Vị thế nào cho công nghiệp văn hóa miền Trung?
(QNO) - Bên cạnh nhiều ngành công nghiệp thế mạnh được đề cập, phải chăng ngành công nghiệp văn hóa cũng cần được đánh giá đúng mức về khả năng tạo ra đột phá trong dự thảo quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung?
Câu chuyện này đã được bàn thảo nhân hội nghị hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bàn về công tác quy hoạch vùng vừa diễn ra hôm 11/10 tại TP.Đà Nẵng.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đồ án quy hoạch vùng cần phải dành sự đầu tư đúng mức hơn để đánh giá sâu, rõ hơn trong lĩnh vực văn hóa, di sản. Hệ thống di sản văn hóa, trong đó văn hóa Chămpa là một yếu tố nội hàm cần khai thác để tạo ra sự khác biệt của Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung so với các vùng khác.
"Dư địa, tiềm năng để tạo đột phá cho lĩnh vực văn hóa của vùng này là phải khai thác, phát triển cho được công nghiệp văn hóa. Đây là lợi thế lớn của vùng và tùy theo địa phương sẽ có các điểm nhấn riêng, lĩnh vực thế mạnh để lan tỏa và thúc đẩy công nghiệp văn hóa" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Mở rộng câu chuyện thúc đẩy liên kết vùng nhìn từ góc độ văn hóa, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, với đặc thù trải dài chứ không có không gian gọn như các vùng khác, câu chuyện liên kết vùng không phải là điều dễ dàng. Do đó, chúng ta phải tìm được câu chuyện để chuyển tải xuyên suốt và con đường di sản là ý tưởng đặc sắc cần mở rộng chứ không chỉ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam như ban đầu.
"Nếu hiểu theo một khái niệm rộng hơn về di sản - lịch sử thì nó sẽ kết nối từ tận vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh xuyên suốt miền Trung vào đến xứ Quảng theo con đường mở cõi của thế hệ tiền nhân. Đó chính là câu chuyện để kết nối các địa phương trong vùng. Trên hành trình con đường đó chúng ta sẽ định vị tất cả các vấn đề có thể liên kết được ở mọi lĩnh vực dựa trên yếu tố lịch sử chứ không chỉ căn cứ vào yếu tố tự nhiên" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Tại Việt Nam, trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa được xác định bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
Hiện trong số 9 thành phố của Việt Nam đăng ký xây dựng hồ sơ ứng cử gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, có đến 3 thành phố nằm trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, gồm TP.Huế, TP.Đà Nẵng và TP.Hội An.
Ba thành phố này dựa trên đặc trưng của mình đã chọn các lĩnh vực lợi thế để hướng đến thành phố sáng tạo gồm ẩm thực (Huế), nghệ thuật truyền thông đa phương tiện (Đà Nẵng), thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian (Hội An). Ngoài ra, TP.Nha Trang đang được tạo điều kiện để xây dựng thành "thành phố điện ảnh".
Đây đều là những bước đi đáng chú ý để các đô thị trên hướng đến việc xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa mang bản sắc riêng của từng địa phương cũng như dần hướng đến nền tảng công nghiệp văn hóa cho cả vùng trong tương lai.
Soi chiếu vào các ngành công nghiệp văn hóa đã được xác định trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, Quảng Nam hiện có một số thế mạnh đáng kể như: du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm...
Tại một buổi tọa đàm về Hội An hướng đến thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, PGS-TS.Đỗ Thị Thanh Thủy - Trưởng Ban Nghiên cứu Văn hóa (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, Hội An có nhiều lợi thế để hướng đến thành phố sáng tạo toàn cầu nhưng cần tiến hành nghiên cứu đánh giá chính xác tình trạng hiện có của các ngành công nghiệp sáng tạo, đặc biệt là thủ công mỹ nghệ và dân gian chọn tham gia mạng lưới.
Theo PGS-TS.Đỗ Thị Thanh Thủy, việc này cần đo lường thực tế thông qua các chỉ số như: vốn nhân lực, số lượng các doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, giá trị mà ngành công nghiệp sáng tạo sản xuất ra hoặc cung cấp lượng việc làm, tác động lan tỏa, phân bổ ngân sách và chi tiêu thực tế cho các chương trình liên quan đến ngành cũng như lập bản đồ các hoạt động văn hóa và cơ sở hạ tầng của thành phố bằng xác định các khoảng trống và phát huy tài sản văn hóa hiện tại...