do vậy chưa phát huy được năng lực người trẻ trong công tác này.
VĂN HÀO - MỸ LINH