Giúp thanh niên lập nghiệp

DIỄM LỆ - THÚY HẰNG 09/12/2015 09:16

Hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp luôn là vấn đề được ưu tiên trong các phong trào của tuổi trẻ đất Quảng. Với đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm” (Đề án 103), hàng nghìn lượt thanh niên đã được tiếp cận nghề nghiệp và việc làm.

“Thông qua việc triển khai Đề án 103, phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” được cụ thể hóa trong toàn Đoàn. Tinh thần xung kích, tình nguyện, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu của tuổi trẻ được khơi dậy; từng bước giải quyết được vấn đề lao động và việc làm trong thanh niên, nâng cao nguồn nhân lực trẻ phục vụ sự nghiệp xây dựng quê hương” - anh Thái Bình, Bí thư Tỉnh đoàn cho hay.

Chủ trương lớn - hiệu quả cao

Đề án 103 ra đời từ năm 2012, được UBND tỉnh giao Tỉnh đoàn chủ công thực hiện. Tỉnh đoàn đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết 03 về “Hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2017”. Việc hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp, lập thân, lập nghiệp cho thanh niên được thực hiện sôi nổi, kể cả thanh niên là học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, thanh niên đang học ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, thanh niên nhàn rỗi chưa có việc làm… Anh Phan Văn Bình - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, Tỉnh đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều chương trình tư vấn, mở sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, hội chợ việc làm cho thanh niên. Các ngày hội như thế đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. Tỉnh đoàn cũng đã phối hợp, chỉ đạo thành lập các tổ hợp tác, HTX; hướng dẫn thanh niên có nhu cầu làm thủ tục vay vốn, phát triển các loại hình kinh tế phi nông nghiệp, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. “Trong đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, trường hợp thanh niên thuộc hộ giải tỏa đất đai, tái định cư, vùng nông thôn, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, khuyết tật, bộ đội xuất ngũ… được hưởng những cơ chế, chính sách ưu tiên do UBND tỉnh ban hành. Lần đầu tiên, đối tượng chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù cũng được tổ chức đoàn vào cuộc, phối hợp với các trại giam dạy nghề cho họ, và hỗ trợ giới thiệu việc làm sau khi ra trại. Nhờ vậy, đối tượng thanh niên được tiếp cận với Đề án 103 trở nên đa dạng hơn, đảm bảo được mục tiêu của đề án” - anh Phan Văn Bình nói.

Anh Ngô Thanh Phong với mô hình nuôi chim yến trong nhà cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: D.L
Anh Ngô Thanh Phong với mô hình nuôi chim yến trong nhà cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: D.L

Cũng theo anh Phan Văn Bình, vấn đề không phải ở việc chúng ta triển khai hoạt động ra sao, mà là làm thế nào để giúp thanh niên có định hướng nghề nghiệp, lựa chọn nghề đúng đắn, phù hợp với khả năng của bản thân cũng như nhu cầu việc làm của xã hội. Ngoài các hoạt động mang tính sự kiện, quy mô tập trung, Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt gắn với hướng nghiệp cho học sinh, tư vấn tuyển sinh; khảo sát, nắm bắt nhu cầu việc làm của đoàn viên thanh niên. Ở khu vực nông thôn, tổ chức đoàn phối hợp mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho thanh niên với các ngành nghề như cơ khí, trồng trọt, chăn nuôi, tin học, sửa chữa xe máy... Đồng thời trong chương trình đào tạo nghề đều gắn nội dung tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động...

Qua 4 năm triển khai Đề án 103, toàn tỉnh đã có hơn 124 nghìn lượt học sinh, thanh niên được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, giới thiệu việc làm; hơn 27 nghìn thanh niên nông thôn được hỗ trợ học nghề; 480 thanh niên được tư vấn xuất khẩu lao động. Qua điều tra, khảo sát, phần lớn thanh niên được tư vấn hướng nghiệp và đào tạo nghề có được việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, Tỉnh đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội và các hội, đoàn thể trong công tác chuyển giao, tiếp nhận các tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác hệ thống đoàn toàn tỉnh cho vay tổng dư nợ 360 tỷ đồng, tổ chức đoàn quản lý 443 tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua đó có hơn 16 nghìn hộ thanh niên được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp…

Điển hình từ cơ sở

Với những bước đệm tạo đà từ Đề án 103 mang lại, đã xuất hiện nhiều gương thanh niên điển hình làm kinh tế giỏi. Toàn tỉnh có hơn 136 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành nông - lâm nghiệp, với các mô hình VAC, VACR, trang trại chăn nuôi, trồng các loại cây ăn quả... có mức thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức lương bình quân hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng.

