Nỗ lực phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19
(QNO) - Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; cần có những chỉ đạo rất cụ thể, quyết liệt từ các ngành, địa phương để phục hồi kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 là các nội dung được Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 21 bàn đến.
Tỉnh ủy đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng 9 tháng qua đạt thấp. Thảo luận nội dung này, nhiều ý kiến lo ngại khả năng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản sẽ khó được cải thiện, không đạt mục tiêu đề ra vào cuối năm.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, từ nay đến cuối năm sẽ đạt được tỷ lệ giải ngân hơn 90%. Con số này phải đạt trên thực tế chứ không còn chung chung, mơ hồ. Bởi tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện; trong đó, tập trung rà soát lại toàn bộ nguồn vốn đầu tư (ODA, Trung ương, ngân sách của tỉnh), từ đó có đề xuất điều chuyển nguồn vốn từ dự án này sang dự án khác đã có thủ tục pháp lý, trong cùng nội bộ ngành, đơn vị, địa phương. Đến hết ngày 30.9.2020, các dự án chưa đạt tỷ lệ giải ngân 60% trở lên thì sẽ được điều chuyển sang dự án khác.
Ông Đặng Phong cho biết, cứ 15 ngày trên Trang thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và đầu tư sẽ thể hiện rất chi tiết kết quả giải ngân của khối đơn vị, địa phương, ngành. Để trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương theo dõi, có sự chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư.
Từ thực tiễn địa phương, ông Đặng Hữu Lên - Bí thư Thị ủy Điện Bàn cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Đối với những dự án đầu tư công thì việc giải phóng mặt bằng được thuận lợi, được tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhân dân đồng thuận cao. Nhưng các dự án đầu tư tư thì gặp rất nhiều khó khăn, do cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng đã nhiều năm chưa được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp; giá cả đền bù thấp, việc chuyển đổi nghề như thế nào để người dân ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất thì chưa có giải pháp căn cơ...
Theo ông Lên, công tác giải phóng mặt bằng của Điện Bàn gặp nhiều khó khăn còn do các dự án nhiều năm không triển khai được, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Theo đó, địa phương kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại các dự án “treo” nhiều năm đến nay không triển khai được hoặc do vướng mật độ dân cư sinh sống quá dày, không có nguồn lực giải phóng mặt bằng; từ đó cho chủ trương thực hiện chỉnh trang sắp xếp lại dân cư, điều chỉnh dự án. Có như vậy mới sớm ổn định được đời sống nhân dân vệt ven biển phía đông của thị xã...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các ngành, địa phương phải tập trung nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công; tranh thủ tối đa thời gian để triển khai thực hiện các công trình theo đúng tiến độ, bởi miền Trung đã bước vào mùa mưa. UBND tỉnh sẽ sớm ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm cấp tỉnh, tham mưu đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban. Các địa phương cũng nên nghiên cứu theo mô hình đó, nhất là địa bàn trọng điểm về giải phóng mặt bằng kể cả đầu tư công và đầu tư tư. Từ đó cùng tập trung tháo gỡ nút thắt về công tác giải phóng mặt bằng.
Phân tích về những khó khăn, trở ngại trong phục hồi kinh tế của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam có quy mô nền kinh tế lớn, chủ yếu dựa vào các nhóm ngành kinh tế chủ lực ô tô, bia, thủy điện, du lịch. Khi bị ảnh hưởng thì 4 ngành này ảnh hưởng nặng nề nhất (cả về chính sách vĩ mô, thời tiết, dịch bệnh Covid-19), kinh tế giảm sâu nên bài toán làm sao phục hồi trở lại đã khó, chứ chưa nói vượt qua.
“Các ngành, địa phương phải nỗ lực, nhất là các địa phương kinh tế giảm sâu như Hội An phải có những chỉ đạo rất cụ thể, quyết liệt thì mới có thể phục hồi phát triển kinh tế được” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.