Giá trị sản xuất các ngành kinh tế Thăng Bình quý I đạt 2.650 tỷ đồng
(QNO) - Chiều nay 5.5, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Thăng Bình về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, quý I.2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và định hướng phát triển đến năm 2025.
Theo ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, trong năm 2021 và quý I.2022, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc đồng bộ; thành lập, vận hành 11 khu cách ly tập trung do huyện quản lý, 20 khu cách ly tập trung tại các địa phương; tổ chức đón gần 1.000 người dân tại TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng về cách ly tập trung; thành lập và vận hành các khu điều trị F0 thể nhẹ tại Nhà đa năng - Trạm Y tế Bình Đào, Trạm Y tế Bình Phục và Trung tâm Y tế huyện.
Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế Thăng Bình năm 2021 đạt 10.066 tỷ đồng, vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng 6,57%, cơ cấu giữa các ngành nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ tương ứng là 19,78% - 42,96% - 37,26%. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế ở quý I.2022 đạt 2.650 tỷ đồng (24,51% kế hoạch năm), tốc độ tăng trưởng 18,57%.
Về định hướng phát triển đến năm 2025, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện xác định Thăng Bình là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội của hành lang trung Quảng Nam và vùng đông nam của tỉnh. Trên cơ sở đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đã đề ra các chỉ tiêu, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế bình quân hằng năm đạt 9 - 10%; thu nhập thực tế bình quân đầu người năm 2025 đạt hơn 68 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng hơn 45%, dịch vụ 43%, nông - lâm nghiệp, thủy sản dưới 12%; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm hơn 14%; thu phát sinh kinh tế trên địa bàn đạt hơn 2.700 tỷ đồng; năm 2025, thu phát sinh kinh tế đạt từ 700 - 800 tỷ đồng.
Thăng Bình phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 hơn 35%; phát triển đô thị Hà Lam về phía đông nam; xây dựng quảng trường trung tâm huyện làm nơi tổ chức các sự kiện quan trọng; từng bước đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đông, tạo bộ mặt đô thị Bình Minh, xây dựng quảng trường biển để tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao miền biển của huyện, tỉnh.
Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, ông Võ Văn Hùng cho biết đang hoàn chỉnh các hồ sơ quy hoạch trình duyệt làm cơ sở tổ chức quản lý và triển khai thực hiện đầu tư; thực hiện điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp; lập mới các đồ án quy hoạch phân khu sau khi quy hoạch vùng huyện và các quy hoạch có liên quan được phê duyệt. Thăng Bình tập trung cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án trọng điểm; đầu tư các khu dân cư phục vụ giải phóng mặt bằng và tạo nguồn thu để đầu tư hạ tầng.
Cùng với đó, tập trung các nguồn lực cho đầu tư, xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, phấn đấu năm 2022 giải ngân hơn 95% các nguồn vốn; tăng cường thu ngân sách; tiếp tục giải quyết các tồn tại liên quan đến vấn đề đất đai như đất trước năm 1980, đất 5%, đất sau dồn điền đổi thửa, đất thổ cư… theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh; tập trung phát triển các ngành kinh tế theo định hướng, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp...