Kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện giải ngân đối với các chương trình mục tiêu quốc gia
(QNO) - Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023.
Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đánh giá, năm 2022 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tình hình an ninh, cạnh tranh giữa các nước lớn cũng như dịch bệnh, thiên tai trên thế giới diễn biến phức tạp... nhưng kinh tế - xã hội của Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả khởi sắc trên tất cả lĩnh vực.
Các chính sách hỗ trợ kịp thời được ban hành; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai khẩn trương bước đầu đã phát huy hiệu quả. Việc kiểm soát được dịch COVID-19 là nền tảng quan trọng để mở cửa nền kinh tế, đưa đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới ngay từ đầu năm.
Qua đó đã khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự đồng hành chủ động, tích cực, linh hoạt và giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu Lê Văn Dũng cũng nêu nhiều khó khăn trong đời sống xã hội. Đó là việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, biên giới, vùng căn cứ cách mạng chưa tương xứng, người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong khi đó việc phân bổ vốn của Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương chậm, khiến các chính sách dân tộc bị gián đoạn, chậm cơ hội tiếp cận nguồn lực để phát triển, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chương trình.
Đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ ngân sách đầu tư cho các xã biên giới từ 15-20 tỷ đồng/năm để phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp chênh lệch vùng miền. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho chủ trương gia hạn thời gian thực hiện giải ngân đến 30/6/2023 đối với các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời xem xét quy định thời gian giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 12 tháng kể từ ngày phân bổ vốn là phù hợp, nhằm đảm bảo đủ thời gian cho các địa phương, đơn vị triển khai.
Đại biểu Lê Văn Dũng cũng nêu khó khăn trên lĩnh vực y tế. Đó là năng lực, cơ sở vật chất lĩnh vực y tế công còn hạn chế, thiếu về số lượng và chất lượng; nguồn nhân lực vừa thừa mà vừa thiếu, chất lượng còn thấp; thu nhập, chế độ, chính sách đối với cán bộ, viên chức, nhân viên ngành y chưa tương xứng với trình độ đào tạo và mức độ công việc; công tác đấu thầu thuốc gặp nhiều vướng mắc dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất xảy ra phổ biến ở hầu hết bệnh viện.
Từ thực trạng trên, đại biểu đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế trong công tác đấu thầu thuốc; có chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế để đảm bảo cuộc sống; đồng thời thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ lâu dài, ổn định trong ngành y.
Theo đại biểu Lê Văn Dũng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo Nghị định 34 ngày 24/4/2019 của Chính phủ còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho địa phương; sự phân biệt giữa công chức cấp xã và công chức cấp huyện trong công tác luân chuyển cán bộ làm ảnh hưởng, giảm động lực làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức.
Để khắc phục bất cập trên, đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 34 theo hướng xóa bỏ chức danh “người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”, tăng số lượng công chức cho cấp xã và sửa đổi Luật Cán bộ, công chức theo hướng quy định công chức 4 cấp (kể cả cấp xã).