“Đề án 103 là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tạo đà, hỗ trợ, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp; nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thế hệ trẻ, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình. Tin rằng với những kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ là tiền đề để tuổi trẻ Quảng Nam phấn đấu hơn nữa, góp sức mình vào xây dựng quê hương tỉnh nhà giàu mạnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 103, ghi nhận.

Nói đến thủ lĩnh đoàn có nhiều đóng góp hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, nhiều người nhắc ngay đến anh Ngô Bá Kông - Bí thư Đoàn xã Đại Minh (Đại Lộc). Với những trăn trở từ thực trạng thanh niên thất nghiệp trên địa bàn xã, anh đã mạnh dạn liên hệ với Tỉnh đoàn để phối hợp mở các lớp dạy nghề tại địa phương; mời các công ty về hội thảo lao động và xuất khẩu lao động. Bản thân anh cũng từng đi tu nghiệp nước ngoài nên càng hiểu rõ cái lợi từ chương trình này đối với thanh niên. Để thay đổi tư duy lập nghiệp, tư tưởng ngại đi xa, bằng lòng với cuộc sống trong đoàn viên thanh niên, anh Ngô Bá Kông đã tuyên truyền với nhiều hình thức như thông qua đài truyền thanh, lồng ghép các buổi sinh hoạt đoàn... Bước đầu, đã có 30 thanh niên địa phương đi xuất khẩu lao động thành công. Với hiệu ứng mang lại từ chương trình, nhiều thanh niên trên địa bàn xã đã và đang chuẩn bị đi xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, anh Ngô Bá Kông cũng vận động, khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế trang trại, làm giàu trên chính quê hương mình. Đến nay, anh đã vận động thanh niên xây dựng 5 mô hình kinh tế, một tổ hợp tác thanh niên, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Về gương thanh niên lập thân, lập nghiệp, có thể nói đến mô hình của anh Ngô Thanh Phong (thôn Vĩnh Xuân, xã Bình Trung, Thăng Bình). Sau nhiều năm bôn ba ở TP.Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, anh Phong đã quay về quê hương vào thời điểm Đề án 103 bắt đầu được triển khai. Qua tổ chức Đoàn, anh đã tiếp cận với những chính sách, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế; tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Với số vốn ít ỏi tích cóp được, anh mạnh dạn làm dự án vay ngân hàng 150 triệu đồng, xây dựng nhà nuôi chim yến với tổng kinh phí 400 triệu đồng. Sau 2 năm đầu tư, anh đã thuần thục kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà. Tháng 6.2014 đến nay, đàn chim yến khoảng 1.000 con của anh Phong đã cho thu nhập bình quân mỗi tháng 20 triệu đồng. Để lấy ngắn nuôi dài, anh Phong nuôi thêm bồ câu nhốt lồng, mỗi tháng thu về khoảng 2,5 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, anh nghiên cứu và tiếp tục vay vốn xây dựng chuồng trại nuôi heo theo mô hình đệm lót sinh học, giảm ô nhiễm môi trường và giảm thời gian chăm sóc, heo ít dịch bệnh, tăng trưởng nhanh hơn. Mỗi đợt nuôi 40 - 50 con heo, thu lãi hàng năm hơn 70 triệu đồng. Trên đà phát triển, anh Phong đang tiếp tục đầu tư trang trại nuôi heo, gà trên diện tích 2,5ha ngay tại xã Bình Trung, sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2016. Từ những thành công trong việc phát triển kinh tế hộ, anh mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Phong với vốn điều lệ hơn 2,4 tỷ đồng, chuyên kinh doanh các ngành nghề: dịch vụ thức ăn gia súc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi gia súc, gia cầm, xây dựng dân dụng và công nghiệp... Hợp tác xã đi vào hoạt động đã tạo việc làm ổn định cho 8 thanh niên địa phương.

DIỄM LỆ - THÚY HẰNG

DIỄM LỆ - THÚY HẰNG