Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: "Đưa sâm Ngọc Linh trở thành quốc kế dân sinh"
(QNO) - Chiều nay 6.8, tại TP.Tam Kỳ, Báo Tuổi trẻ phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Kon Tum tổ chức hội thảo "Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia". Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự.
Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL), lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Nam, Kon Tum cùng đông đảo chuyên gia hàng đầu về sâm Ngọc Linh.
Tìm giải pháp nâng tầm sâm Ngọc Linh
Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá toàn diện cơ chế, chính sách và thực trạng quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh hiện nay; tìm ra các giải pháp thúc đẩy mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh; tạo động lực hiện thực hóa Đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam, với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực; nâng cao giá trị của sâm Ngọc Linh, góp phần đưa sâm Ngọc Linh trở thành một thương hiệu quốc gia.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Thế Chữ - Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ đặt vấn đề làm sao để sâm Ngọc Linh phát triển nhanh, mạnh hơn nữa? Đó là câu hỏi mà từ nhà quản lý đến nhà khoa học, doanh nghiệp đều đang đi tìm câu trả lời, nhằm đưa cây sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh.
Tại hội thảo, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, hội thảo lần này vừa thể hiện niềm tin, vừa là tinh thần, tạo động lực thúc đẩy trách nhiệm của địa phương và các đối tác, doanh nghiệp liên quan đối với sự phát triển sâm Ngọc Linh, nâng cao thương hiệu quốc gia.
Ngày 5.6.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia. Thủ tướng khẳng định sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam, tinh hoa trời đất ban tặng; do đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần gìn giữ, bảo tồn và phát triển quốc bảo này trở thành quốc kế dân sinh cho người dân, cho đất nước.
Theo ông Hồ Quang Bửu, trong nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và sự tham gia hợp tác tích cực của các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân nên tình hình bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trong đã có những chuyển biến tích cực.
Tại Quảng Nam đã có 20 doanh nghiệp, hàng trăm nhóm hộ và hàng nghìn người dân đã thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh. Trong thời gian qua, thu nhập và đời sống người dân vùng trồng sâm được nâng lên đáng kể, có nhiều gia đình tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng, nhà cửa khang trang, đời sống văn hóa cũng được nâng cao.
Từ khi phát triển trồng sâm đến nay, các hoạt động như lễ hội sâm Ngọc Linh hằng năm, phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng đã đem lại thu nhập cao cho nhân dân, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Tuy nhiên, để sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia thì còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, định hướng và tập trung đầu tư nhiều hơn nữa. Do đó, tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sâm đã chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, đưa ra giải pháp bảo vệ, nuôi trồng sâm Ngọc Linh hiệu quả, đa dạng hóa công nghiệp chế biến sâm Ngọc Linh; chia sẻ bí quyết xây dựng, quảng bá thương hiệu, phát triển du lịch nhờ sâm Ngọc Linh.
Các doanh nghiệp về sâm cũng trao đổi kinh nghiệm về quy trình trồng, sản xuất sâm đảm bảo chất lượng sản phẩm, bao bì đóng gói, nhãn mác, thương hiệu uy tín, quản lý theo quy chuẩn trong nước và quốc tế.
Đưa sâm Ngọc Linh trở thành quốc kế dân sinh
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sâm Ngọc Linh không phải để trong tủ kính, mà phải giải quyết việc làm cho nhân dân, trở thành quốc kế dân sinh, thành thương hiệu quốc gia. Chủ tịch nước đánh giá cao Báo Tuổi trẻ, tỉnh Quảng Nam và Kon Tum phối hợp tổ chức hội thảo, đây là việc làm thiết thực để đưa sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia. Từ đó, đưa sâm Ngọc Linh phát triển sản lượng lớn hơn.
Chủ tịch nước cũng cho rằng, hội thảo không chỉ nói về chính sách tạo động lực phát triển sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam, mà phải tìm tòi những biện pháp tốt nhất, phù hợp nhất để phát triển sâm Ngọc Linh. Việt Nam phải phát triển loại dược liệu này, phát triển vươn tầm, sánh ngang với các loại sâm trên thế giới. Các nước đã chế biến, sản xuất ra hàng trăm sản phẩm từ sâm. Từ đó đặt ra trách nhiệm cho nhà quản lý, nhà sản xuất.
