Giải pháp căn cơ nào để giải quyết tình trạng ngập lụt TP.Tam Kỳ?
(QNO) - Đó là vấn đề được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, nêu chất vấn đối với ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 diễn ra sáng nay 8.12.
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh gửi bằng văn bản trước kỳ họp, ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Diễn biến phức tạp của thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, cụ thể nhất là từ năm 2018 đến nay ngày càng gia tăng, không những gây ngập lụt cho các đô thị mà còn gây sạt lở đất, triều cường, xói lở bờ biển, bờ sông ngày càng nghiêm trọng.
Từ những khó khăn thách thức trên, Sở Xây dựng đã chủ động phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nghiên cứu đề tài “Đánh giá diễn biến ngập lụt và đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt TP.Tam Kỳ trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu”. Qua đó tìm nguyên nhân và đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm giảm ngập một cách bền vững cho thành phố.
“Ngày 25.11 vừa qua, Sở Xây dựng phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Đánh giá hiện trạng và xác định nguyên nhân ngập lụt TP.Tam Kỳ và vùng phụ cận”. Có thể nói đây là một nội dung nóng hiện nay” - ông Phú nói.
Theo đó, hội thảo đã bước đầu đưa ra đánh giá về 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt TP.Tam Kỳ, các vùng phụ cận và 3 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng này. Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng hoàn thiện nghiên cứu đề tài khoa học nêu trên. Phối hợp với TP.Tam Kỳ tìm giải pháp thoát nước trong nội đô trong thời gian sớm nhất, báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Tham gia chất vấn về nội dung này, đại biểu Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho rằng, các nguyên nhân như ông Phú nêu ra chưa đầy đủ. Trong đó nguyên nhân do nước từ Thăng Bình và Phú Ninh đổ về sông Bàn Thạch lớn làm mực nước sông dâng cao hơn cao trình các cửa xả từ nội đô thoát ra sông chưa phải là một trong những nguyên nhân chính.
“Sở có giải pháp nào căn cơ hơn cho việc giải quyết tình trạng ngập lụt TP.Tam Kỳ, như việc nạo vét sông Trường Giang để góp phần thoát lũ có được xem là giải pháp căn cơ hay không?” - ông Vỹ đặt vấn đề.
Từ việc khảo sát thực tế tại địa phương, đại biểu Trần Nam Hưng - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ thừa nhận, tình trạng ngập úng cục bộ khu vực nội thị và ngập lụt lớn trên diện rộng ở các khu vực lân cận có nhiều nguyên nhân. Ngoài biến đổi khí hậu, còn do đầu tư xây dựng hạ tầng các khu dân cư gây ra tình trạng ngập lụt rất lớn. Trong khi đó, năng lực thoát nước của hạ tầng nội thị rất kém. Việc khớp nối hạ tầng ra hệ thống cấp thoát nước cũng rất cũ kỹ, yếu kém. Rất cần có nguồn lực lớn và giải pháp căn cơ, cách thức tổ chức thực hiện.
Phát biểu làm rõ thêm vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho rằng, tình trạng nhập lụt tại TP.Tam Kỳ ngày càng phức tạp hơn do nhiều nguyên nhân. Theo đó, cần có giải pháp giải quyết hết sức quyết liệt, căn cơ hơn, trên cơ sở có đánh giá, cái nhìn toàn diện. Nhất là trong công tác quy hoạch không để xảy ra tình trạng dự án này ảnh hưởng đến dự án kia, dẫn đến tình trạng ngập lụt như vừa qua.
Theo ông Quang, hệ thống thoát lũ của Tam Kỳ có những hạn chế, tỉnh sẽ nghiên cứu để có những giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài, như cắt giảm lũ đổ về Tam Kỳ. UBND tỉnh có đề tài nghiên cứu sâu để giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển, xử lý ngập lụt của đô thị tỉnh lỵ TP.Tam Kỳ, với quan điểm trong điều kiện nguồn lực khó khăn, tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư để thành phố phát triển xứng tầm, đủ điều kiện đạt chuẩn đô thị loại 1 như định hướng của Tỉnh ủy, Đảng bộ thành phố đặt ra.
“Đầu tư nâng cấp đường Hùng Vương nhằm nâng cấp bộ mặt đô thị và thoát nước nội thị, hay việc nạo vét, cải tạo sông Bàn Thạch góp phần thoát lũ cũng đã được tính toán đến. Tỉnh cũng đang xúc tiến các bước nghiên cứu tiền khả thi để vay vốn đầu tư nạo vét sông Trường Giang…” - ông Quang chia sẻ.
Giải trình về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết: Trong năm 2021, tổng số giấy chứng nhận đã cấp theo thẩm quyền là 25.154 hồ sơ. Có 1.817 hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị trễ hẹn. Việc trễ hẹn tập trung ở hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu, thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện.
Nguyên nhân chủ quan là do công tác phối hợp với các ngành liên quan (Phòng Tài nguyên - môi trường, Quản lý đô thị, Kinh tế - hạ tầng, ngành thuế…) về cấp giấy chứng nhận lần đầu chưa kịp thời. Việc tiếp cận và ứng công nghệ thông tin về cơ sở dữ liệu đất đai đối với thủ tục hành chính đất đai còn hạn chế.
Công tác kiểm tra, giám sát cán bộ trong thực thi công vụ tại các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện chưa thường xuyên. Lực lượng cán bộ, công chức các cơ quan chuyên môn cấp huyện mỏng, trong khi đó khối lượng hồ sơ thẩm định nhiều. Năng lực tham mưu của cán bộ chưa đồng đều nên vẫn còn một số hồ sơ còn nhiều sai sót phải trả lại nhiều lần.