Cần phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản

VIỆT NGUYỄN 30/03/2022 08:39

(QNO) - Các hành vi đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt có xu hướng tăng nên cần cấp thiết có giải pháp bảo vệ, tái tạo và phục hồi tài nguyên biển.

Ngành thủy sản thả tôm sú giống ở rừng dừa Bẩy Mẫu sáng nay 29.3. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngành thủy sản thả tôm sú giống ở rừng dừa Bảy Mẫu sáng nay 29.3. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Báo động suy giảm 

Nhiều loài thủy sản quý hiếm như cá dìa, cá hồng, cá mú đã giảm mạnh về số lượng và chất lượng ở vùng biển Cửa Đại (Hội An). Ngư dân Nguyễn Hảo (thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh, Hội An) cho biết, những năm trước đây, cứ đến dịp cuối tháng 3, đầu tháng 4 là đi đánh bắt cá dìa, cá mú, cá hồng cỡ nhỏ để bán cho các cơ sở ương nuôi giống thủy sản. Năm nay, các loại cá trên không thấy sinh sản.

“Các loại ghe thuyền đánh bắt thủy sản tận diệt như lồng bẫy Trung Quốc, giã cào, pha xúc tăng mạnh nên thủy sản không có điều kiện sinh sôi như mọi năm. Rất cần các cơ quan có quy hoạch khu vực bảo tồn thủy sản ở ven biển Cửa Đại; kết hợp với xử phạt mạnh tay nạn đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt” - ông Hảo nói.

Nhiều ngư dân sống ven biển Tam Hải (Núi Thành) cho biết không thấy các loài cá quý hiếm như cá hô, cá tra, cá bàng chài, cá liệt trong suốt quá trình đánh bắt thủy sản thời gian gần đây. TS. Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội An) cho rằng, nhiều hệ sinh thái đầm phá, ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh đã bị suy thoái do mặt trái của các hoạt động kinh tế - xã hội. Hệ lụy là đa dạng sinh thái, đa dạng sinh học bị giảm sút, nhiều loài thủy sản quý hiếm bị tuyệt diệt.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Việc bảo tồn, tái tạo, phát triển, phục hồi nguồn lợi thủy sản là yêu cầu cấp thiết để không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và bền vững của ngành thủy sản. Bước vào giai đoạn mới, phát triển thủy sản bền có trách nhiệm cũng là xu thế tất yếu”.

Nhanh chóng phục hồi, tái tạo 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi, nhất thiết phải kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Lực lượng thanh tra thủy sản, kiểm ngư ở các địa phương phải xử lý mạnh tay các hành động tận diệt thủy sản.

“Cần phải quản lý chặt ở các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, đường di cư tự nhiên của loài thủy sản. Các địa phương rà soát, điều chỉnh, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản, đảm bảo phù hợp với khả năng khai thác cho phép của nguồn lợi thủy sản” - ông Tiến nói.

Người dân hưởng ứng thả tôm sú giống để bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân hưởng ứng thả tôm sú giống để bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Theo ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, để đảm bảo sinh kế cho ngư dân, các địa phương có nghề cá cần chuyển đổi các nghề có nguy cơ xấu đến nguồn lợi, tạo sinh kế bền vững, nhất là hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản. Cùng vào đó là thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội vào công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đẩy mạnh thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa.

(CLIP) - Chi cục Thủy sản Quảng Nam tổ chức thả tôm sú giống xuống khu vực rừng dừa Bảy Mẫu:

Sáng 29.3, Chi cục Thủy sản Quảng Nam tổ chức thả 1,2 triệu con tôm sú giống (post 15) xuống khu vực rừng dừa Bảy Mẫu (thuộc xã Cẩm Thanh, nơi giáp với biển Cửa Đại, Hội An). Ngoài ra, theo kế hoạch, ngành thủy sản sẽ thả 5.000 con giống cá dìa, cá chẻm, cá măng xuống khu vực ven biển Cửa Lở (xã Tam Hải, Núi Thành). Các hoạt động trên vì mục đích gia tăng cá thể, loài thủy sản.

Ông Đặng Thanh Tâm - đại diện Khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu hào hứng nói: “Chúng tôi luôn luôn ý thức trách nhiệm về bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi. Đa dạng sinh thái được duy trì sẽ giúp chúng tôi tạo được các tour du lịch hấp dẫn, đem đến nhiều trải nghiệm cho du khách”.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trên cơ sở chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành nông nghiệp đang tham mưu UBND tỉnh kế hoạch bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển.

VIỆT NGUYỄN