Hàng năm các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum đã bảo tồn, phát triển, có nhiều giải pháp tích cực, nâng quy mô vùng nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh, bảo tồn sâm Ngọc Linh ngày càng tốt hơn. Bây giờ sâm đã có số lượng, muốn quốc kế dân sinh phải có sản lượng lớn, không thể nhỏ giọt được. Xu hướng này đã được Quảng Nam và Kon Tum quan tâm.
Theo Chủ tịch nước, chất lượng sâm phải đảm bảo, sản lượng lớn, thị trường giá cả tốt. Các ngành chuyên môn cần đặt ra vấn đề phát triển, đối diện thách thức, khó khăn cần nhận diện hiện nay như dịch bệnh làm chết sâm, sâm giả trà trộn làm ảnh hưởng uy tín của sâm Ngọc Linh, khoa học công nghệ chưa được chú trọng nhất là bảo tồn, nhân giống gốc sâm Ngọc Linh, đa dạng sản phẩm sâm Ngọc Linh còn hạn chế...
"Chúng ta cần học tập các nước, chế biến sản phẩm sâm Ngọc Linh mạnh mẽ hơn. Việc phát triển có những bước tiến nhưng chỉ mới bước đầu, chưa phải là thương hiệu quốc gia hùng mạnh mang lại ích nước lợi dân" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Sâm Ngọc Linh ngoài giá trị sức khỏe còn có giá trị kinh tế to lớn nhưng chưa được phát triển xứng tầm. Do đó, Chủ tịch nước yêu cầu cần suy nghĩ về vấn đề này. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở phát triển ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh với giá trị tỷ đô hoàn toàn là điều có thể làm được. Cần khắc phục sản lượng ít, giá trị thấp. Cần thực hiện nghiêm túc, bài bản, cần nhiều nỗ lực, tâm huyết, sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các bộ, ngành của Trung ương.
Từ những gợi mở trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thực hiện đồng thời vừa phát triển vừa bảo tồn sâm Ngọc Linh; các nhà sản xuất và cơ quan nghiên cứu cần học hỏi phát triển ngành sâm như các quốc gia đã làm, đưa sâm Ngọc Linh phát triển sản phẩm từ phân khúc thấp đến cao, nhưng chú trọng sản phẩm cao cấp quan trọng hơn; bảo vệ nguồn gen thuần chủng, không bị lai tạp với các loại khác; làm tốt chức năng chỉ dẫn địa lý, bảo hộ sản xuất, sản phẩm.
Bên cạnh đó, nghiên cứu những vùng địa lý có điều kiện khí hậu tương đồng để di thực sâm Ngọc Linh; cần có khởi tích, giai thoại và lịch sử rõ ràng của cây sâm Ngọc Linh, những câu chuyện, giai thoại về sâm sẽ làm tăng giá trị cho sâm Ngọc Linh; bảo hộ thương hiệu và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh là thương hiệu sâm Việt Nam, thương hiệu quốc gia; cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông trong xây dựng thương hiệu quốc gia.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu cần ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, nhân giống, chế biến sản phẩm sâm Ngọc Linh, cạnh tranh được với sản phẩm sâm trên thế giới. Cần kêu gọi, thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp có tâm, tầm nhìn và nguồn lực tài chính, hỗ trợ có chọn lọc, khuyến khích liên doanh liên kết để tạo sản phẩm tốt, phải có sản phẩm sâm Ngọc Linh là xứng tầm thương hiệu quốc gia.
"Phải giữ rừng để trồng sâm Ngọc Linh, quyền lợi của người dân phải được đặt lên trên, phải hưởng lợi được từ sâm Ngọc Linh. Cần sự chung tay vào cuộc của tất cả cấp ngành, địa phương, người dân ở vùng núi Ngọc Linh. Hai địa phương Quảng Nam, Kon Tum tiếp tục nuôi trồng, chế biến, liên kết phát triển sản phẩm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia, vươn tầm thế giới" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Quảng Nam đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng và phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045. Việc xây dựng chương trình là rất cần thiết để tỉnh có cơ chế và dành nguồn lực phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành nhóm ngành kinh tế mang lại giá trị cao của đất nước, đưa sâm Việt ra thế giới. Nếu được thông qua, đây sẽ là động lực để sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, phát triển xứng tầm và có cơ hội đưa sâm Việt ra thị trường thế giới.