Tìm "tiếng nói chung" để liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới

TRỊNH DŨNG - HỮU PHÚC 01/07/2022 16:49

(QNO) - Chiều nay 1.7,  Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức tọa đàm "Liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới". Chủ trì tọa đàm có đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 39; đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 39; đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Đại diện lãnh đạo 5 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trao đổi tại buổi tọa đàm. Ảnh: DP
Đại diện lãnh đạo 5 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trao đổi tại buổi tọa đàm. Ảnh: DP

Tham dự tọa đàm còn có các chuyên gia kinh tế nổi tiếng, đại diện các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo 5 tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định và TP.Đà Nẵng). Đây là buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 39, ngày 16.8.2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25, ngày 2.8.2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39 trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết, gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 39, 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW, Quảng Nam đã từng bước liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên; đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vươn lên trong từng giai đoạn đổi mới, đưa Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông thành một tỉnh khá trong khu vực, có quy mô nền kinh tế đạt gần 103 nghìn tỷ đồng (năm 2021), tăng gấp 14,5 lần so với năm 2004. 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: DP
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu tại cuộc tọa đàm. Ảnh: DP

Năm 2021, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, gấp 15,4 lần so với năm 2005; trong đó, thu nội địa tăng gấp 31,24 lần, thu xuất nhập khẩu tăng 5,5 lần; là một trong 16 tỉnh, thành có đóng góp về ngân sách Trung ương. 

Đại biểu phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: DP
Đại biểu phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: DP

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cũng thắng thắn nhìn nhận, Quảng Nam chưa khai thác hiệu quả các lợi thế tài nguyên; trình độ, trang bị kỹ thuật của các ngành kinh tế biển còn thấp so với các nước trong khu vực. Các dự án FDI đầu tư vào ngành công nghiệp có quy mô nhỏ. Chất lượng đô thị trên địa bàn chưa đồng đều; đời sống của một bộ phận nhân dân khu vực miền núi còn nhiều khó khăn…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng theo nguyên tắc cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau có lợi. Khai thác hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng kết nối nội vùng, liên vùng; đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh các ngành, lĩnh vực nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Cần thiết phải có một hội đồng vùng để điều phối cho sự phát triển của toàn Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cơ chế thế nào thì sẽ xây dựng và phát triển mạnh mẽ hơn về vai trò và tiếng nói với địa phương, Trung ương. Đặc biệt là cho cơ chế và nguồn lực để phát triển cho toàn vùng.

Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đã đánh giá tiềm năng, lợi thế từng địa phương, xu hướng tất yếu, lợi ích địa phương, những thuận lợi, khó khăn khi liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đề xuất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường liên kết phát triển phù hợp với bối cảnh mới, nhất là các giải pháp về thể chế, các cơ chế, chính sách nhằm khai thông, bổ sung nguồn lực thúc đẩy liên kết phát triển vùng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu. Ảnh: DP
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu. Ảnh: DP

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Nghị quyết 39 định hướng phát triển để “trở thành vùng kinh tế động lực thúc đẩy, lôi kéo các địa phương khác mà trước hết là các tỉnh trong vùng cùng phát triển; phát huy tối đa tác động hành lang Đông - Tây của tiểu vùng Mê Kông mở rộng, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và vùng Đông Bắc Thái Lan". 

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: DP
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: DP

Lợi thế của vùng có hệ thống cảng biển khá dày đặc, hình thành con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới. Đặc biệt, hội tụ các điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải...

Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển còn chậm, đang là “vùng trũng” trong các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước. Tăng trưởng kinh tế còn thiếu ổn định; quy mô kinh tế còn nhỏ; quy hoạch phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn nhiều bất cập; hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ cản trở tổ chức không gian phát triển; các đô thị thiếu liên kết thành một hệ thống thống nhất, vai trò hạt nhân của Đà Nẵng chưa cao...

"Qua buổi tọa đàm, các bộ ngành, lãnh đạo các địa phương và các nhà khoa học cần làm rõ thuận lợi và khó khăn trong thực tiễn liên kết phát triển kinh tế vùng. Từ đó, đề xuất những định hướng về các thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực mới, các động lực liên kết mới cho các ngành, lĩnh vực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đảm bảo phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ" -  Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. 

TRỊNH DŨNG - HỮU PHÚC