Quốc hội quyết chỉ tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm 2022
(QNO) - Chiều nay 12.11, với 94,59% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2022 ở mức 6 - 6,5%.
Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế; có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021 trên nền tăng trưởng thấp (khoảng 2%); bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Vì vậy, việc đặt chỉ tiêu 6 - 6,5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ; đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022.
Về ý kiến đề nghị cần xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau, đặt mục tiêu cao hơn đối với chỉ tiêu lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ bội chi lên 5% GDP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với Chính phủ đang khẩn trương xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược tổng thể về phòng chống dịch Covid-19. Trong đó có nội dung cân đối ngân sách và bội chi, sẽ sớm trình Quốc hội xem xét.
“Việc xây dựng kịch bản tăng trưởng, các chỉ tiêu chủ yếu đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo nghị quyết. Cụ thể: GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5 - 25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%...” - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số...