Tổng dư nợ tín dụng chính sách cả nước đạt gần 280 nghìn tỷ đồng

Q.VIỆT 29/12/2022 15:20

(QNO) - Sáng nay 29/12, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78 ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Quang cảnh hội nghị ở điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: Q.VIỆT
Quang cảnh hội nghị ở điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: Q.VIỆT

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH Nguyễn Thị Hồng và Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng đồng chủ trì hội nghị. Ở điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh và Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam Lê Hùng Lam chủ trì.

Theo báo cáo, đến ngày 30/11/2022, tổng nguồn vốn chính sách đạt gần 298 nghìn tỷ đồng (tăng gần 291 nghìn tỷ đồng, gấp 41,9 lần so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%). Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, thể hiện rõ phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”.

Đến ngày 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng, gấp 32 lần so với năm 2002, với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong tổng dư nợ CSXH, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng (chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ); dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng (chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ); dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng (chiếm 24,7% với hơn 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ).

Chất lượng tín dụng CSXH luôn được duy trì, củng cố, nâng cao, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ hồi năm 2002 xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ tại thời điểm 30/11/2022.

Tín dụng chính sách đến với đồng bào miền núi tạo động lực giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Ảnh: Q.VIỆT
Ngân hàng CSXH Quảng Nam đưa vốn đến người nghèo tại các điểm giao dịch cấp xã. Ảnh: Q.VIỆT

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, qua 20 năm triển khai Nghị định số 78, đặc biệt sau 8 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống. Đây là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực.

Vốn vay ưu đãi đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo, đối tượng chính sách, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện tại các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Cùng với đó hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới.

Ghi nhận những nỗ lực toàn hệ thống Ngân hàng CSXH trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái hy vọng trong giai đoạn tiếp theo, đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng chính sách không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng, kết hợp với chính quyền địa phương nâng cao chất lượng tín dụng, lồng ghép các chương trình vay vốn với đào tạo nghề, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả.

Giai đoạn từ năm 2023 đến 2030, Ngân hàng CSXH Việt Nam đề ra mục tiêu cụ thể là duy trì, tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù; tăng cường nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.

Trong đó, tăng trưởng tín dụng bình quân hằng năm khoảng 10%; cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững; tăng dần tỷ trọng nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; hằng năm, ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm khoảng 15-20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung; đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn chính sách; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%/tổng dư nợ.

Q.VIỆT